Chủ tịch Cô Gia Thọ: TLG sẽ không làm thương mại điện tử kiểu “vung tay quá trán”
Nói về chiến lược mảng thương mại điện tử (TMĐT) của Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG), Chủ tịch Cô Gia Thọ đánh giá đây không phải bài toán dễ mà là bài toán về tài chính. Về bản chất, TLG không phải là công ty thương mại 100% như các công ty TMĐT, mà chuyên về sản xuất. Theo đó, nếu cạnh tranh ở mảng thương mại điện tử thì rõ ràng không phải sở trường.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức sáng 27/04, cổ đông TLG đã đặt ra câu hỏi với ban lãnh đạo về hoạt động TMĐT của Công ty.
Ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch HĐQT TLG
|
Nói về việc này, ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch HĐQT TLG đánh giá bán lẻ là điểm cuối cùng để tới người tiêu dùng. Riêng TMĐT không phải bài toán dễ mà là bài toán về tài chính. Về bản chất, TLG không phải là công ty thương mại 100% như các công ty thương mại điện tự (TMĐT), mà chuyên về sản xuất. Nếu cạnh tranh ở mảng thương mại điện tử thì rõ ràng không phải sở trường. Câu chuyện này cần rất nhiều thời gian để đạt được và cũng cần rất nhiều tiền.
Vị Chủ tịch cho biết TLG vẫn sẽ làm TMĐT và hỗ trợ rất nhiều nhưng chỉ làm ở một chừng mực thận trọng, không đầu tư kiểu vung tay quá trán để ảnh hưởng tới lợi nhuận của cổ đông.
Bà Trần Phương Nga - Tổng Giám đốc TLG cho biết tỷ trọng bán hàng trực tuyến chiếm rất nhỏ, người tiêu dùng vẫn thấy tiện khi mua ở các điểm bán truyền thông hơn. Trong năm 2023 sẽ đẩy mạnh kênh phân phối thương mại điện tử đến cả thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, bà Nga nhấn mạnh sẽ không đốt tiền vào kênh online bằng mọi giá mà coi đây là kênh bổ sung.
Xây dựng mô hình bán hàng đa kênh ở thị trường nội địa là một trong những trong tâm của TLG trong giai đoạn 2023 - 2027. Theo kế hoạch, Công ty sẽ tối ưu lợi thế về kênh truyền thống, đẩy mạnh chương trình điểm bán chuẩn, chuyển đổi mô hình từ khách hàng sang đối tác bán hàng với các điểm bán. Đồng thời, Công ty sẽ gia tăng hình ảnh trưng bày, trải nghiệm sản phẩm tại các điểm bán trong mô hình hiện đại. Song song đó, là đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông, chú trọng đến các kênh mới nổi có tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng. Theo đó, TLG đã mở chuỗi văn phòng phẩm Clever Box.
Chủ tịch Cô Gia Thọ cho biết án đầu tư này cũng vì chiến lược phát triển bền vững. TLG là công ty đầu ngành nên tất cả các hoạt động đều phải có. Đầu tư vào Clever Box cũng giống TMĐT, Công ty sẽ không làm tràn lan vì chưa biết có sinh lơi nhuận không.
Tuy nhiên, Công ty vẫn mở rộng các tệp sản phẩm, tăng quy mô điểm trải nghiệm để có nơi thu thập thông tin xu hướng thị trường, thị hiếu, phản ứng với giá của người tiêu dùng… Đây là đầu tư dài hạn, vị chủ tịch chia sẻ với cổ đông.
* ĐHĐCĐ TLG: Không đánh đổi lợi ích ngắn hạn cho tăng trưởng dài hạn
Năm 2023, TLG đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4,000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với kết quả năm 2022. Lãi sau thuế dự kiến đi ngang ở mức 400 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ở mức 10%.
TLG đặt mục tiêu nâng tầm thương hiệu FlexOffice và Colokit, mở rộng kênh phân phối và danh mục sản phẩm tại các thị trường chính của Đông Nam Á bằng việc phát triển điểm bán mới, nghiên cứu và đẩy mạnh phát triển thêm nhiều SKUs tại mỗi điểm bán, nâng cao nghiệp vụ nhân sự, chuyên nghiệp hóa quản trị kênh phân phối tại khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Chí Kiên
FILI
|