Thứ Tư, 26/04/2023 14:06

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Vietjet không lấy khách của hãng khác mà phát triển thêm thị trường

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) đặt kế hoạch lãi sau thuế 1,000 tỷ đồng và lên kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu quốc tế, cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần phổ thông.

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Vietjet.

Mở đầu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Vietjet diễn ra vào chiều ngày 26/04, Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: "Đại hội cổ đông của Vietjet năm nay diễn ra sau khi trải qua 1 năm hoạt động với những biến động chưa từng có trong lịch sử. Có lẽ lần đầu tiên ngành hàng không cũng như kinh tế thế giới đi qua một giai đoạn cực kỳ thách thức, với chiến tranh, dịch bệnh, lạm phát, biến động giá dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng và trong thời gian đại dịch chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực tuyệt vời của nhân viên Vietjet.

Kế hoạch đặt ra của Vietjet là vận chuyển 18 triệu lượt khách, nhưng thực tế lại vận chuyển tới 20.5 triệu lượt khách. Doanh thu đặt ra là khoảng trên 20 ngàn tỷ đồng, nhưng đạt được 33 ngàn tỷ đồng. Đó chính là bản lĩnh của Vietjet. Đó là tinh thần của một hãng hàng không tiên phong đi đầu và đối diện đi qua những thách thức để đạt tới mục tiêu mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho khách hàng, cổ đông, đối tác và cả cộng đồng”.

Năm 2022, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần hơn 40 ngàn tỷ đồng, gấp nhiều lần cùng kỳ, nhưng lỗ ròng 2.2 ngàn tỷ đồng. Trong năm, hãng hàng không này đầu tư tài sản mua mới 1 tàu bay A321 NEO từ Airbus và 2 tàu bay A321 từ các đối tác cho thuê tàu bay (Lessor) và 3 động cơ.

Trong năm, Vietjet còn tập trung mở rộng, phát triển mạng bay quốc tế, gần đây nhất là đường bay mới tới Ấn Độ, Kazakhstan và sắp tới là đường bay tới Úc.

Thảo luận:

"Nhiều người tưởng hoạt động mua/bán tàu bay là một game tài chính"

Về hoạt động tài chính tàu bay?

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Những năm trước, chúng ta có những thu nhập từ bán tàu bay. Đôi khi ở bên ngoài không có thông tin về tình hình đặt hàng của Vietjet nên có những đánh giá chưa chính xác về hoạt động đặc thù này của Vietjet. Có thể tưởng đây là một game về tài chính. Trên thực tế, đây là một việc làm bình thường.

Chúng ta đặt một số lượng lớn tàu bay và nhận tàu trong thời gian dài theo kế hoạch. Khi đặt số lượng lớn với đối tác chiến lược, chúng ta cũng nhận được điều kiện và giá mua phù hợp và tốt hơn thị trường. Với giá tốt hơn thị trường, khi chuyển nhượng, bán tàu bay này ra thì sẽ có chênh lệch. Chênh lệch này rất chính đáng. Chúng ta mua sỉ rồi bán lại theo giá thị trường và thu tiền thật sự. Nếu có điều kiện thuận lợi, Vietjet giữ lại tàu bay và thu xếp các nguồn tài chính dài hạn để sở hữu tàu bay.

Vietjet cũng có phương thức như thuê tài chính. Đây cũng là một dạng thuê mua, chúng ta sẽ thanh toán dần tiền thuê cho tới một kỳ nhất định thì sẽ sở hữu tàu bay.

Vietjet cũng có phương thức thuê vận hành, có thể bán tàu bay cho đối tác, nhưng sẽ thuê lại để vận hành. Chúng ta bán giá thị trường và thuê lại theo giá thực ra khá tốt so với thị trường. Vì quan trọng, Vietjet có tàu bay tốt và đồng nhất mà đã được sản xuất và đặt hàng riêng cho Vietjet, với chủng loại mẫu mã tiên tiến và hiện đại.

