Thứ Sáu, 21/04/2023 10:29

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ Vietcombank: Lãi trước thuế quý 1 đạt 11,200 tỷ đồng

Sáng ngày 21/04, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh cũng như thực hiện bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2023- 2028.

Thảo luận:

Kết quả kinh doanh quý 1/2023? Tình hình nợ xấu thế nào?

Ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT: VCB xác định 2023 là năm có rất nhiều thách thức từ bối cảnh trong nước lẫn quốc tế, nhưng hết quý 1 kết quả vẫn khả quan. Tín dụng tăng trưởng 2.5%, huy động vốn 3.2%. NIM cải thiện, tăng 0.04% so với cuối năm 2022. LNTT hợp nhất hơn 11,200 tỷ đồng, thực hiện khoảng 26% kế hoạch 2023, bảo đảm tiến độ kế hoạch năm nay.

Tăng nợ xấu nhóm 2 được dự báo trước, Ngân hàng có biện pháp quản lý phù hợp.

Tiến triển về việc kêu gọi vốn nước ngoài của Vietcombank?

Vietcombank đang triển khai 3 nội dung tăng vốn.

Nội dung thứ nhất theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thông qua với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18.1%. Ngày 19/04, NHNN cũng đã thông qua đề xuất tăng vốn này. Nếu không có gì thay đổi, 1 tháng nữa sẽ hoàn thành tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020 và 2019.

Nội dung tăng vốn thứ 2 đã thông tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 đó là tăng vốn từ lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế năm 2018. Vốn điều lệ dự kiến tăng khoảng 27,000 tỷ đồng. Ngân hàng đang triển khai thủ tục với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Nội dung thứ ba là phát hành riêng lẻ 6.5% vốn điều lệ, Vietcombank đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ dông nước ngoài, dự kiến trong năm 2023-2024.

Kế hoạch hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng?

Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc: VCB luôn thực hiện chính sách áp dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng đối với khách hàng hiện hữu và vay mới.

Năm 2022, VCB luôn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay mới thấp so với thị trường. Đây cũng là lý do vì sao dư nợ tín dụng của Ngân hàng tăng đến 19% trong năm 2022. Trong 2 tháng cuối năm 2022, ngân hàng đã giảm đồng loạt 1% lãi suất cho khách hàng hiện hữu.

Sang năm 2023, VCB tiếp tục hỗ trợ cho khách hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dự kiến giảm 0.5% cho khách hàng hiện hữu. Tổng cộng, quy mô dư nợ được giảm là trên 50% tổng dư nợ hiện hữu của VCB. Thời gian tới, VCB sẽ xem xét tiếp tục triển khai chương trình giảm lãi suất mà ngân hàng đã triển khai từ 1/1-30/4/2023. Đối với cho vay mới, VCB đã giảm đến 2% mặt bằng lãi suất kể từ đầu năm. Với chương trình giảm lãi suất 2% theo Nghị đinh 31 của Chính phủ và thông tư 03 của NHNN, doanh số dư nợ giải ngân và đã được giảm lãi suất đã lên tới 10,000 tỷ đồng.

Kế hoạch chi tiết trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu năm nay như thế nào?

Phó Tổng Giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến: Theo kế hoạch, VCB trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18.1%, dự kiến thực hiện trong tháng 5/2023.

Tiếp đó, trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2021 và lợi nhuận còn lại đến trước năm 2018 với quy mô 27,000 tỷ đồng hiện đang xin các cấp có thẩm quyền.

Cổ tức năm 2022, VCB dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại của năm 2022 là hơn 21,680 tỷ đồng.

Việc nhận sáp nhập TCTD yếu kém là trách nhiệm hay cơ hội với VCB? Ước tính gì về việc nhận sáp nhập này vào kế hoạch 5 năm tới?

Ông Phạm Quang Dũng: Với VCB, việc sáp nhận TCTD yếu kém bắt buộc là 1 phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống Ngân hàng ổn định. Mặt khác, đây cũng là một cơ hội cho VCB, với những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo ra cho Ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới. Chúng tôi chưa đưa việc sáp nhận này vào kế hoạch năm 2023, cũng như kế oạch đến năm 2025. Khi nào nhận được chuyển giao chính thức mới đưa vào kế hoạch.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Vietcombank được tổ chức sáng ngày 21/04. Ảnh: Thế Mạnh

TRƯỚC ĐẠI HỘI

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15%

Năm 2023, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với mức 37,368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023 tối thiểu đạt 43,000 tỷ đồng.

Ngân hàng đề ra mục tiêu đến cuối năm 2023 tổng tài sản tăng 9% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tăng tối đa 14%; huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) không cao hơn năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1.5%.

Xa hơn với định hướng chỉ tiêu dự kiến cho giai đoạn 2023-2028, tăng trưởng tổng tài sản dự kiến 9-10%/năm, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế bình quân 12-14%/năm. Tăng trưởng huy động vốn bình quân 10-11%/năm và phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ ROE bình quân 17-18%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1.5%.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023 của Vietcombank. Đvt: Tỷ đồng

Dùng 21,680 tỷ đồng để chia cổ tức

Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ năm 2022 của Vietcombank đạt hơn 29,387 tỷ đồng. Sau khi nộp thuế và trích các quỹ, lợi nhuận còn lại 21,680 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận này dự kiến được dùng để chia cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bầu HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028

HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 dự kiến được bầu gồm 8 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập.

Danh sách ứng viên dự kiến bầu vào HĐQT có 6 thành viên từ HĐQT cũ gồm ông Phạm Quang Dũng (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Thanh Tùng (Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc), ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hào, ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Hồng Quang đều là Thành viên HĐQT.

Bầu 01 Thành viên HĐQT độc lập để thay thế Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2018-2023 là ông Vũ Viết Ngoạn. Ông Ngoạn hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Viet Lotus, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VCB (hiện nay đã nghỉ hưu) giữ chức vụ Thành viên HĐQT độc lập của VCB nhiệm kỳ 2023-2028.

Bầu tái cử 1 Thành viên HĐQT đại diện vốn nhà đầu tư nước ngoài (nhân sự do Mizuho đề cử) là ông Shojiro Mizoguchi, Thành viên HĐQT đương nhiệm nhiệm kỳ 2018-2023.

Như vậy, ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ cũ sẽ không tham gia vào HĐQT nhiệm kỳ mới theo nguyện vọng cá nhân. Trước đó, ông Trương Gia Bình được bầu vào HĐQT Vietcombank tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.

BKS nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 4 thành viên, danh sách ứng cử gồm ông Lại Hữu Phước, bà La Thị Hồng Minh, bà Đỗ Thị Mai Hương và bà Trần Mỹ Hạnh.

Triển khai đúng tiến độ phương án nhận chuyển giao bắt buộc 1 TCTD yếu kém

Trong năm 2022, người đại diện vốn Nhà nước Vietcombank đã xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với nội dung: Kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc 1 tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém.

Trong năm 2023, Ngân hàng cũng đặt mục tiêu triển khai đúng tiến độ Phương án nhận chuyển giao bắt buộc 1 TCTD yếu kém.

Liên quan đến việc xử lý TCTD yếu kém, theo báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025, trong đó hoàn thiện khung pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng...

Chính phủ cũng báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị cơ chế xử lý với các ngân hàng yếu kém và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Bốn ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu gồm Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng “0 đồng” là Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Riêng từ cuối tháng 10/2022, NHNN đã đưa Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   PVP: BCTC quý 1 năm 2023 (20/04/2023)

>   ILB: Báo cáo thường niên năm 2022 (21/04/2023)

>   NT2: BCTC quý 1 năm 2023 (20/04/2023)

>   ĐHĐCĐ NKG: Kỳ vọng có lãi trở lại trong quý 2 (21/04/2023)

>   LPB: BCTC quý 1 năm 2023 (20/04/2023)

>   LM8: BCTC quý 1 năm 2023 (20/04/2023)

>   HCD: Giải trình biến động kết quả kinh doanh quý 1/2023 so với quý 1/2022 (21/04/2023)

>   KDC: BCTC Hợp nhất quý 1 năm 2023 (20/04/2023)

>   KDC: BCTC quý 1 năm 2023 (20/04/2023)

>   HUB: BCTC quý 1 năm 2023 (20/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật