ĐHĐCĐ VTO: Quý 1 lãi 20 tỷ đồng
Sáng ngày 20/04, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (HOSE: VTO) được tổ chức để thông qua kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận và bầu thay thế thành viên Ban Kiểm soát.
Đại hội lần này của Vitaco diễn ra trong bối cảnh thị trường vận tải dầu diễn biến tích cực với giá cước tăng mạnh từ nửa cuối năm 2022.
Chủ tịch La Văn Út phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Vitaco. Ảnh: VH
|
Nhìn lại năm 2022, Vitaco ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong nửa đầu năm và khởi sắc trở lại trong giai đoạn cuối năm. Ban lãnh đạo cho biết điều này là nhờ giá cước vận tải bên ngoài thị trường đoạn cuối năm 2022 có xu hướng tăng.
Nhà máy lọc dầu và các đầu mối nhập khẩu xăng dầu trong nước có nhu cầu nhập khẩu gia tăng để bù đắp sản lượng nội địa thiếu hụt cũng kéo theo nhu cầu vận chuyển xăng dầu nhập khẩu tăng lên.
Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển đường biển ở các khu vực cũng tăng do việc cấm vận đội tàu biển của Nga làm cho nguồn cung thiếu hụt, tạo cơ hội tham gia vận chuyển của các đội tàu quốc gia khác. Điều này đã làm cho nhu cầu tàu, lượng hàng luân chuyển và tuyến đường giao thương ở các khu vực cũng thay đổi, là cơ hội thuận lợi cho việc gia tăng giá cước vận tải đường biển.
Trong năm 2022, VTO đã 3 lần tăng cước định hạn trong tháng 5, 7 và 9/2022 và giá cước tăng từ 38,400 USD/ngày lên 59,000 USD/ngày. Nhờ đó, Vitaco ghi nhận lãi 6 tháng cuối năm khởi sắc hơn.
Khi xét cả năm 2022, VTO ghi nhận lãi ròng 73 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ, nhưng vẫn vượt kế hoạch đề ra. Với kết quả này, công ty dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 8% cho năm 2022, cao hơn kế hoạch trước đó là 7%. Ban lãnh đạo chia sẻ nhiều khả năng, Công ty sẽ chi cổ tức vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2023.
Chủ tịch La Văn Út cho biết tổng trọng tàu đội tàu hiện ở mức 162,000 dwt, trong đó chỉ có tàu Petrolimex 9, 11, 12, 14 đã hết lãi vay và hết khấu hao. Đây là những tàu đã được đầu tư từ năm 2007-2008.
Quý 1 lãi 20 tỷ đồng
Cho năm 2023, ban lãnh đạo Vitaco đặt ra kế hoạch thận trọng, với lãi sau thuế gần 70 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở giá cước định hạn trung bình năm 2023 giảm so với năm trước và kế hoạch sửa chữa đội tàu định kỳ. Ngoài ra, lượng hàng của Vitaco dự kiến tiếp tục giảm do có sự cạnh tranh lớn từ các đầu mối xăng dầu trong nước.
Về quý 1/2023, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Cương ước lãi trước thuế được 20 tỷ, thực hiện 20% kế hoạch năm 2023. Tuy nhiên, ông lưu ý: "Vì năm nay công ty có một số giảm về khấu hao, nhưng lại nằm ở nửa cuối của năm 2023, vì vậy quý 1 chưa đạt được bình quân. Tổng thể tới cuối năm sẽ đạt được kế hoạch".
Dự kiến 2023-2024, Vitaco cố gắng đầu tư con tàu viễn dương có trọng tải tương đương để thay thế tàu Petrolimex 08. Giá trị đầu tư dự kiến 30 triệu USD.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Công ty lưu ý tình hình đầu tư tàu hiện cũng rất khó khăn vì tình hình chiến tranh diễn biến phức tạp và giá mua tàu rất cao. Theo chia sẻ của Tổng Giám Đốc Nguyễn Quang Cương, một con tàu cách đây 2 năm có giá 17-18 triệu USD, thì hiện đã lên trên 30 triệu USD.
"Hiện nay công ty đang tích cực tìm kiếm, nhưng vẫn chưa có tàu phù hợp và giá quá cao. Do đó, công ty chưa khẳng định được có đầu tư ngay giai đoạn này hay không", ông Cương cho biết, đồng thời lưu ý thêm việc đầu tư sẽ còn phụ thuộc vào tình hình giá cước vận tải trên thị trường.
Cái giá cho sự ổn định?
Một nội dung cũng được bàn luận nhiều tại đại hội lần này là tình hình giá cước của Vitaco diễn biến ra sao trong bối cảnh giá cước thị trường tăng mạnh.
Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Cương chia sẻ Vitaco được thành lập với nhiệm vụ chính là vận chuyển hàng hoá cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và mức cước thường được xác định từ trước. "Vì đây là nhiệm vụ trọng tâm và ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu của Petrolimex, mức cước mà Petrolimex chi trả sẽ bao gồm được toàn bộ chi phí và lợi nhuận định mức cho Vitaco. Đó là cái tối thiểu", ông Cương cho biết.
Hàng năm, Petrolimex sẽ xem xét các mức chi phí của đội tàu từ đầu năm để có một giá cước phù hợp để đảm bảo cho công ty hoạt động lành mạnh và trang trải được chi phí. Chính vì thế công ty sẽ có được mức cước ổn "bất kể tình hình giá cước trên thị trường biến động giảm như thế nào. Đây là một lợi thế của Vitaco", ông Cương cho biết.
Vị Tổng Giám đốc dẫn chứng trong rất nhiều năm qua, giá cước thị trường luôn luôn thấp, nhưng Vitaco vẫn ổn định. "Trong năm 2022, có những thời điểm là cước còn không đảm bảo nhiên liệu chạy. Việc không đủ hàng hoá khiến tất cả công ty vận tải lỗ. Tuy nhiên, nhóm tàu của Petrolimex, trong đó có Vitaco, vẫn đảm bảo được chi phí hoạt động, bao gồm chi phí liên quan tới tiền lương, sửa chữa, cộng với lợi nhuận và luôn luôn có chi trả cổ tức rất ổn định".
Tuy nhiên, để có lợi thế này, Vitaco cũng có sự đánh đổi. Vì tập trung vận chuyển xăng dầu cho Petrolimex, nên Công ty không đủ năng lực để tham gia vào thị trường vận chuyển bên ngoài. Do đó vào những lúc giá cước tăng mạnh trên thị trường, Vitaco cũng không được hưởng lợi nhiều.
"Chính vì sự ổn định trong vận tải nên khi thị trường tăng giá, chúng ta phải chấp nhận vì không tham gia vào thị trường bên ngoài nhiều. Nhưng khi thị trường xuống như trong mấy năm vừa rồi, chúng ta lại được hưởng lợi thế trong tập đoàn", ông Cương cho biết.
Năm 2023 sẽ sửa chữa 4 tàu
Tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Cương chia sẻ hiện nay công ty Vitaco có đội tàu gồm 10 chiếc, trong đó 5 chiếc là tàu ven biển, 5 chiếc viễn dương (vận chuyển hàng từ nước ngoài về). Theo quy định, các con tàu phải định kỳ sửa chữa 2 năm 1 lần.
Trong năm 2023, công ty dự định sửa chữa 4 tàu bao gồm Petrolimex 20, Petrolimex 11, Nhà bè 08, Nhà bè 10. Trong đó, chi phí sửa chữa tàu Petrolimex 20 tầm 20 tỷ, Petrolimex 11 là 28 tỷ, cộng với đợt lên đà này, tàu phải lắp thêm hệ thống xử lý nước khoảng 13 tỷ đồng. Theo kế hoạch, chi phí sửa chữa đội tàu Petro là 145 tỷ đồng và đội Nhà Bè là 83 tỷ đồng, tổng chi phí sửa chữa chiếm 13% giá vốn đội tàu.
Vẫn chưa thoái vốn CTCP An Phú
Tại đại hội, Chủ tịch La Văn Út chia sẻ thêm Vitaco hiện nắm giữ 625,000 cp, tương đương 0.51% vốn tại CTCP An Phú, và đang có ý định thoái vốn. Tuy nhiên, quá trình thoái vốn gặp nhiều khó khăn khi An Phú chưa niêm yết lên sàn UPCoM.
"Hiện nay, CTCP An Phú chưa lên sàn UPCoM và giao dịch nội bộ rất ít, do đó công ty không có cơ sở để định giá và xác định giá trị cổ phiếu để thực hiện mua bán. Tỷ lệ sở hữu tại An Phú rất thấp, chỉ 0.51%, nên chúng ta gặp khó khăn trong việc tiếp cận cũng như xin hồ sơ để có đủ cơ sở xác định giá cổ phiếu bằng phương pháp tối ưu. Chính vì thế công ty chưa thực hiện dứt điểm vấn đề này".
Tại đại hội lần này, ĐHĐCĐ cũng thông qua việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên BKS nhiệm kỳ 2021-2025. Trong đó, bà Phạm Thuý Hà, thành viên Ban kiểm soát, và ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng ban kiểm soát, sẽ miễn nhiệm từ ngày 20/04/2023. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tuyên và bà Nguyễn Thị Thu (đại diện cho nhóm cổ đông lớn sở hữu 5%) sẽ được bầu bổ sung cho ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2025.
Vũ Hạo
FILI
|