ĐHĐCĐ TLG: Không đánh đổi lợi ích ngắn hạn cho tăng trưởng dài hạn
Sáng 27/04, CTCP Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Theo chia sẻ từ lãnh đạo, TLG hoàn toàn có thể thực hiện kế hoạch năm 2023 với mức biên lợi nhuận cao hơn tuy nhiên Công ty sẽ không đánh đổi lợi ích ngắn hạn cho tăng trưởng dài hạn.
ĐHĐCĐ thường niên của TLG tổ chức sáng 27/04
|
Năm 2023, TLG đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4,000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với kết quả năm 2022. Lãi sau thuế dự kiến đi ngang ở mức 400 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ở mức 10%.
Tại đại hội, Tổng Giám đốc Trần Phương Nga cho biết kế hoạch năm 2023 là khả thi thậm chí có thể hoàn toàn đạt được mức biên lợi nhuận 11 - 12%, tuy nhiên trước cơ hội mở rộng tiếp cận tới giới trẻ Công ty không nên tiết giảm chi phí để đạt hiệu quả lợi nhuận ngắn hạn. Trong định hướng dài hạn, tới năm 2027, doanh thu của TLG sẽ đạt 10 ngàn tỷ đồng. Bà Nga cho biết sẽ không đánh đổi kết quả ngắn hạn để hướng tới mục tiêu doanh thu này.
Nói thêm, vị Tổng Giám đốc cho biết Công ty đang chuẩn bị nền tảng vững chắc để nhân rộng quy mô hơn. Trong cơ cấu doanh thu 10 ngàn tỷ đồng có tỷ lệ tăng mặt bằng giá bán từ 50 - 70% theo lộ trình 5 năm. Hiện tại, nhu cầu tiêu dùng theo thời gian sẽ tăng theo thu nhập của người dân, người tiêu dùng trẻ sẽ sẵn lòng trả thêm cho trải nghiệm tốt hơn. Do đó, Công ty theo đuổi mục tiêu chất lượng, giá trị trải nghiệm hơn là sản lượng.
Doanh thu 10 ngàn tỷ đồng sẽ đến từ 3 trụ cột: Mảng xuất khẩu chiếm 1/4, mảng nội địa tăng về giá trị chứ không dồn hết vào sản lượng. Thứ 3 là các mảng mới.
Chia sẻ bên lề tại đại hội, bà Nga cho biết Công ty hướng tới kế hoạch doanh thu 10 ngàn tỷ đồng và biên lợi nhuận 8%. Vị Tổng Giám đốc nhận định "kế hoạch này là phù hợp và rất hấp dẫn, nếu đưa kế hoạch cao hơn là đang lừa nhà đầu tư".
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của TLG
Đvt: Tỷ đồng
|
Trở lại câu chuyện 2023, TLG đặt mục tiêu nâng tầm thương hiệu FlexOffice và Colokit, mở rộng kênh phân phối và danh mục sản phẩm tại các thị trường chính của Đông Nam Á bằng việc phát triển điểm bán mới, nghiên cứu và đẩy mạnh phát triển thêm nhiều SKUs tại mỗi điểm bán, nâng cao nghiệp vụ nhân sự, chuyên nghiệp hóa quản trị kênh phân phối tại khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Năm 2023, tỷ lệ cổ tức bằng tiền dự kiến duy trì mức 35% (3,500 đồng/cp). Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi tỷ lệ 10% từ lợi nhuận sau thuế.
Ngoài ra, HĐQT sẽ trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số lượng dự kiến phát hành là 800,000 cp, với giá phát hành là 10,000 đồng/cp.
Số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian thực hiện trong quý 2-3/2023.
Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2022, TLG ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt đạt 3,521 tỷ đồng và 401 tỷ đồng, tăng 32% và 45% so với năm trước. Kết quả đạt được trong năm 2022 lập mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Công ty, bất chấp việc quý 4/2022, TLG báo lỗ sau thuế gần 3 tỷ đồng trong bối cảnh thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn và tỷ giá biến động mạnh.
Với kết quả khởi sắc trên, TLG dự kiến nâng mức cổ tức bằng tiền năm 2022 từ 30% lên 35%, tương ứng hơn 272 tỷ đồng chia cổ tức cho cổ đông. Trước đó, Công ty đã tạm ứng 2 đợt cổ tức 2022 với tổng tỷ lệ 30%. Như vậy, cổ đông của TLG sẽ được nhận phần cổ tức còn lại với tỷ lệ 5% (500 đồng/cp).
Những năm gần đây, TLG đã liên tục đầu tư vào các dự án mới. Năm 2022, TLG đã tăng vốn góp tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam Thiên Long lên 650 tỷ đồng, khánh thành nhà xưởng mới B2 thuộc Thiên Long Long Thành, góp vốn 25% vốn điều lệ thành lập Pega Holdings. Đồng thời công ty con của TLG là Công ty TNHH Một thành viên Thương mại – Dịch vụ Tân lực Miền Nam đã góp vốn 70% vốn điều lệ thành lập CTCP Clever World để vận hành chuỗi văn phòng phẩm Clever Box.
Chí Kiên
FILI
|