Đôi khi chúng tôi cũng nhận được thông tin đánh giá: Vietjet theo kế hoạch khai thác dự án có 100 tàu bay, vậy tại sao lại đặt tới 300-400 chiếc. Thật ra tàu bay cũng có tuổi đời của nó, nếu muốn duy trì đội tàu bay mới thì có thể đặt tàu bay mới về và đưa những tàu bay cũ ra khỏi đội tàu. Nhờ đó, đội tàu của chúng ta luôn trong trạng thái mới và hiện đại.

Về kế hoạch phát triển tàu bay năm 2023?

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Thời gian vừa qua, chúng ta đã đạt được những thỏa thuận có ý nghĩa với hai nhà cung cấp Airbus và Boeing về kế hoạch cung cấp tàu bay theo thỏa thuận đã ký kết. Tuy nhiên, sau đại dịch, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc giao máy bay cũng bị ảnh hưởng.

TGĐ Đinh Việt Phương: Kế hoạch phát triển của các hãng hàng không trên thế giới có đạt được hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc có được đảm bảo đủ số lượng tàu bay phục vụ cho nhu cầu khai thác thương mại hay không.

Trong năm 2020-2022, do tác động của đại dịch COVID-19 và địa chính trị, khả năng cung ứng tàu bay của hai nhà sản xuất lớn của Boeing và Airbus bị ảnh hưởng. Hai nhà sản xuất đều phải giảm số lượng sản xuất so với trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Thứ hai là sau đại dịch, nhu cầu đi lại trong nước và quốc tế của nhiều quốc gia, nhất là châu Âu, Mỹ, Trung Đông và châu Á, tăng rất mạnh. Điều này dẫn tới nhu cầu sử dụng tàu bay của các hãng đều tăng.

Như thế, nếu không đảm bảo được kế hoạch phát triển tàu bay thì các kế hoạch khác của chúng ta khó mà đạt được. Trong tuần này, Vietjet sẽ nhận được 3 tàu bay A321 ACF để phục vụ cho hoạt động trong đợt cao điểm 30/04-01/05. Chúng ta sẽ tiếp tục nhận tàu bay A330 theo đúng kế hoạch đặt ra để đảm bảo nhu cầu phát triển mạng bay cho các quốc gia và điểm đến xa hơn. Chúng ta tiếp tục nhận tàu bay A321 trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Chúng tôi xin thông báo Airbus và Boeing đã xác nhận các slot để giao tàu bay cho Vietjet theo đúng yêu cầu của chúng ta. Điều này sẽ củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư và cổ đông về việc thực hiện được kế hoạch năm 2023.

Nên bỏ giá trần, để thị trường tự điều chỉnh

Bộ giao thông vận tải dự kiến tăng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trung bình 3.75% so với mức hiện hành, trong đó đường bay từ 1,280 km trở lên sẽ có mức giá hạng phổ thông, cao nhất là 4 triệu đồng/lượt, tăng 6.67% so với hiện tại. Vậy Vietjet có ý kiến về vấn đề này?

Phó Tổng Giám đốc - ông Nguyễn Thanh Sơn: Khung giá trần là câu chuyện chúng ta đã nghe rất nhiều tại Việt Nam, nhưng không nghe thấy ở các thị trường quốc tế vì họ không áp dụng. Tại thị trường Việt Nam, có thể khẳng định rằng thị trường nội địa đang khai thác bởi 5 hãng hàng không. Đây là thị trường không còn yếu tố độc quyền. Nếu đã không độc quyền, thì giá và các yếu tố phải do thị trường quyết định trên cơ sở cung cầu. Khi có nhu cầu cao thì giá sẽ điều chỉnh lên và ngược lại.

