Chủ tịch Bùi Tuấn Ngọc (Transimex): Lợi nhuận trước thuế quý 1 khoảng 70 tỷ đồng
Sáng ngày 27/04, ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Transimex (HOSE: TMS) đã diễn ra. Tại đại hội, cổ đông đã thông qua những nội dung quan trọng cho hoạt động năm 2023, đồng thời bầu Thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới (2023-2028).
ĐHĐCĐ 2023 của TMS sáng ngày 27/04. Ảnh: KN
|
Thảo luận:
Chia sẻ kế hoạch chiến lược kinh doanh mua tàu biển container, timeline triển khai thế nào?
Ông Lê Duy Hiệp – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TMS: Đang trong quá trình sắp hoàn tất quá trình mua 1 con tài container đóng tại Nhật Bản, công suất 1,100 TEU (20 feet). Mong muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistic tổng thể hàng đầu của Việt Nam. Tàu này ở phân khúc vận tải biển nội địa.
Hiện nay tổng sản lượng ở phía Bắc và Nam rất nhiều, nội địa hơn 4 -5 triệu TEU. Chúng tôi thấy có thể thực hiện được tốt. Chọn tuyến HCM- Hải Phòng - HCM.
Hiện nay chúng ta là cổ đông của Hải An, tham gia khoảng 3 tàu của Hải An. Đầu năm tới, cuối tháng 5 và đầu 6 là nhận tàu, đang đàm phán cho đơn vị khác thuê định hạn và có khoản doanh thu ngay. Đang đàm phán mua vỏ contairner, tăng cường công tác sales, hằng năm booking khoảng 4,000 container. Sau này lớn mạnh sẽ tham gia vận tải container quốc tế, ít nhất là trong nội vùng Đông Nam Á.
“Chia cổ tức bằng cổ phiếu hoài khổ chứ”
Cổ đông - Tổng Công ty thương mại Sài Gòn đề nghị chi cổ tức tiền mặt 2022.
Chủ tịch Bùi Tuấn Ngọc: Ai cũng muốn cả, các cổ đông lớn như chúng tôi cũng muốn, “chia cổ tức bằng cổ phiếu hoài khổ chứ”. Hôm qua một đại gia tài chính cũng từ chối chia cổ tức tiền mặt, dòng tiền còn đâu nữa, không phát hành trái phiếu được.
Hai năm nay chúng ta xin phép phát hành trái phiếu không được, chúng ta muốn đầu tư có tiền nhưng không muốn vay, chúng ta muốn vay nhưng chia cổ tức bằng tiền mặt nhiều quá. Chúng tôi đứng giữa ngã ba đường.
Nếu có đủ tiền mặt thì chia bằng tiền mặt, nếu trong dòng tiền không cần phải đầu tư, không cần phải trả ngân hàng, có doanh thu lợi nhuận thì trả ngay.
Có hai ông cổ đông nước ngoài cũng thường xuyên đòi tiền mặt đấy!
Dự án kho tại Long An sẽ mang lại lợi nhuận từ 2024
Dự án kho tại Long An?
Chủ tịch Bùi Tuấn Ngọc: Đang thực hiện trên miếng đất 2.9 ha và đang căng tiến độ. Tòa nhà cao nhất trong vùng, nếu đi tuyến đường cao tốc về miền Tây, công suất 55 ngàn vị trí pallet. Ước tính vốn đầu tư 1,000 tỷ có thể tăng thêm nếu có các thiết bị tự động hóa lắp đặt trong tương lai.
Tháng 8 giai đoạn 1 có thể thử nghiệm khai thác, đến sang đầu năm sau có thể lắp đặt hệ thống quản lý nhiệt độ và truy xuất. Trong các đối tác tại Việt Nam có thể không quá 3 kho có công suất vậy. Hy vọng đến cuối năm 2024 thì có lợi nhuận do đến tháng 8 mới có pallet đầu tiên.
Doanh thu năm 2023 và lợi nhuận vì sao giảm sâu đến như vậy?
Ông Bùi Tuấn Ngọc – Chủ tịch HĐQT: Mang tính khách quan và chủ quan. Khách quan là đại dịch COVID-19 vẫn còn năm 2022, Transimex và ngành logistic có được sự may mắn và ứng xử hợp lý nhất trong đại dịch, cố gắng tiêu hóa được sản lượng tốt nhất trong đại dịch. Đầu tàu TPHCM quý vừa rồi cũng chỉ tăng trưởng 0.7%, do vậy chúng tôi không đặt mức tham vọng hơn.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023?
Báo cáo hợp nhất, ước tính doanh thu 400 tỷ, lợi nhuận trước thuế khoảng 70 tỷ. So với kế hoạch 2023, doanh thu khoảng 16% và lợi nhuận 21%.
Hơn 2 năm mới có thể thành công chuyển nhượng kho DC, ghi nhận vào năm 2022, thu nhập bất thường góp phần vào kết quả kinh doanh năm 2022 tăng so với bình thường.
Kế hoạch lãi trước thuế 2,521 tỷ đồng, đi lùi 59%
Cụ thể, TMS đặt kế hoạch doanh thu 2023 hơn 2,521 tỷ đồng, lãi trước thuế hơn 317 tỷ đồng, giảm lần lượt gần 31% và 59% so với thực hiện năm 2022.
HĐQT TMS cũng đặt ra một số hoạt động trọng tâm năm 2023. Trong đó có thể kể đến việc tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển logistics bền vững thông qua phát triển logistics xanh và hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics mở rộng địa bàn trên phạm vi cả nước, tập trung đầu tư vào ngành nghề cốt lõi của Công ty.
Triển khai thực hiện đầu tư giai đoạn 2 của Trung tâm Logistics Thăng Long và cùng với các đối tác đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Trung Tâm Logistics Vĩnh Lộc, Kho lạnh tại Bến Lức, Long An cũng như chuẩn bị cho việc khai thác dịch vụ sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, sẽ tiến hành đàm phán và thực hiện các công việc để thoái vốn khoản đầu tư khỏi Công ty liên doanh TNHH Nippon Express (Việt Nam).
Hủy phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021
Cổ đông TMS thông qua hủy phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2021 với tỷ lệ 15% đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua ngày 28/04/2022. Do UBCKNN có ý kiến phản hồi TMS chưa có nguồn lợi nhuận phân phối nhận được từ các công ty con để đáp ứng điều kiện về nguồn vốn phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Giai đoạn gần đây, UBCKNN rất chặt chẽ trong xem xét phê duyệt các hồ sơ đăng ký phát hành chứng khoán. Nguồn tiền nhận được từ lợi nhuận công ty liên doanh, liên kết phát sinh trong năm sau không được xem là nguồn vốn để chi trả cổ tức cho năm trước.
Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2021 sẽ được trình cùng với phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2022. Theo đó, TMS sẽ trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 30% (cổ đông sở hữu 100 cp nhận được 30 cp mới). Số lượng cp dự kiến phát hành là 36.5 triệu cp, dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ TMS tăng lên mức 1,583 tỷ đồng.
Song song đó, TMS dự kiến cổ tức năm 2023 từ 15%-20% (bằng tiền và/hoặc cổ phiếu).
Phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi
ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án phát hành 7 triệu trái phiếu, mệnh giá 100,000 đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị 700 tỷ đồng. Dự kiến phát hành giai đoạn 2024-2025, chia làm 2 đợt (đợt 1 năm 2024, đợt 2 năm 2025), mỗi đợt 3.5 triệu trái phiếu.
Các trái phiếu có kỳ hạn 2 năm kể từ ngày phát hành (của từng đợt), không có tài sản đảm bảo, lãi suất 7%/năm. Lãi trái phiếu được thanh toán một năm một lần.
Tỷ lệ phát hành cho cổ đông hiện hữu dự kiến là 17.4:1 (1 cp tương đương với 1 quyền, 174 quyền được mua 10 trái phiếu chuyển đổi). Giá chuyển đổi được xác định bằng 80% giá trị sổ sách của cổ phần trên BCTC hợp nhất kiểm toán hoặc soát xét gần nhất tính đến ngày chuyển đổi nhưng trong mọi trường hợp không cao hơn 20,000 đồng/cp.
Trái phiếu được tự do chuyển nhượng, ngoại trừ số trái phiếu do HĐQT quyết định phân phối. Mặt khác, tỷ lệ sở hữu trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% tổng số trái phiếu của đợt phát hành.
Vốn huy động từ trái phiếu chuyển đổi sẽ được sử dụng để đầu tư các dự án phát triển năng lực cung cấp dịch vụ logistics, đầu tư tài sản cố định, bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh và tài chính của Công ty.
Nguồn trả nợ gốc và lãi trái phiếu sẽ lấy từ dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh và các nguồn vốn hợp pháp khác của Công ty.
Thay đổi phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ
Tại đại hội, TMS cũng trình và được cổ đông thông qua việc điều chỉnh phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ kết thúc ngày 31/12/2021. Cụ thể, điều chỉnh từ mục đích sử dụng vốn để "Thực hiện dự án cảng cạn Transimex tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên (thời gian dự kiến quý 1/2022) sang "Đầu tư mua tàu vận tải biển container" (dự kiến quý 2/2023). Tổng số tiền cho mục đích này là 153 tỷ đồng. Việc điều chỉnh này nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính của Công ty, phù hợp với tình hình thực tế triển khai của các dự án đầu tư.
Kế hoạch sử dụng vốn sau điều chỉnh
Nguồn: TMS
|
Bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2023 - 2028
Danh sách 7 ứng cử viên được bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028 bao gồm ông Charvanin Bunditkitsada, ông Võ Hoàng Giang, ông Lê Duy Hiệp, ông Toshiyuki Matsuda, ông Bùi Tuấn Ngọc, ông Huỳnh An Trung và ông Bùi Minh Tuấn.
Danh sách 3 ứng cử viên bầu Thành viên BKS nhiệm kỳ 2023 - 2028 bao gồm bà Lê Thị Ngọc Anh, ông Vũ Chinh và bà Lê Thị Tường Vy.
Bài cập nhật
Kha Nguyễn
FILI
|