Đưa hàng OCOP đến gần người tiêu dùng Các doanh nghiệp, hợp tác xã... mong được hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP
Sau 2 tháng chạy thử, giữa tháng 4-2023, sàn thương mại điện tử chuyên bán sản phẩm từ chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP (OCOP247.vn) chính thức ra mắt và khai trương cửa hàng trực tiếp đầu tiên tại mặt bằng rất đẹp trên đường Vành Đai Tây (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP HCM). Mở kênh bán hàng chuyên biệt Ông Dương Hoàng Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Gia Phú (chủ sàn OCOP247.vn), giải thích lý do mở sàn OCOP247.vn là vì sản phẩm OCOP dù đã được bán online nhưng chưa có kênh chuyên biệt. "Chúng tôi đánh giá đây là dòng hàng đặc sản, tốt cho sức khỏe, mẫu mã chuẩn vì đã qua chọn lọc gắt gao nên yên tâm kinh doanh. Có nhiều loại đặc sản OCOP rất ngon mà nhiều người chưa biết, chỉ cần thử qua, nhu cầu sẽ rất cao" - ông Quý chia sẻ. Theo ông Quý, trên OCOP247.vn hiện có khoảng 250 mã hàng được phân loại theo nhiều cách để tiện cho người dùng, như theo "sao OCOP", vùng miền, công dụng sản phẩm… Trong năm nay, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với các văn phòng điều phối nông thôn mới để cùng các chủ thể tiếp tục đưa những sản phẩm OCOP lên sàn. "Trong 6 tháng đầu tiên, OCOP247.vn miễn phí thuê gian hàng cho chủ thể nhưng có tính chiết khấu để thực hiện các chương trình quảng bá với mục tiêu bán được nhiều hàng, giúp các bên cùng có lợi" - chủ sàn này chia sẻ. Ngoài ra, công ty sẽ mở 5 cửa hàng trực tiếp tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Đà Lạt (Lâm Đồng) kiêm các kho hàng, để giảm thời gian và chi phí vận chuyển cho khách hàng. Theo ông Đặng Quý Nhân, Phó trưởng Phòng OCOP - Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới trung ương, hiện cả nước có 9.167 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 4.704 chủ thể. Trong đó có hơn 6.000 sản phẩm OCOP 3 sao, hơn 3.000 sản phẩm OCOP 4 sao, 20 sản phẩm OCOP 5 sao. Ông Nhân đánh giá sự kiện ra mắt sàn thương mại điện tử chuyên sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất lớn, giúp các chủ thể OCOP tiếp cận với thương mại 4.0. "Đa phần chủ thể OCOP là doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác… rất cần được hỗ trợ xúc tiến thương mại hiện đại. Chúng tôi sẽ hỗ trợ thông tin, giới thiệu các chủ thể OCOP tham gia sàn. Các cơ quan quản lý nhà nước rất ủng hộ những sàn thương mại điện tử như thế này" - ông Nhân nhấn mạnh. Sản phẩm OCOP của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ tìm cơ hội vào các siêu thị lớn tại hội nghị kết nối giao thương ngày 14-4. Ảnh: THANH NHÂN |
Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Trong chương trình kết nối giao thương giữa TP HCM với các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ diễn ra gần đây, câu hỏi làm sao để sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn để chào hàng thành công, trụ vững trên kệ hàng các siêu thị đều được lặp đi lặp lại tại các buổi tiếp xúc. Không chỉ các DN sản xuất nhỏ lẻ mà ngay cả những DN quy mô khá, xuất khẩu sang nhiều thị trường nhưng vẫn loay hoay tìm đường vào siêu thị trong nước. Đơn cử, mặt hàng rong nhỏ của Công ty TNHH SX-TM-XNK D&T (D&T Group) đạt chứng nhận OCOP 4 sao, đã xuất khẩu số lượng lớn sang Mỹ, Nhật Bản nhưng mãi đến gần đây mới ký được hợp đồng cung cấp cho hệ thống siêu thị thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA). Một DN sản xuất nông sản ở Bắc Kạn cũng được chứng nhận OCOP 4 sao nhưng không kết nối được với nhà phân phối nào vì không có cơ hội giao lưu, chào bán sản phẩm. Ngoài ra, rất nhiều DN, HTX có sản phẩm OCOP nhưng quy mô nhỏ, năng lực sản xuất hạn chế, giá cả thiếu cạnh tranh nên dù được chính quyền địa phương hỗ trợ truyền thông, marketing, kết nối… nhưng không đáp ứng đủ điều kiện và bị nhà bán lẻ loại ngay từ vòng tiếp xúc đầu tiên. Các DN phân phối cũng chỉ ra những hạn chế lớn mà DN, HTX địa phương cần khắc phục để gia tăng sức cạnh tranh và bám trụ thị trường cho sản phẩm OCOP. Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Công ty Central Retail Việt Nam, nhiều sản phẩm OCOP tương đồng nhau nên cần cải thiện mẫu mã để bắt mắt hơn, cạnh tranh hơn. Bà Vân cũng lưu ý DN phải luôn bảo đảm nguồn hàng, tối đa hóa chuỗi logistics… "DN có thể liên kết với nhau để đi cùng một chuyến hàng nhằm hạ giá thành" - bà Vân nhấn mạnh. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết OCOP là sản phẩm đặc trưng của làng xã, địa phương nhưng gặp hạn chế khi phát triển lên quy mô số lượng lớn. "Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề đạt những giải pháp với các chủ thể OCOP theo cách thức riêng của HTX, gộp những sản phẩm nhỏ lẻ để cung ứng và tận dụng những giá trị mà Saigon Co.op mang lại" - ông Đức thông tin. Để làm được điều này, Saigon Co.op sẽ làm việc với các hiệp hội ở các địa phương, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX, ngành công thương các tỉnh - thành để gom những sản phẩm quy mô nhỏ lại sao cho bảo đảm về mặt chất lượng lẫn số lượng cung ứng. "Có thể Saigon Co.op đứng ra làm đầu mối, cũng có thể là các DN liên kết với nhau để đứng ra nhận đơn hàng, gom sản lượng và cung ứng cho nhà phân phối. Các DN cũng có thể liên kết để chia sẻ chi phí marketing, thuê quầy tại siêu thị để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng" - ông Đức gợi ý. Phản hồi mong muốn của các DN, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã yêu cầu các nhà bán lẻ phải quan tâm hơn tới DN, HTX địa phương, tạo thêm đầu ra cho sản phẩm OCOP, tham gia cùng nhà nước hỗ trợ DN, HTX sản xuất, hỗ trợ trực tuyến qua thương mại điện tử, các hoạt động xúc tiến… Nhiều sản phẩm OCOP đặc sắc Theo bà Hoàng Thị Mai, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP HCM, chương trình OCOP không chỉ cải thiện thu nhập người dân nông thôn mà cả thành thị. Trước đây, OCOP TP HCM chỉ triển khai tại 5 huyện, đã thấy hiệu quả, nay các quận nếu có sản phẩm đạt tiêu chuẩn vẫn được công nhận. "Tháng 3 vừa qua, TP HCM đã công nhận thêm 39 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận đạt chuẩn 3 sao trở lên là 66 sản phẩm gồm: 36 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 30 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. TP HCM cũng đề xuất trung ương công nhận sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Tuy vậy, vẫn có nhiều sản phẩm đặc sắc nhưng còn ít người biết đến; như huyện Cần Giờ, trước nay nhiều người biết đến các loại đặc sản là thủy sản như cá dứa, cá đù... mà ít biết xoài cát Cần Giờ của HTX Cần Giờ Tương Lai ngon không kém xoài cát Hòa Lộc" - bà Mai chia sẻ. |
Thanh Nhân Ngọc Ánh Người lao động
|