Thứ Sáu, 28/04/2023 09:13

ĐHĐCĐ BIDV: Năm 2023, dự kiến trích dự phòng khoảng 20,000-21,000 tỷ đồng

Sáng 28/04, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027, niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng…

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của BIDV tổ chức sáng ngày 28/04. Ảnh: Thế Mạnh

Thảo luận:

Kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, nhưng gần hết nửa năm 2023 nhưng BIDV đã tìm được đối tác nào chưa?

Chủ tịch Phan Đức Tú: Với kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cho nhà đầu tư, thời gian qua, Ngân hàng nỗ lực thực hiện, đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư. Tuy nhiên, tình hình kinh tế các nước không thuận lợi đã làm giảm nhu cầu. Năm 2023, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện, đã có một số nhà đầu tư tiềm năng nhưng không thể công bố được. BIDV sẽ làm việc với NHNN, các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp nhất.

Có rủi ro đối với các khoản tín dụng năng lượng xanh ở những dự án không bán được điện hay không?

Chủ tịch Phan Đức Tú: Mảng năng lượng xanh đã được BIDV theo đuổi nhiều năm nay, Ngân hàng hiện có lợi thế quan hệ tốt với nhiều định chế tài chính đa phương và song phương, lợi thế về tín dụng xanh, dư nợ khoảng 70,000 tỷ đồng vào năng lượng tái tạo. BIDV chỉ cho vay những dự án đảm bảo đúng tiến độ theo Chính phủ quy định, không có dự án nào BIDV cho vay mà không được Nhà nước mua điện, các doanh nghiệp này cũng đang trả nợ rất tốt.

Ban lãnh đạo đánh giá ra sao về triển vọng ngành ngân hàng trong 5 năm tới?

Ông Phan Đức Tú: Nền kinh tế Việt Nam bắt đầu dần đi vào xu thế ổn định. Quy định pháp luật và của NHNN ngày càng chặt hơn, yêu cầu các ngân hàng tăng cường quản trị rủi ro nhiều hơn.

Các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và tăng vốn điều lệ để đảm bảo xu hướng chung. Xu hướng NIM của các ngân hàng chắc chắn sẽ thu hẹp dần, đây là xu hướng chung dưới áp lực cạnh tranh của nhiều tổ chức…

Năm ngoái, với một số ngân hàng gặp khó khăn Chính phủ và NHNN đã hoạch định lộ trình, các phương án xử lý khá ổn. Những việc mà các cơ quan quản lý đang làm nhằm khôi phục niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.

Hiện nay xu thế chung là giảm mặt bằng lãi suất và các ngân hàng thương mại cũng đang triệt để thực hiện định hướng này. BIDV đang trình NNN phương án tái cơ cấu từ nay - 2025 trong đó BIDV được định vị là NHTM cổ phần Nhà nước có tỷ lệ sở hữu nhà nước không quá 65%, có tổng tài sản dẫn đầu, hoạt động hiệu quả, bền vững.

1,000 đồng tài sản sẽ thu về 1 đồng lợi nhuận

Tại sao quy mô dư nợ cao nhưng lợi nhuận của Ngân hàng lại thấp?

Chủ tịch Phan Đức Tú: Đối với BIDV nhiều năm trước có đặc thù trích lập dự phòng rủi ro lớn. Trong năm vừa rồi mức trích lập dự phòng rủi ro thấp xuống nên lợi nhuận năm ngoái là 23,000 tỷ. So với quy mô tổng tài sản là 2 triệu tỷ thì tương đương 1,000 đồng tài sản sẽ thu về 1 đồng lợi nhuận, tỷ lệ này là rất thấp.

NIM các ngân hàng hiện nay đang thấp đi và của BIDV cũng vậy. Nếu như việc tái cơ cấu thành công thì mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ tăng nhanh hơn, năm ngoái mức tăng là 70%.

Năm 2023, Ngân hàng đặt mục tiêu 10 -15% theo chỉ đạo và yêu cầu của Chính phủ. BIDV và các NHTM Nhà nước hiện đang cố gắng đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn nên tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn so với các ngân hàng cổ phần.

Còn về việc Ngân hàng đạt lợi nhuận cao trong khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, thì phải đặt ngược lại vấn đề là nếu trong trường hợp lãi ngân hàng thấp xuống thì có nhiều vấn đề phát sinh như định giá quốc tế. Khi đó lãi suất mình vay sẽ tăng hơn và ảnh hưởng tới các khoản nợ hiện tại.

BIDV khẳng định không bỏ rơi ngành bất động sản

Định vị của BIDV đối với thị trường BĐS Việt Nam hiện nay như thế nào? Với kich bản nền kinh tế phục hồi cuối năm nay và đầu năm sau, thì thị trường BĐS có phục hồi vào cùng thời điểm đó không?

Chủ tịch Phan Đức Tú: Phải thừa nhận BĐS là đầu ngành của nền kinh tế, kéo theo hàng loạt ngành hàng khác, theo nghiên cứu của chúng tôi thì ngành kinh tế có hơn 70 ngành liên quan, mức độ lan tỏa, ảnh hưởng của bất động sản là rất lớn.

Vừa qua, Chính phủ có nghị quyết, cuộc họp giải quyết vấn đề BĐS, trong đó mắt xích chủ yếu ở khâu pháp lý, đâu đó có liên quan Ngân hàng nhưng rất thấp.

Đầu năm 2023, BIDV đã tổ chức gặp 15 doanh nghiệp BĐS hàng đầu, và có tới 70% doanh nghiệp xác nhận vướng mắc pháp lý, còn hơn 20% doanh nghiệp do vốn tín dụng, vốn trái phiếu… đều vướng mắc.

Quan điểm của BIDV là vẫn quan hệ bình thường đối với lĩnh vực này, song có cơ chế kiểm soát phù hợp, từng phân khúc, khu vực, dựa trên các tiêu chí về thanh khoản, nhu cầu.

BIDV khẳng định không bỏ rơi ngành bất động sản. Dư nợ cho vay doanh nghiệp bất động sản của BIDV hiện nay chiếm khoảng 2-3% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay người mua nhà chiếm 15%, đạt 245,000 tỷ đồng.

Quan điểm của BIDV là cho vay kiểm soát chứ không thắt chặt, tiếp tục tìm kiếm các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng hoàn thành dự án, có thanh khoản; tiếp tục cho vay người mua nhà đủ điều kiện, khả năng trả nợ.

Tiềm năng nhóm khách hàng FDI là rất lớn

Kế hoạch phát triển trong vòng 5 năm tới của BIDV là gì? BIDV dự kiến sẽ khai thác nhóm khách hàng FDI, đối với khách hàng giàu có thì cụ thể chiến lược của ngân hàng ra sao? Quy mô dư nợ của nhóm FDI hiện nay của toàn ngành là bao nhiêu và BDIV chiếm tỷ trọng bao nhiêu? Mục tiêu việc ký kết với các đối tác chiến lược ngoại trong thời gian qua?

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV: Tiềm năng của nhóm khách hàng FDI là rất lớn, BIDV sẽ tiếp tục mở rộng gia tăng thị phần. Việc ký kết chiến lược KEB Hana Bank của Hàn Quốc, BIDV sẽ thông qua cổ đông chiến lược để khai thác khách hàng tiềm năng của Hàn.

Ngân hàng cũng có hợp tác với một số đối tác ngoại như Dragon Capita và Edmond De Rothschild, với mục tiêu chính thông qua đối tác để đào tạo kỹ năng bán hàng cho đội ngũ private banker, hỗ trợ BIDV xây dựng sản phẩm đặc thù là private banking, hoặc tham gia trực tiếp cung cấp các sản phẩm gia tăng cho  nhóm khách hàng giàu có. Trên thị trường Việt Nam hiện nay các sản phẩm dành cho phân khúc này là không nhiều.

Tiền lương bình quân giai đoạn 2020-2022 của BIDV như thế nào và xu hướng trong thời gian tới?

Chủ tịch Phan Đức Tú: Cơ chế tiền lương và thu nhập nhân viên BIDV đã được đề cập trong báo cáo thường niên. Ngân hàng luôn tạo mức chi tiền lương cao nhất cho người lao động với mục tiêu năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2023, tiền lương dự kiến tăng 10-11%, tùy thuộc vào kết quả kinh doanh và phê duyệt của Nhà nước. Quỹ tiền lương của HĐQT, Ban quản lý phụ thuộc vào chính sách của NHNN, Bộ Tài chính.

