ĐHĐCĐ FIC: SCIC khó triển khai thoái vốn năm 2023
Sáng ngày 26/04, ĐHĐCĐ 2023 của Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng số 1 - CTCP (FiCO, UPCoM: FIC) đã thông qua các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023. Liên quan tới vấn đề thoái vốn Nhà nước, đại diện SCIC cho biết việc quyết toán vốn thì phụ thuộc vào các bộ và Thủ tướng, nên đối với FiCO trong năm 2023 khó triển khai thoái vốn chứ không phải không triển khai.
ĐHĐCĐ của FiCO diễn ra sáng ngày 26/04. Ảnh: KN
|
Lợi nhuận hợp nhất quý 1 suy giảm rõ rệt
Theo báo cáo của Tổng Giám đốc FiCO – ông Cao Trường Thụ, lợi nhuận quý 1 của công ty xi măng chỉ đạt hơn 30 tỷ, tức giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. Song song đó, khối kinh doanh về gạch, thì sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 50-60% công suất sản xuất của các nhà máy.
“Năm 2023 được đánh giá là một năm cực kỳ khó khăn của nền kinh tế nói chung, ngành bất động sản và ngành vật liệu xây dựng nói riêng, thể hiện rõ trong kết quả quý 1”, ông Thụ chia sẻ.
Về kế hoạch năm 2023, FiCO đặt tổng doanh thu hợp nhất ở mức 1,805 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2022. Lãi trước thuế mục tiêu ở mức 140 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm trước. Nội dung này đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Về phương án phân phối lợi nhuận, căn cứ trên kết quả sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền của Tổng Công ty, HĐQT trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức cho năm 2022 với tỷ lệ 6%.
Mặc dù mức chia cổ tức 6% không được FiCO nhắc đến là chi theo hình thức nào (bằng tiền hay bằng cổ phiếu), ĐHĐCĐ 2023 đã thông qua hết tất cả các nội dung FiCO trình ĐHĐCĐ.
SCIC chưa thể thoái vốn do chưa quyết toán lần 2
Về công tác quyết toán bàn giao vốn và thoái vốn Nhà nước thực hiện trong năm 2023, FiCO sẽ tiếp tục phối hợp với Ban chỉ đạo cổ phần hóa Bộ Xây dựng, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) và các cơ quan hữu quan hoàn tất thủ tục quyết toán bàn giao vốn sang CTCP; giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn động khi chuyển sang CTCP như định giá đất tại khu đất 2/34 Phan Huy Ích, P.15, Q. Tân Bình, TP HCM; xác định diện tích chung/riêng tại các dự án Horizon, Vạn Đô, Hồ Hảo Hớn,…và các vấn đề có liên quan khác.
Tại đại hội, hai cổ đông có thắc mắc về tình hình thoái vốn của SCIC. Giải đáp thắc mắc này, ông Đặng Minh Thừa – Phó Giám đốc Chi nhánh phía Nam SCIC đồng thời cũng là Thành viên HĐQT của FiCO cho biết hiện tại SCIC chưa quyết toán vốn lần 2 nên chưa thể bán vốn được. “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những doanh nghiệp không thuộc SCIC giữ lại, chi phối thì SCIC phải tiến hành bán vốn từ 2021-2025, đối với FiCO thì nằm trong năm 2023. Nhưng việc quyết toán vốn thì phụ thuộc vào các bộ và Thủ tướng, nên đối với FiCO trong năm 2023 thì khó triển khai chứ không phải không triển khai”.
Tỷ lệ thu hồi nợ khó đòi rất thấp, đã trích lập dự phòng cho toàn bộ khoản nợ
Tại đại hội, một cổ đông thắc mắc về tình hình thu hồi khoản nợ khó đòi 131 tỷ đồng (tính đến 31/12/2022) của FiCO. Trả lời cho vấn đề này, ông Cao Trường Thụ cho biết khoản nợ 131 tỷ đồng này thực ra đã phát sinh từ trước cổ phần hóa Tổng Công ty và tỷ lệ thu hồi trên khoản nợ này rất thấp, đến hiện tại đã trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản nợ này.
Thêm vào đó, ông Thụ cho biết thêm đối với các khoản nợ hàng tháng và hàng quý, FiCO đều đánh giá và tìm cơ hội để tiếp tục thu hồi, nếu thu hồi được sẽ được ghi vào lợi nhuận bất thường của Công ty.
Tiếp tục thực hiện công tác đầu tư phát triển dự án
Năm 2023, FiCO đặt kế hoạch tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp như dự án đầu tư nhà máy chế biến bột Silica công suất 55,000 tấn/năm tại Cam Lâm, Khánh Hòa; dự án khu dân cư FiCO STAR; dự án nghiền cát nhân tạo tại Mỏ đá Phước Hòa.
Thông tin về dự án FiCO STAR của FiCO
Nguồn: BCTC Công ty
|
Song song đó, thực hiện tìm kiếm và đầu tư các mỏ nguyên liệu và nghiên cứu phương án đầu tư chế biến nguyên liệu như cát trắng, cát xây dựng, đá xây dựng; nghiên cứu khảo sát và chuẩn bị đầu tư các dự án phát triển sản phẩm mới (chú trọng hoạt động M&A) như tấm Silic/gạch ốp lát, đá nhân tạo, vật liệu xây dựng siêu nhẹ…để tăng quy mô đáp ứng mục tiêu phát triển của FiCO.
Thông tin về tiến độ ở các dự án trọng điểm là mỏ cát Cam Lâm, Khánh Hòa và mỏ đá Phước Hòa. Đối với mỏ cát Cam Lâm, FiCO đã hoàn thiện các bước pháp lý đối với khu mỏ hiện hữu, có quyết định đóng cửa mỏ một phần và đang làm triển khai các thủ tục để xin triển khai chủ trương đầu tư và chuyển đổi các giấy phép cho 70ha còn lại. Đối với phần pháp lý của mỏ đá Phước Hòa, FiCO đang tiếp tục làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thuê lại toàn bộ diện tích mỏ khoảng 89ha.
Kha Nguyễn
FILI
|