Đồng ý cho Bình Dương làm trục thoát nước cho cả vùng Đông Nam bộ Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có văn bản chấp thuận để tỉnh Bình Dương chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, triển khai dự án nạo vét, gia cố suối Cái, từ đó có thể chứa nước thải và là trục thoát nước cho cả khu vực Đông Nam bộ, tạo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại.
Ảnh minh hoa: Google map |
Cổng thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công văn số 260/TTg-NN về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án nạo vét, gia cố suối Cái theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó Chính phủ chấp thuận để UBND tỉnh Bình Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng hơn 81 héc-ta đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai tại thành phố mới Tân Uyên.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định và đồng thuận với đề xuất của tỉnh Bình Dương nạo vét suối Cái tạo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại và có thể chứa nước thải, làm trục thoát nước cho cả khu vực Đông Nam bộ.
Chính phủ cũng giao UBND tỉnh Bình Dương tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ dự án, hiện trạng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm thống nhất hồ sơ và thực địa, tiêu chí đất trồng lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ, chịu trách nhiệm về việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án nạo vét, gia cố suối Cái có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Dự án sẽ nạo vét, mở rộng gia cố và xây dựng các công trình: Tuyến suối Cái nhánh chính ra cầu Tổng Bảng, chiều dài 14,5 km, từ cầu Thợ Ụt (K0+000) theo hướng cầu Tổng Bảng đến K14+500 thuộc sông Đồng Nai. Tuyến suối Cái nhánh phụ ra cầu Bà Kiên có chiều dài khoảng 4,7 km bắt đầu từ K11+250 trên tuyến suối Cái chính theo hướng cầu Bà Kiên đến K4+700 trên sông Đồng Nai.
Các công trình trên kênh sẽ giữ nguyên các cầu hiện trạng (Thợ Ụt, Bến Sắn, Khánh Vân, Tổng Bảng), nạo vét tối đa kênh dưới cầu, xây dựng cống qua đường hai bên đầu cầu; đầu tư các cống băng qua đường để kết nối vào các tuyến suối. Đất đào được sẽ tận dụng để đắp bờ; đường giao thông dọc kênh và vỉa hè, cây xanh giáp bờ kênh, khu dân cư.
Cổng thông tin UBND tỉnh Bình Dương cho biết, nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng hơn 187 héc-ta, trong đó đất sông rạch hơn 40 héc-ta. Tổng số hộ giải tỏa trắng khoảng 92 hộ; dự kiến bố trí tái định cư vào các khu tái định cư trên địa bàn thành phố Tân Uyên.
Từ năm 2006, thị xã Tân Uyên, nay là thành phố Tân Uyên đã đánh giá sự cần thiết phải tạo ra trục thoát nước lớn nhằm chống ngập úng cho TPHCM. Thời điểm đó, dự tính nếu nạo vét cả trục thoát nước suối Cái sẽ cần kinh phí trên 2.000 tỉ đồng. Nay, khi thành phố triển khai đồng thời xây dựng cầu Bạch Đằng 2 băng sông Đồng Nai nối Bình Dương và Đồng Nai, trục thoát nước suối Cái sẽ là hệ thống thoát nước rộng chưa từng có, thu được cả miền Đông Nam bộ.
T.Huy TBKTSG
|