Thị trường Việt Nam có nhiều điểm đặc thù khác biệt, đó là tính mùa vụ rất cao. Có thể hình dung là ngay trong mùa tết âm lịch, chúng ta sẽ thấy có 2 tuần trước tết, lượng khách đi từ phía Nam ra Bắc sẽ rất đông và các chuyến bay sẽ hết chỗ. Trong khi ở chiều ngược lại thì hầu như không có nhu cầu. Đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam biến động nhanh, chẳng hạn cuộc chiến Nga-Ukraine đã đẩy giá xăng dầu lên rất cao, làm chi phí khai thác hàng không cũng bị đẩy lên cao. Trong khi đó, việc điều chỉnh xăng dầu trong nước mất rất nhiều thời gian và rất khó khăn. Đã có những trường hợp, bán tất cả chuyến bay 1 chiều từ giá trần cũng không thể bù được cho chuyến bay khứ hồi vì chiều ngược lại hầu như không có khách.

Việc điều chỉnh tăng giá trần sẽ là một điều tốt, nhưng tốt nhất nên nghĩ tới bỏ giá trần và để thị trường tự điều chỉnh theo cung cầu. Như vậy, các hãng hàng không sẽ có cơ hội để đưa ra các khung giá khác nhau, như vậy sẽ có nhiều người có thể đi được với những mức giá rẻ, nếu đã lên kế hoạch từ sớm.

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ thêm: Mùa này chúng ta nghe đâu đấy, vé đi Phú Quốc đắt thế, nhưng trên thực tế là các chuyến bay đi Phú Quốc rất đầy ở chiều đi, còn chiều về thì lại không có khách. Thành ra, chi phí của 1 chiều phải gánh cho cả 2 chiều. Dịp tết cũng thường là như thế. Những công cụ hành chính là những công cụ cần phải can thiệp khi có tình trạng độc quyền. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đã có tới 5 hãng hàng không, vì vậy hãy để cho thị trường tự điều tiết. Nhờ đó, lợi ích với người tiêu dùng và với nền kinh tế sẽ tốt nhất, vì khi đó sẽ có cạnh tranh lành mạnh để thị trường phát triển. Nếu như chúng ta thiết lập giá sàn nào đó, thì chúng ta sẽ tước đi cơ hội nhận vé 0 đồng của rất nhiều người.

Đảm bảo về chi phí xăng dầu trong tầm kiểm soát

Xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí hoạt động của hãng hàng không. Vietjet có cách gì để quản lý xăng dầu?

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Nhiên liệu chiếm tỷ trọng rất đáng kể trong cơ cấu chi phí của Vietjet. Tại sao chi phí khai thác vận hành của Vietjet lại ở mức thấp? Thứ nhất là chúng ta có đội tàu bay mới hiện đại nhất và tiết kiệm nhiên liệu nhất trên thế giới. Đó là tàu bay Airbus và Boeing thế hệ mới.

Thứ hai là chúng ta có chương trình phối hợp cùng với nhà sản xuất động cơ để triển khai chương trình SFCO2. Đây là chương trình quản lý việc sử dụng nhiên liệu sao cho tối ưu. Một mặt, tàu bay trong quá tình bảo dưỡng động cơ và các linh kiện thì đều hướng tới các giải pháp để các thiết bị động cơ khi vận hành sẽ có cơ chế tối ưu về nhiên liệu.

Bên cạnh đó, công tác vận hành, điều hành của khu vực khai thác bay, khu vực tra nạp nhiên liệu, ở mỗi khu vực đều có quy trình, giải pháp với sự hỗ trợ từ nhà sản xuất để tối ưu chi phí nhiên liệu. Những chương trình này giúp Vietjet quản lý nhiên liệu tối ưu hơn.

Vietjet có tham gia hedging xăng dầu hay không?

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Khi giá xăng dầu vượt ngưỡng 80 USD/thùng, công ty đã bắt đầu cân nhắc tiến hành hedging để đảm bảo quản lý được chi phí mua xăng dầu. Trong thời gian vừa qua, lúc đại dịch, Công ty cũng đã từng mua xăng dầu dự trữ và mang tới hiệu quả rất đáng kể, đóng góp vào hoạt động chung của công ty.

Đó là một vài chia sẻ tới quý cổ đông để quý cổ đông yên tâm rằng Vietjet có chương trình hoàn toàn chuyên nghiệp với các sự hỗ trợ của các nhà sản xuất tiên tiến, các đối tác về hedging trên thị trường để đảm bảo về chi phí xăng dầu trong tầm kiểm soát.

Không lấy khách của các hãng hàng không khác mà phát triển thêm thị trường

Công ty sẽ chia cổ tức bằng tiền hay bằng cổ phiếu?

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Việc chia cổ tức bằng tiền sẽ được thực hiện nếu trong trường hợp nguồn tiền mặt đủ đảm bảo cho hoạt động sản xuất chính của công ty cũng như dự trữ cho hoạt động phát triển.

Định hướng của Vietjet trong năm 2023, dựa vào mảng bay quốc tế hay nội địa?

Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Chiến lược và kế hoạch của chúng ta sẽ là phát triển mạnh mẽ các đường bay quốc tế. Năm qua, chúng ta đã bắt đầu phát triển lên mạng bay tầm trung thông qua đội tàu bay thân rộng A330. Tinh thần là chúng ta không lấy khách của các hãng hàng không khác mà phát triển thêm thị trường. Chúng ta đi đầu và các hãng hàng không khác sẽ đi cùng với chúng ta để khai phá những thị trường đông dân nhất thế giới, như Ấn Độ, hoặc khai phá thị trường đầy hấp dẫn và khác biệt như nước Úc. 

TGĐ Đinh Việt Phương: Về định hướng phát triển trong năm 2023, đã qua được quý 1/2023, chúng ta đã thấy bức tranh rất tích cực. Vietjet là đơn vị vận chuyển hành khách lớn nhất và vận chuyển nhiều nhất với số lượng tàu bay sẵn sàng và nhân lực đảm bảo. Trong kế hoạch năm nay, chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng các đường bay quốc tế. Việc đưa tàu bay A330 vào khai thác thành công trong năm 2022 đã đánh dấu một bước chuyển mình rất lớn cho Vietjet trong việc vươn đến các thị trường quốc tế mới xa hơn, đem lại nhiều cơ hội bay cho du khách.

Chúng ta sẽ nghiên cứu đầu tư các đường bay tiềm năng và tiên phong mở những đường bay mới. Chúng ta đã mở đường bay tới Brisbane ở Australia và là hãng hàng không Việt đầu tiên làm việc này. Chúng ta sẽ mở đường bay tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số đường bay mới.

Năm 2023, chúng ta sẽ ổn định các đường bay nội địa và tăng các đường bay liên kết giữa các vùng. Hiện nay chúng ta khai thác 18 sân bay trong nước. Chúng ta sẽ tăng các đường bay không phải chỉ trên đường trục Hà Nội - TpHCM - Đà Nẵng, mà sẽ tăng cường đường bay chéo để làm sao người dân của mọi miền đều thuận tiện cho việc đi lại.

Đồng thời, chúng ta sẽ tiếp tục bổ sung các tàu bay mới hiện đại trong năm 2023.

Kế hoạch lãi sau thuế 1 ngàn tỷ đồng

Trong năm 2023, Vietjet tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao về doanh thu trên 25% khi Trung Quốc mở cửa thị trường từ ngày 15/03/2023 và Vietjet khai thác các đường bay đến Úc từ tháng 4/2023. Ngoài ra, việc chi phí nhiên liệu bay đang giảm 30% so với năm 2022 sẽ củng cố khả năng tạo lợi nhuận của Vietjet trong năm 2023.

Cụ thể, Vietjet kỳ vọng doanh thu hợp nhất đạt gần 50.2 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1,000 tỷ đồng trong năm nay. 

"Đây là những con số rất thách thức, nhưng chúng tôi tin chắc Vietjet sẽ quyết tâm để vượt qua và đạt được kỳ vọng của cổ đông. Chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng đường bay nội địa và quốc tế", TGĐ Đinh Việt Phương nhận định.

Nguồn: Vietjet

Theo kế hoạch năm 2023, Công ty dự kiến khai thác đến cuối năm đạt tổng 87 tàu bay, bao gồm đội tàu thân rộng Airbus A330 (từ 7 đến 9 tàu) với gần 26 triệu hành khách trên tổng số 140 ngàn chuyến bay quốc nội và quốc tế.

"Năm nay, Vietjet sẽ tiếp tục tăng đội tàu bay. Ngay trong tuần này, Vietjet sẽ đưa 3 tàu bay Airbus A321 ACF vào hoạt động. Đây là tàu bay hiện đại nhất của Airbus hiện nay", TGĐ Phương cho biết.

Vietjet hướng đến trở thành một hãng hàng không đa quốc gia với thị phần lớn nhất tại Việt Nam, phát triển thành hãng hàng không tiêu dùng trên nền tảng công nghệ kinh doanh số tiên tiến, phát triển vận chuyển hàng hoá, hệ thống logistic.

Phát hành riêng lẻ 300 triệu USD trái phiếu quốc tế

Một nội dung cũng đáng chú ý là Vietjet sẽ phát hành riêng lẻ 300 triệu USD trái phiếu quốc tế. Trên thực tế, phương án này đã được thông qua tại đại hội năm 2022 nhưng bị tạm hoãn triển khai.

Tổng giá trị phát hành dự kiến là 300 triệu USD, tương đương 7,089 tỷ đồng. Kỳ hạn của trái phiếu dự kiến 3-5 năm. Trái phiếu này có thể bao gồm quyền chọn về việc thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu VJC.

Người mua trái phiếu có thể yêu cầu mua lại vào cuối năm thứ 2 hoặc 3 kể từ ngày phát hành ở mức giá xác định. Đồng thời, tổ chức phát hành có quyền mua lại trái phiếu từ cuối năm 2 hoặc 3 nếu giá cổ phiếu cao hơn mức đã xác định từ trước.

Với 300 triệu USD này, Vietjet sẽ dùng để đầu tư, thuê mua máy bay, đầu tư và thuê mua động cơ và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Dự định chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần phổ thông

Bên cạnh đó, hãng hàng không này còn có ý định chào bán riêng lẻ cổ phần ưu đãi cổ tức. Số lượng phát hành sẽ không quá 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Mức ưu đãi cổ tức sẽ do HĐQT quyết định, nhưng sẽ không quá 5%/năm và thời hạn hưởng ưu đãi cổ tức sẽ không quá 5 năm. Lưu ý cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức sẽ không có quyền nhận cổ tức của cổ đông phổ thông (nếu có).

Giá chào bán cổ phần ưu đãi không thấp hơn giá giao dịch trung bình 20 ngày trước thời điểm phát hành.

Ngoài ra, cổ phần ưu đãi cổ tức này còn có quyền chuyển đổi thành cổ phần thường sau 2 năm kể từ ngày phát hành. Tổ chức phát hành có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi sau 12 tháng kể từ ngày phát hành. Lượng cổ phiếu ưu đãi này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Ngoài ra, Vietjet cũng sẽ chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông, với số lượng phát hành không quá 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá bán của lượng cổ phần này sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu VJC.

Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Cả hai phương án trên dự kiến được triển khai trước khi ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra.

Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.

Bài cập nhật

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   Techcombank: Tăng trưởng tín dụng quý 1 đạt 9.3%, lãi trước thuế hơn 5,600 tỷ đồng (26/04/2023)

>   SBD: Nghị quyết Hội đồng quản trị (26/04/2023)

>   SBD: Nghị quyết Hội đồng quản trị (26/04/2023)

>   SBD: Nghị quyết Hội đồng quản trị (26/04/2023)

>   SBD: Nghị quyết Hội đồng quản trị (26/04/2023)

>   MVB: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (26/04/2023)

>   Điều doanh nghiệp bất động sản lo lắng nhất (04/05/2023)

>   HLR: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (26/04/2023)

>   NAP: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (26/04/2023)

>   NVB: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (26/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật