Thứ Sáu, 07/04/2023 16:58

IMF: Kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng yếu trong 5 năm tới

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới có thể ở mức yếu nhất trong hơn 3 thập kỷ qua, qua đó kêu gọi các quốc gia tránh gia tăng căng thẳng địa chính trị và đưa ra các động thái để thúc đẩy năng suất.

Trong một bài phát biểu tại Washington vào ngày 06/04, giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho hay kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong nửa thập kỷ tới trong bối cảnh lãi suất cao hơn. Đây là dự báo tăng trưởng trung hạn thấp nhất kể từ năm 1990 và thấp hơn mức trung bình 5 năm trong hai thập kỷ qua (3.8%).

Bà cho biết đối với năm 2023, GDP toàn cầu có thể sẽ tăng dưới 3%, phù hợp với dự báo hồi tháng 01/2023 của quỹ là 2.9%.

IMF cho biết khoảng 90% các nền kinh tế phát triển sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm nay, do chu kỳ thắt chặt tiền tệ gây ảnh hưởng đến nhu cầu và khiến hoạt động kinh tế ở Mỹ và Eurozone chậm lại.

Xung đột Nga – Ukraine đã làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, qua đó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lạm phát toàn cầu và gia tăng nạn đói trên khắp thế giới.

“Kinh tế thế giới nói chung giờ đây ít có khả năng hỗ trợ cho những quốc gia yếu ớt nhất”, bà Georgieva nói trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg Television.

Riêng một số thị trường mới nổi đang cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là ở châu Á. Trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc dự kiến đóng góp một nửa cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia có thu nhập thấp đang gặp khó khăn do nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của họ suy yếu. Tình trạng nghèo đói cũng có thể gia tăng.

Theo bà Georgieva, bất chấp triển vọng tăng trưởng ảm đạm, lạm phát cao đồng nghĩa các ngân hàng trung ương phải tiếp tục tăng lãi suất, miễn là áp lực ổn định tài chính vẫn thấp sau những biến động gần đây của ngành ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sỹ.

Nếu hệ thống ngân hàng trở nên bất ổn, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa lạm phát và việc bảo vệ hệ thống tài chính, bà Georgieva nói thêm. “Hãy thận trọng và nhanh nhẹn hơn bao giờ hết.”

Thông điệp của bà Georgieva được đưa ra một ngày sau khi IMF cảnh báo rằng sự phân mảnh địa chính trị, do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Bà nhắc lại lời cảnh báo hồi tháng 01/2023 rằng tình trạng phân mảnh thương mại trong dài hạn - bao gồm các hạn chế về di cư, dòng vốn và hợp tác quốc tế - có thể khiến tổng GDP toàn cầu giảm 7%, khoảng 7 ngàn tỷ USD - tương đương với tổng GDP hàng năm của Đức và Nhật Bản. Bà Georgieva cho biết sự gián đoạn trong thương mại công nghệ có thể dẫn đến thiệt hại lên tới 12% GDP đối với một số quốc gia.

Kim Dung (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   CEO JPMorgan: Khủng hoảng ngân hàng làm tăng khả năng suy thoái (07/04/2023)

>   Vàng thế giới tăng hơn 2% trong tuần qua (07/04/2023)

>   Dầu tăng tuần thứ 3 liên tiếp, vọt hơn 6% (07/04/2023)

>   Các quỹ phòng hộ bỏ túi 7 tỷ USD nhờ bán khống cổ phiếu ngân hàng (06/04/2023)

>   BlackRock sẽ bán danh mục chứng khoán của Signature Bank và SVB (06/04/2023)

>   Giới đầu tư cược Fed không tăng lãi suất trong tháng tới (06/04/2023)

>   Barclays: 1,500 tỷ đô có thể chảy sang các quỹ thị trường tiền tệ (06/04/2023)

>   Vàng thế giới lên sát mốc 2,020 USD (06/04/2023)

>   Dầu gần như đi ngang dù dự trữ tại Mỹ giảm mạnh (06/04/2023)

>   Công ty mẹ Uniqlo theo chân các hãng thời trang rời khỏi Myanmar (05/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật