Chuyển đổi số là yếu tố sống còn với công ty chứng khoán
Công ty chứng khoán (CTCK) không thể nằm ngoài sự thay đổi của xã hội trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, khi khách hàng của họ đang tìm kiếm sự tiện lợi trong giao dịch chứng khoán.
Giao dịch chứng khoán gắn liền với công nghệ số
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang lan tỏa trên toàn thế giới, tác động rộng rãi tới nhiều ngành nghề. Chứng khoán là lĩnh vực tích cực bám sát xu thế chuyển đổi số.
Trên thế giới, ngành chứng khoán đang bám sát xu thế ngày càng dựa nhiều vào công nghệ để phục vụ khách hàng, vừa giúp khách hàng cảm thấy tiện lợi, nhanh chóng; qua đó có thể mở rộng quy mô khách hàng và thị trường ở mức không giới hạn, vừa tiết kiệm chi phí và quản trị rủi ro cho chính CTCK.
Trong bối cảnh đầu tư tài chính ngày càng trở nên phổ biến hơn, thu hút những đối tượng khách hàng chưa bao giờ tham gia thị trường; nhu cầu ứng dụng công nghệ trong giao dịch chứng khoán ngày càng rõ nét và đóng vai trò cốt yếu trong ngành đầu tư tài chính, vì giúp đơn giản hóa và giảm thời gian thực hiện các giao dịch.
Giao dịch chứng khoán trong thời đại 4.0 phải gắn liền với sự tiện lợi. Ảnh minh họa
|
Những năm qua, hoạt động giao dịch chứng khoán ở Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ. Hầu hết các CTCK đã triển khai tính năng mở tài khoản trực tuyến eYKC và giao dịch trực tuyến. Nhà đầu tư hiện nay dễ dàng giao dịch chứng khoán trên các nền tảng online do CTCK cung cấp thay vì phải làm thủ công tại các quầy giao dịch như trước đây.
Hiện tại, các CTCK lớn như Chứng khoán SSI, Chứng khoán VNDirect, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (Mirae Asset)… đều đầu tư xây dựng các nền tảng giao dịch mang đậm yếu tố công nghệ.
Không chỉ vậy, CTCK cũng ra mắt nhiều sản phẩm công nghệ đa dạng nhằm hỗ trợ, tư vấn nhà đầu tư như AI (trí thông minh nhân tạo), ibroker (môi giới ảo), copy trading (sao chép giao dịch).
Chứng khoán DSNE cung cấp dịch vụ AI Broker - Môi giới ảo sử dụng công nghệ máy học (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) để lọc, tổng hợp tin tức, báo cáo tài chính, tính toán chỉ số tài chính doanh nghiệp từ nhiều nguồn dữ liệu và gửi thông báo cá nhân hóa cho nhà đầu tư dựa trên danh mục sở hữu và theo dõi, lịch sử giao dịch… theo đúng nhu cầu quan tâm của nhà đầu tư.
Tương tự, BSC cung cấp sản phẩm i-Invest, dựa trên dữ liệu giao dịch, chỉ số tài chính, chỉ số định giá để đưa ra các mã cổ phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư.
TCBS, Chứng khoán MB (MBS) có dịch vụ copy trading, cho phép nhà đầu tư sao chép giao dịch của nhà đầu tư khác.
Giải pháp công nghệ làm thay đổi bộ mặt của CTCK
Nói về xu hướng chuyển đổi số, ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc Công nghệ Chứng khoán DNSE nhận xét xu hướng fintech - ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính chứng khoán đã và đang làm thay đổi bộ mặt các CTCK trên thị trường theo hướng tích cực. Nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, các CTCK tập trung tối đa nguồn lực vào việc cải tiến công nghệ. Có thể nói, cuộc đua công nghệ diễn ra ngày càng nhanh và gắt gao. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường tài chính cạnh tranh tích cực và hiệu quả hơn.
Ông Ngô Đăng Triều - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật số của Mirae Asset đánh giá việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp CTCK phát triển nhanh và hiệu quả hơn trong việc tiếp cận khách hàng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ và nâng cao trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cho người dùng.
Bên cạnh đó, công nghệ sẽ giúp công ty thích nghi tốt hơn với các biến động về môi trường kinh doanh. Nền kinh tế số hiện nay đòi hỏi các CTCK phải có sự chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong ngành chứng khoán cũng là nền tảng cơ sở để nâng hạng thị trường, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Cạnh tranh CTCK trong làn sóng chuyển đổi số
Tính tới quý 1/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam có 75 CTCK đang hoạt động; trong đó, 10 công ty có thị phần lớn nhất sàn HOSE chiếm tới 66.76% thị phần giao dịch, đủ để thấy sự canh trạnh gay gắt thế nào.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về chuyển đổi số, CTCK nào đưa ra được mô hình đơn giản, tiện lợi, tối ưu hóa trong từng trải nghiệm cho khách hàng sẽ chiếm lợi thế và thu hút được thị phần.
Công nghệ là yếu tố sống còn đối với CTCK trong cuộc đua với các đối thủ khác. Ảnh minh họa
|
Không chỉ vậy, họ còn phải đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ngành chứng khoán, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật nhằm tương thích với hệ thống giao dịch mới KRX đáp ứng khả năng giao dịch thông suốt, khả năng thanh toán bù trừ T+0, xu hướng số hóa, online hóa của nhà đầu tư cá nhân, xu hướng đa dạng hóa sản phẩm nhằm tạo sân chơi đa dạng cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Mặt khác, hệ thống công nghệ của các CTCK cũng cần phải đáp ứng được dung lượng giao dịch của thị trường đang có tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân. Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 10 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Do đó, nhu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số là vấn đề hết sức cấp thiết đối với CTCK.
Việc chạy đua ứng dụng công nghệ số sẽ khiến cuộc cạnh tranh giữa các CTCK hấp dẫn và khốc liệt hơn. Những công ty tập trung đầu tư về công nghệ sẽ có lợi thế trong cuộc đua tranh so với các công ty vẫn theo mô hình truyền thống.
Theo ông Nguyễn Đức Bình, để tạo lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ, các CTCK cần nghiên cứu kỹ điều khách hàng cần để xây dựng sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư; phát triển sản phẩm để chia sẻ cảm xúc cùng nhà đầu tư, cá nhân hóa trải nghiệm từng khách hàng.
Ông Ngô Đăng Triều thì đánh giá định hướng đầu tư công nghệ là một sự đầu tư dài hơi, mang tầm chiến lược và tốn kém. Mỗi công ty sẽ có cách làm của riêng mình, nhưng cơ bản sẽ theo hai hướng là tự xây dựng hay mua giải pháp từ nhà cung cấp. Cho dù theo cách nào, khi ứng dụng công nghệ mới, ngoài chi phí còn có những rủi ro nhất định như rủi ro về mặt pháp lý, rủi ro về hệ thống…
Chí Kiên
FILI
|