Lý thuyết hộp Darvas (Kỳ 1)
Hộp Darvas là một công cụ kỹ thuật cho phép các nhà giao dịch mua bán cổ phiếu bằng cách vẽ các đường ngang dựa theo mức giá cao nhất và thấp nhất trong khung thời gian nhất định. Đây là một trong những lý thuyết cũ nhưng vẫn còn phát huy giá trị trong thời hiện đại.
Lý thuyết hộp Darvas là gì?
Lý thuyết hộp Darvas là một chiến lược giao dịch được phát triển bởi Nicolas Darvas, sử dụng sự dao động của giá cổ phiếu trong một khung thời gian đã xác định và khối lượng giao dịch làm chỉ báo chính.
Kỹ thuật giao dịch của Darvas là mua cổ phiếu sau khi giá phá vỡ ngưỡng cản trên (tạo ra breakout) kèm theo khối lượng giao dịch tăng đột biến. Việc vẽ một hộp xung quanh mức cao nhất và thấp nhất để thiết lập điểm vào (sau khi vượt lên ngưỡng trên) và đặt lệnh cắt lỗ (sau khi cắt xuống ngưỡng dưới). Một cổ phiếu được coi là nằm trong hộp Darvas khi giá tăng lên trên mức cao trước đó rồi lại quay đầu giảm.
Nguồn: https://rattibha.com/
Nguồn gốc lý thuyết hộp Darvas
Nicolas Darvas sinh năm 1920 tại Hungary và mất năm 1977 tại Paris, Pháp. Năm 1930, ông chạy trốn khỏi quê hương Hungary trước Đức quốc xã. Cuối cùng, ông ấy đoàn tụ với em gái của mình và ngay sau Thế chiến thứ hai, họ bắt đầu với công việc khiêu vũ chuyên nghiệp ở Châu Âu.
Nicolas Darvas khi còn là vũ công. Nguồn: Ebay
Khi đi du lịch với tư cách là một vũ công, Darvas đã lấy được các bản sao của The Wall Street Journal và Barron's nhưng chỉ sử dụng giá cổ phiếu niêm yết để xác định các khoản đầu tư của mình. Bằng cách vẽ các hộp và tuân theo các quy tắc giao dịch nghiêm ngặt, Darvas đã biến khoản đầu tư 10,000 đô la thành 2 triệu đô la trong khoảng thời gian 18 tháng. Thành công đó đã khiến ông viết cuốn sách “Tôi đã kiếm được 2,000,000 đô la như thế nào trên thị trường chứng khoán” vào năm 1960, đồng thời phổ biến lý thuyết hộp Darvas.
Ngày nay, có nhiều biến thể của lý thuyết hộp Darvas tập trung vào các khung thời gian khác nhau để thiết lập các hộp hoặc đơn giản là tích hợp các công cụ kỹ thuật khác tuân theo các nguyên tắc tương tự như dải hỗ trợ và kháng cự. Chiến lược ban đầu của Darvas được tạo ra vào thời điểm mà luồng thông tin chậm hơn nhiều và chưa có biểu đồ theo thời gian thực (realtime). Mặc dù vậy, ý tưởng của lý thuyết là rất rõ ràng với các điểm vào và ra có thể dễ dàng xác định được ngay cả với những người không chuyên.
Nguồn: Time Inc
Lý thuyết hộp Darvas cho bạn biết điều gì?
Hộp Darvas là một chỉ báo khá đơn giản được tạo bằng cách vẽ một đường ngang đi qua mức giá thấp nhất và cao nhất. Khi đó, bạn sẽ vẽ được một khu vực/quỹ đạo mà giá sẽ dao động lên xuống trong vùng này. Lý thuyết hộp Darvas đề xuất chỉ giao dịch các hộp tăng giá và sử dụng mức giá cao nhất của các hộp bị phá vỡ để trở thành hỗ trợ cho giai đoạn tăng giá tiếp theo.
Mặc dù chủ yếu là một chiến lược kỹ thuật, lý thuyết hộp Darvas cũng được kết hợp với một số phân tích cơ bản để xác định cổ phiếu nào sẽ được nhắm mục tiêu. Darvas tin rằng phương pháp của ông hoạt động tốt nhất khi được áp dụng cho những ngành có tiềm năng lớn nhất. Ông cũng ưa thích các doanh nghiệp có thu nhập tăng cao qua các năm, đặc biệt nếu thị trường chung có nhiều biến động.
Hạn chế của Lý thuyết Hộp Darvas
Những người chỉ trích kỹ thuật lý thuyết hộp Darvas cho rằng thành công của Darvas là do ông đã vô tình tham gia thị trường đúng vào giai đoạn tăng trưởng dài hạn. Họ khẳng định rằng ông không thể đạt được các thành quả tương tự nếu sử dụng kỹ thuật này trong một thị trường giá xuống. Công bằng mà nói thì việc tuân theo lý thuyết hộp Darvas sẽ giúp hạn chế thua lỗ khi xu hướng không tiến triển theo kế hoạch.
Việc sử dụng lệnh dừng lỗ theo sau và đi theo xu hướng thị trường khi nó đang tăng đã trở thành yếu tố chính của nhiều chiến lược kỹ thuật được phát triển kể từ thời Darvas. Cũng như nhiều lý thuyết giao dịch, mục đích thực trong lý thuyết hộp Darvas là giúp các nhà đầu tư có tính kỷ luật nhằm giảm thiểu và kiểm soát được phần lớn rủi ro giao dịch.
Đón đọc:
Kỳ 2: Ứng dụng lý thuyết Darvas ở thị trường chứng khoán Việt Nam
Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|