Lãi ròng quý 1 RCL chỉ bằng 1/4 cùng kỳ
Ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, và các chính sách thay đổi trong nước như lãi suất tăng cao, siết chặt các kênh huy động vốn như trái phiếu, tín dụng, quý 1/2023 của CTCP Địa ốc Chợ Lớn (HNX: RCL) gặp nhiều khó khăn, lãi ròng quý 1 đạt 0.4 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 cùng kỳ năm trước.
BCTC quý 1/2023, hoạt động kinh doanh của RLC gặp nhiều khó khăn khi không có nguồn thu từ bán nhà, đất, căn hộ; đây vốn dĩ là nguồn thu chính trong cùng kỳ năm trước. Kết quả doanh thu đạt chưa đầy 2.3 tỷ đồng, giảm gần 90% so cùng kỳ năm trước.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 1/2023 của RCL
Nguồn: BCTC quý 1/2023 của RCL
|
Giá vốn hàng bán giảm 96% còn 600 triệu đồng, nguyên nhân do không phát sinh chi phí về giá vốn bán nhà, đất, căn hộ. Dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ đạt 1.6 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, doanh thu về hoạt động tài chính tăng 283%, đạt hơn 100 triệu đồng so với năm trước. Chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay chiếm 93%.
Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 30% chỉ còn 1.5 tỷ đồng, ngoài ra công ty không có chi phí bán hàng kỳ này.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của CTCP Địa ốc Chợ Lớn giảm 75%, chỉ đạt hơn 400 triệu đồng so với 1.8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kỳ quý 1 giảm mạnh thấp nhất từ năm 2008.
Lý giải việc giảm mạnh này, RCL cho biết do tình hình kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm đã làm cho lợi nhuận giảm tương ứng.
Năm 2023, HĐQT RCL đặt mục tiêu đạt 60 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% và 8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 19% so với thực hiện năm 2022. Các chỉ tiêu sẽ được nêu rõ trong ĐHĐCĐ năm 2023 sắp tới.
Cuối quý 1/2023, tổng tài sản của RCL ở mức gần 476 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt gần 9 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm. Ngoài ra Công ty có khoảng 5 tỷ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh, trong đó dự phòng giảm giá gần 1 tỷ đồng. Danh mục cho thấy, RCL đầu tư khá nhiều mã cổ phiếu ngân hàng như ACB, CTG, BVB, HDB, MBB, STB, SHB, VIB; bên cạnh đó là một số mã doanh nghiệp bất động sản như NLG, VRE…
Nguồn: BCTC quý 1/2023 của RCL
|
Cơ cấu tài sản cho thấy các khoản phải thu chiếm đáng kể với 43%, tương đương hơn 205 tỷ đồng, trong đó khoản thu ngắn hạn khác gần 130 tỷ đồng. Thuyết minh BCTC cho thấy đơn vị mà RCL có khoản phải thu nhiều nhất là CTCP Đầu tư Sài Gòn – Bình Dương, kế đến là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty ông Trần Tuấn Đạt (hợp đồng ủy thác giao dịch đầu tư dự án Vĩnh Long).
Được biết, RCL và CTCP Đầu tư Sài Gòn – Bình Dương cùng hợp tác kinh doanh tại dự án Sabinco – Tương Bình Hiệp do CTCP Đầu tư Sài Gòn – Bình Dương làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích hơn 19.3 ha, tọa lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Phối cảnh dự án Sabinco – Tương Bình Hiệp, tỉnh Bình Dương
|
Về nguồn vốn, tính đến cuối kỳ, nợ phải trả không thay đổi nhiều so với đầu năm, duy trì khoảng 183 tỷ đồng. Trong đó tập trung vào chi phía phải trả ngắn hạn với gần 163 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty không phát sinh nợ vay.
Thành Nguyễn
FILI
|