Nếu theo kịch bản nền kinh tế phục hồi, thì đến năm 2024, BIDV sẽ ưu tiên tăng trưởng lợi nhuận thay tăng trưởng chất lượng tài sản?

Ông Phan Đức Tú: Tôi khẳng định phải tập trung vào cả 2, đây là mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau. Ngân hàng sẽ vừa đảm bảo an toàn chất lượng tài sản vừa đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận, không thiên mảng nào hết.

Năm 2023, trích dự phòng khoảng 20,000-21,000 tỷ đồng

Kết quả kinh doanh quý 1?

Ông Lê Ngọc Lâm – Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc: Quý 1, tổng tài sản đạt trên 2 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt trên 1.57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5%; Huy động vốn đạt trên 1.65 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2.3%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1.4% theo định hướng; Lợi nhuận trước thuế đạt trên 6,600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.

BIDV đánh giá như thế nào về rủi ro tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới, BIDV dự kiến trích lập dự phòng năm 2023 bao nhiêu?

Chủ tịch Phan Đức Tú: Thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới có nhiều vấn đề làm cho chính sách của nhiều nước thận trọng hơn. Dự kiến cuối năm nền kinh tế sẽ dần ổn định lại, nhưng cũng gặp một số vấn đề doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tổng cầu thấp trong nước và thế giới, tỷ lệ đòn bẩy của các doanh nghiệp lớn, áp lực dòng tiền lớn lên.. NHNN buộc có Thông tư 02 để hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng.

Xu hướng nợ xấu năm 2023 có khả năng tăng hơn năm ngoái. Kế hoạch của BIDV là giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1.4% (năm ngoái là 0.96%), và trích dự phòng dự kiến khoảng 20,000-21,000 tỷ đồng. Mức trích lập thấp hơn năm ngoài vì năm 2022 ngân hàng đã trích và xử lý tương đối cho các khoản nợ tồn đọng.

Năm 2023 dự kiến mức chi phí tăng gần 14%

Thông tư 02 của NHNN trao quyền chủ động cho các Ngân hàng trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. BIDV có bộ tiêu chí nào trong việc tái cơ cấu nợ, phần nợ dự định tái cơ cấu là bao nhiêu?

Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT: Thông tư 02 là một trong những hoạt động cho thấy quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp của NHNN.

Thứ nhất, doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ. Thứ hai, doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận được tín dụng mới để duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh. Thứ ba, ngân hàng giảm áp lực về nợ xấu, áp lực dự phòng rủi ro. Những điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Đối với BIDV, ngân hàng sẽ theo dõi chặt chẽ, phân loại, các điều kiện cơ cấu (nguyên nhân khách hàng ko trả được nợ).

Chúng tôi đã hướng dẫn các chi nhánh, thực hiện các điều kiện phân cấp phân quyền thực hiện đúng quy định của Thông tư 02

Tỷ lệ CIR của BIDV trong thời gian qua như thế nào? Kế hoạch chi phí hoạt động của BIDV trong năm 2023?

Chủ tịch Phan Đức Tú: Trong năm 2021 CIR ở mức 31.14% và năm 2022 ở mức 32.42% - luôn duy trì ở mức hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh doanh, tương đồng với 4 ngân hàng thương mại lớn. Trong năm 2023 dự kiến mức chi phí tăng gần 14% so với năm trước, CIR nhỏ hơn 36% thấp hơn nhiều so với thông lệ (35-40%).

TRƯỚC ĐẠI HỘI

Tăng vốn điều lệ lên hơn 61,557 tỷ đồng

Ban lãnh đạo cho biết nhằm đảm bảo an toàn vốn đáp ứng quy định của NHNN và hướng dần tới thông lệ, Ngân hàng cần tiếp tục gia tăng vốn tự có, trong đó tăng vốn điều lệ là một trong những nguồn tăng giữ vai trò nền tảng nâng cao chất lượng vốn cũng như tạo điều kiện cho các nguồn tăng thứ cấp khác.

Theo đó, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ từ 50,585 tỷ đồng lên hơn 61,557 tỷ đồng thông qua 2 phương án.

Phương án 1, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Ngân hàng dự kiến phát hành gần 642 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 12.69% với mệnh giá 10,000 đồng/cp. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2021 sau trích lập các quỹ hơn 6,419 tỷ đồng.

Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023, ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm phát hành cụ thể sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phương án 2, tiếp tục thực hiện phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 phê duyệt ngày 29/04/2022, Ngân hàng sẽ phát hành thêm hơn 455 triệu cp thông qua hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Vốn điều lệ dự kiến tăng thêm gần 11 ngàn tỷ đồng sẽ được Ngân hàng dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, và được phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông.

Tiến độ sử dụng vốn điều lệ tăng thêm để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh phù hợp theo tiến độ tăng vốn điều lệ và tình hình thị trường, do HĐQT (hoặc cấp HĐQT phân cấp, ủy quyền), xem xét, quyết định phù hợp với pháp luật và của BIDV.

Vốn điều lệ giai đoạn 2015-2022 và kế hoạch tăng vốn 2023 của BIDV

Mục tiêu lợi nhuận 2023 tăng 10-15%

Dựa trên vốn điều lệ tăng thêm, BIDV đặt mục tiêu năm 2023 tăng trưởng dư nợ tín dụng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do NHNN giao; huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 1.4%.

Một số chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2023 của BIDV
Nguồn: BIDV

Lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm 2023 dự kiến tăng trưởng 10-15% so với mức 23,009 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, kế hoạch lãi trước thuế 2023 dự kiến dao động từ 25-26,000 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2018-2022 của BIDV
(Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: BIDV

Chia cổ tức 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 23%

Lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2022 của BIDV gần 18,064 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là hơn 12,571 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại trước chi trả cổ tức hơn 12,161 tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến trình ĐHĐCĐ mức chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 23%, tương đương lợi nhuận dùng để chia cổ tức gần 11,635 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại gần 527 tỷ đồng.

Sang năm 2023, BIDV dự kiến trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tối đa 5% lợi nhuân sau thuế; quỹ dự phòng tài chính tối đa 10%; quỹ khen thưởng phúc lợi tối đa 3 tháng tiền lương người lao động và 1.5 tháng tiền lương người quản lý.

Niêm yết các trái phiếu BIDV phát hành ra công chúng

Trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về phát hành và niêm yết trái phiếu cũng như đảm bảo tiến độ và kế hoạch phát hành, niêm yết trái phiếu của BIDV, HĐQT trình cổ đông thông qua việc niêm yết các trái phiếu không phải là trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền BIDV phát hành ra công chúng trong khoảng thời gian từ ngày hoàn hành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 đến ngày hoàn thành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Đồng thời giao cho HĐQT tổ chức chỉ đạo thực hiện và quyết định các vấn đề cần thiết để thực hiện việc nêm yết trái phiếu theo quy định nội dung đã được ĐHĐCĐ phê duyệt và đảm bảo quy định pháp luật.

Trước đó, phương án phát hành trái phiếu đã được HĐQT phê duyệt trong năm 2022, BIDV đã triển khai phát hành trái phiếu ra công chúng theo phương thức phát hành trực tiếp thông qua các chi nhánh, phòng giao dịch, trụ sở chính BIDV với tổng khối lượng hơn 2,209 tỷ đồng và đã hoàn thành niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 12/05/2022.

Bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027

Trên cơ sở từ ngày 01/11/2022, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Thành viên HĐQT (đại diện 30% vốn nhà nước tại BIDV) đã nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Đến nay, HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2022-2027 còn 9 thành viên, do đó, cổ đông thông qua việc bầu bổ sung ông Đặng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ chức Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 thay thế bà Hương để đại diện 30% vốn Nhà nước tại Ngân hàng.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Bài cập nhật

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   VMG: Báo cáo thường niên 2022 (28/04/2023)

>   SGI: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (28/04/2023)

>   TVP: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (28/04/2023)

>   SGS: Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (28/04/2023)

>   TUG: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng dự kiến để thực hiện quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (28/04/2023)

>   VMA: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (28/04/2023)

>   TEL: Báo cáo thường niên 2022 (28/04/2023)

>   CDO: Nghị quyết Hội đồng quản trị (27/04/2023)

>   THU: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (27/04/2023)

>   TUG: Nghị quyết Hội đồng quản trị (27/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật