Gỡ khó cho giết mổ công nghiệp Theo Quyết định 313/QĐ-UBND TP HCM năm 2011 về quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, các cơ sở giết mổ heo thủ công tại TP HCM phải chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, mục tiêu này đã phải dời rất nhiều lần cho đến đầu tháng 4 này, TP HCM mới chính thức chuyển đổi toàn bộ sang giết mổ heo công nghiệp.
Cụ thể, đêm 31-3 rạng sáng 1-4, hai nhà máy giết mổ heo công nghiệp lớn nhất TP HCM của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi) và Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn, thường gọi là Nhà máy Xuân Thới Thượng) đã chính thức vận hành. Các cơ sở giết mổ thủ công trước đây cũng đã ngừng hoạt động. Các nhà máy được trang bị dây chuyền giết mổ heo, nhiều thiết bị chuyên dụng giúp giảm tiếp xúc giữa nhân công và thịt, bảo đảm tốt hơn điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM, sau 4 ngày TP HCM chính thức chuyển đổi sang giết mổ heo công nghiệp, sản lượng đạt từ 5.400 - 5.800 con/ngày, tức bình quân 5.568 con/ngày, tăng 339% với thống kê 1 tuần vào giữa tháng 3, cho thấy thương lái đã tích cực chuyển đổi. Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là cả 2 nhà máy mới và 3 nhà máy đã vận hành trước đó gồm nhà máy giết mổ Sagri, Vissan, Lộc An đều đang hoạt động dưới công suất. Trong khi mỗi ngày vẫn có hơn 1.000 con heo được chuyển về các tỉnh giết mổ thủ công rồi chuyển thịt heo về TP HCM tiêu thụ. Giết mổ heo công nghiệp tại nhà máy Sagri - Ảnh: AN NA |
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho biết để đầu tư nhà máy hiện đại công suất 3.200 con/ngày, bà phải bỏ vốn 700 tỉ đồng trong khi ở các tỉnh chỉ cần đầu tư 7 tỉ đồng là có thể tổ chức giết mổ thủ công với công suất tương đương. Do đó, cần có giải pháp hỗ trợ, nếu không các nhà máy khó gồng lỗ lâu dài vì nhà máy đang phải hỗ trợ giá cho thương lái bằng cách áp giá bằng với giá giết mổ thủ công. Ông Tô Văn Liêm, Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, kiến nghị TP HCM cần đặt ra yêu cầu, thịt heo từ các tỉnh đưa về cũng phải từ các nhà máy giết mổ công nghiệp để bảo đảm cạnh tranh công bằng. Về vấn đề trên, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cho biết sẽ có văn bản kiến nghị trung ương cho phép thành phố áp dụng tiêu chuẩn về thịt tươi (TCVN 7046) theo dạng bắt buộc thay vì khuyến khích như hiện nay. "Đây cũng là cách để TP HCM nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm chứ không thể cấm thịt heo được giết mổ từ các tỉnh đưa về" - ông Đinh Minh Hiệp giải thích. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cũng cho biết sẽ tăng cường phối hợp xử lý các điểm giết mổ lậu; đồng thời tiếp tục hỗ trợ các nhà máy mở rộng thêm khu pha lóc thịt heo, khu chế biến… để gia tăng giá trị, biên lợi nhuận thay vì chỉ gia công heo hơi thành heo mảnh như hiện nay.
Ngọc Ánh Người lao động
|