Thứ Ba, 25/04/2023 14:00

ĐHĐCĐ MB: Mục tiêu lãi trước thuế 2023 đạt 26,100 tỷ đồng

Sáng ngày 25/04, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận và thay đổi nhân sự cấp cao.

Tỷ trọng cho vay bất động sản chiếm 7.8% tổng dư nợ 

Về vấn đề rủi ro cho vay bất động sản giữa lúc thị trường đang không tốt, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Phạm Như Ánh cho biết cho vay bất động sản tại MB gồm cho vay kinh doanh bất động sản và cho vay cá nhân mua nhà để ở. Hiện, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 7.8% trên tổng quy mô cho vay, thuộc top các ngân hàng cho vay thấp nhất trên thị trường.

Chia sẻ sâu hơn về trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh và Trung Nam, ông Phạm Như Ánh cho biết về Hưng thịnh, MB không cho vay dự án bất động sản, không sở hữu trái phiếu, có một chút cho vay về lĩnh vực xây lắp.

Novaland là đối tác bất động sản lớn với nhiều bên, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. Tuy nhiên, MB quản lý theo từng dự án cụ thể, đánh giá dự án dựa trên thị trường, khả năng tiêu thụ. Tính đến hiện tại, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm tương đối lớn, không còn nhiều như số đầu năm. Toàn bộ các dự án này được cho vay và quản lý tới nhà thầu và KHCN, cho nên cơ bản đến năm 2023 sẽ không phát sinh nợ xấu đối với nhóm Novaland. Và MB vẫn quản trị tiền trên tài khoản để thu đủ gốc và lãi trong năm 2023 và khi Novaland khởi động lại dự án, MB sẽ thu nợ đủ trong thời gian tới.

Còn Trung Nam, MB chỉ làm ở mảng duy nhất là năng lượng tái tạo, tập trung vào điện mặt trời. Toàn bộ cho vay và TPDN của Trung Nam đang được hấp thụ vào các dự án điện mặt trời. Hiện, dư nợ gốc và lãi của Trung Nam đang được trả nợ đủ, không có nợ xấu trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái chia sẻ thêm vấn đề với bất động sản không chỉ là của riêng Novaland mà toàn ngành bất động sản. Vấn đề lớn nhất là giải quyết được vấn đề pháp lý không phải là vấn đề tài chính. Tài chính là vấn đề hệ quả. Hiện nay, vướng mắc về thủ tục giấy tờ là thủ tục mở bán kéo dài tới vài năm. Tỷ lệ cho vay này nằm trong phạm vi cho phép.

MB tham gia không chỉ một dự án mà nhiều dự án của Novaland, tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10,000 tỷ như cổ đông nói. MB kiểm soát tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản trên dưới 8% trong tổng cho vay. Hiện nay, các dự án bất động sản không riêng Novaland đều có tài sản đảm bảo, MB kiểm soát được dòng tiền, sẽ không để phát sinh nợ xấu cho năm nay.

Một số dự án điện tái tạo, có đóng điện chậm so với tiến độ dự kiến, hiện có 4 dự án đóng điện chậm so với thời gian quy định, lý do là thực hiện vào đúng giai đoạn COVID-19.

Hiện do mức giá điều chuyển bị giảm thì các nhà đầu tư đang đấu tranh để có giá tốt hơn. Các nhà đầu tư này đều là nhóm có tiềm lực tài chính mạnh và đã tự thu xếp đủ tài chính để thực hiện nghĩa vụ nợ với MB và dự kiến năm nay có giá FIT mới sẽ đảm bảo được tiến độ và khả năng chi trả.

Lợi nhuận quý 1 của Mcredit là 302 tỷ đồng

Tình hình tại Mcredit, Vũ Thị Hải Phượng – Phó Chủ tịch HĐQT cho biết Mcredit đã thực hiện tái cơ cấu toàn diện từ 2020, tái cơ cấu nhưng phải đảm bảo tăng doanh thu, tối ưu và giảm chi phí hoạt động, kiểm soát thu hồi nợ, xây dựng chiến lược mới và định vị lại nhận diện thương hiệu.

Sau 3 năm tái cơ cấu, năm 2022, Mcredit đạt top 3 thị phần về quy mô lên 12%, sau FE Credit và Home Credit. Tỷ lệ CIR năm 2022 đạt 29.4%, ROE đạt 40.6%, NIM đạt 21.1%. Lợi nhuận với 1,200 tỷ đồng trong năm 2022, chỉ sau Home Credit. Nợ xấu kiểm soát ở mức 5.9% dù trung bình ngành là trên 8%.

Mcredit đặt mục tiêu lợi nhuận 1,300 tỷ trong năm nay. Quý 1, mặc dù có những khó khăn, thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng, MB sẽ tập trung tăng trưởng bền vững. Nợ xấu tăng nhẹ 7.8%, lợi nhuận 302 tỷ đồng. CIR ở mức 23%.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của MB được tổ chức sáng ngày 25/04.

Tăng vốn điều lệ lên 53,683 tỷ đồng thông qua chia cổ tức và tiếp tục phương án năm 2022

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 để lại sau khi trích lập các quỹ của MB là 12,151 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế trước khi chia cổ tức là gần 13,262 tỷ đồng.

Trong đó, MB dự kiến chia cổ tức cho cổ đông 9,067 tỷ đồng, trong đó chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% (6,800 tỷ đồng) và chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% (2,267 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế là gần 4,194 tỷ đồng.

Cụ thể về phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB dự kiến tăng thêm 8,343 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2023. Trong đó, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ mới năm 2023 là 6,800 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 680 triệu cp phổ thông để trả cổ tức (tỷ lệ 15%) cho cổ đông hiện hữu.

Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất MB năm 2022 là 18,155 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế riêng MB sau khi trích lập các quỹ năm 2022 là 12,151 tỷ đồng.

Số cổ phần này không bị hạn chế chuyển nhượng và dự kiến phát hành trong năm 2023 sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận và điều kiện thị trường thuận lợi.

Vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua và NHNN chấp thuận là 1,542 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 đến hết quý 2/2024.

Tổng vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng từ 45,340 tỷ đồng (ngày 31/12/2022) lên mức 53,683 tỷ đồng.

Số vốn tăng thêm dự kiến được dùng để đầu tư năng lực (bao gồm việc đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở MB tại TPHCM, các khu vực khác) và bổ sung vốn kinh doanh.

Dự kiến sau khi tăng vốn, cổ đông lớn của MB vẫn không thay đổi gồm: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (18.514%), Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước – Công ty TNHH (9.425%), Tổng Công ty trực thăng Việt Nam – Công ty TNHH và chi nhánh (8.58%), Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (7.211%).

Mục tiêu lãi trước thuế 2023 đạt 26,100 tỷ đồng, tăng 15%

Với số vốn điều lệ dự kiến tăng thêm, MB đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 tăng trưởng vốn điều lệ 20% (54,363 tỷ đồng), tổng tài sản tăng 14% (830,000 tỷ đồng), tín dụng tăng 15% (583,600 tỷ đồng) và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Huy động vốn tăng trưởng lên 591,000 tỷ đồng và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 15% so với năm trước, tương đương 26,100 tỷ đồng.

Mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 2% và riêng Ngân hàng mẹ dưới 1.5%.

Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng

Nhận chuyển giao bắt buộc 1 NHTM

Thực hiện nội dung ĐHĐCĐ thông qua và ủy quyền, giao nhiệm vụ cho HĐQT tại nghị quyết ĐHĐCĐ về việc MB nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại (NHTM), HĐQT đã quyết định và tổ chức thực hiện các công việc, nội dung liên quan để chuẩn bị, xây dựn, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc và thực hiện các thủ tục với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ NHTM đó theo định hướng chỉ đạo của NHNN, nhằm chuẩn bị cho việc MB nhận chuyển giao bắt buộc.

Trả lời câu hỏi của cổ đông vì sao phương án nhận chuyển nhượng ngân hàng yếu kém đã thực hiện một năm rồi mà lại chưa được nhận chuyển giao, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Phạm Như Ánh cho biết Việc nhận chuyển giao bắt buộc đã được trình và thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2022. Hiên tại, MB đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Theo quy trình của Nhà nước thì thời gian định giá 11 tháng, đã bắt đầu từ tháng 3/2023 và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 thì việc định giá mới xong. Khi đó, MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc TCTD đó được.

Thay đổi nhân sự cấp cao

Năm 2023, MB có sự thay đổi nhân sự Chủ tịch HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024. Ông Lê Hữu Đức có nguyện vọng từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQGT, theo đó HĐQT đã quyết định bầu ông Lưu Trung Thái đảm đương vị trí Chủ tịch HĐQT kể từ thời điểm được bầu, đồng thời thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MB.

HĐQT CŨNG giao nhiệm vụ ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc, đồng thời chỉ đạo triển khai các thủ tục báo cáo Cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận dự kiến nhân sự bổ nhiệm Tổng Giám đốc theo quy định.

HĐQT trình ĐHĐCĐ thường niên 2023 phương án miễn nhiệm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 đối với ông Lê hữu Đức và số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 là 10 thành viên.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   CII121006: Công Bố Thông Tin gửi Quý Cổ Đông liên quan đến việc tham dự Đại Hội Đồng Cổ Đông Thường Niên 2022 (24/04/2023)

>   CTG121030: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (24/04/2023)

>   ECI: Báo cáo thường niên 2022 (24/04/2023)

>   AME: Báo cáo tài chính quý 1/2023 (24/04/2023)

>   PSE: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (24/04/2023)

>   Chủ tịch Nguyễn Như So: DBC từng bước phục hồi từ quý 3, hướng đến việc xuất khẩu không chỉ riêng Trung Quốc (24/04/2023)

>   HOT: Thông báo đường dẫn biên bản và nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 kèm tài liệu (24/04/2023)

>   HDC: Nghị quyết HĐQT về triển khai phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 (24/04/2023)

>   RCL: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (24/04/2023)

>   CCR: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (24/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật