Bức tranh lợi nhuận quí 2 có sáng hơn? Các doanh nghiệp niêm yết đang bước vào mùa cao điểm công bố kết quả kinh doanh quí 1-2023. Như dự báo trước đó, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp chứng kiến sự sụt giảm mạnh, thậm chí chuyển sang lỗ.
Thép là một trong những ngành ảm đạm nhất thị trường thời gian qua. Ảnh: H.P |
Rủi ro giá cả biến động và sức tiêu thụ trì trệ
Đây là hệ quả tất yếu của những khó khăn mà nhiều nhóm ngành đã phải đối mặt kể từ quí 4-2022 đến nay, từ đơn hàng sụt giảm, hoạt động xuất nhập khẩu suy yếu, thị trường tiêu thụ chậm lại hoặc thậm chí đóng băng như một số lĩnh vực bất động sản, xây dựng…, cộng thêm chi phí tài chính gia tăng khi lãi suất đã tăng mạnh so với giai đoạn trước.
Thép là một trong những ngành ảm đạm nhất thời gian qua, dù chỉ mới có vài doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quí 1-2023. CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) bất ngờ báo lỗ hơn 680 tỉ đồng trong quí 1, lao dốc mạnh so với mức lợi nhuận 638 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái (năm tài chính của Hoa Sen kéo dài từ 1-10 đến 30-9 năm kế tiếp).
Một doanh nghiệp thép khác cũng báo lỗ là CTCP Gang thép Thái Nguyên (UpCom: TIS) với mức lỗ 19 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 42 tỉ đồng, với doanh thu thuần cũng giảm 35% so với cùng kỳ xuống mức 2.445 tỉ đồng. Đây là quí thứ ba liên tiếp doanh nghiệp thép này thua lỗ.
Hay như CTCP Thép Mê Lin (HNX: MEL) báo lãi ròng 2 tỉ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ, còn CTCP Thép VICASA (HOSE: VCA) cũng chỉ còn lãi sau thuế 5 tỉ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ.
Bối cảnh thị trường bất động sản suy yếu, nhu cầu xây dựng rớt xuống mức thấp, đã ảnh hưởng đáng kể lên những ngành đầu vào như ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng. Đơn cử như dù giá thép gần đây có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn nửa đầu năm 2022.
Chịu rủi ro bởi giá cả biến động cũng là thực trạng mà các doanh nghiệp trong ngành cao su đang phải hứng chịu. CTCP Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) báo lãi ròng giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, còn gần 3 tỉ đồng, nguyên nhân chính là do giá bán mủ cao su quí 1-2023 thấp hơn cùng kỳ. Cụ thể, giá bán mủ cao su bình quân quí 1-2023 là 33,3 triệu đồng/tấn, giảm 8,2 triệu đồng/tấn, tương đương giảm 20% so với cùng kỳ. Tương tự, CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) báo lãi 172 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UpCom: DRI) chỉ lãi gần 15 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ.
Kinh tế suy yếu
Ở nhóm ngành chứng khoán, dù diễn biến thị trường trong quí 1 có tín hiệu khởi sắc hơn so với giai đoạn nửa cuối năm 2022, nhưng không ít công ty chứng khoán (CTCK) vẫn chứng kiến lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Đơn cử như CTCK KIS Việt Nam báo lãi sau thuế chỉ còn 79 tỉ đồng trong quí 1, giảm đến 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của CTCK MB (HNX:MBS) trong quí 1 ghi nhận mức 152 tỉ đồng và 121 tỉ đồng, giảm khoảng 40% so với con số kỷ lục từng ghi nhận trong quí 1 năm ngoái. Hay như tại CTCK Rồng Việt và Bản Việt, ban lãnh đạo cũng ước lợi nhuận giảm lần lượt 40% và 80% so với cùng kỳ.
Đối với nhóm chứng khoán, thanh khoản thị trường đang cải thiện, dòng tiền có dấu hiệu dịch chuyển nhiều hơn vào chứng khoán, nhu cầu vay margin cao hơn sẽ mang lại nguồn thu tốt hơn cho nhóm này trong thời gian tới, có thể là ngay quí 2 này. |
Báo cáo tài chính cho thấy doanh thu hoạt động của các CTCK này đều giảm sút, chủ yếu ở hoạt động môi giới và cho vay margin, khi quí 1 năm ngoái thị trường chứng khoán trải qua giai đoạn thăng hoa trước khi bắt đầu lao dốc từ đầu quí 2. Ngoài ra, giá cổ phiếu hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, khiến lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) của các CTCK giảm mạnh, thậm chí có thể ghi nhận lỗ.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế suy yếu, các hoạt động sản xuất bị thu hẹp, doanh nghiệp e ngại mở rộng đầu tư cũng đã tác động lên nhóm doanh nghiệp ngành điện khi sản lượng điện tiêu thụ giảm sút. Theo báo cáo của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (UpCom: HND), lợi nhuận trước thuế của công ty chỉ có 10,7 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số gần 272 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do sản lượng điện quí 1 năm nay thấp hơn so với cùng kỳ trong khi giá than tăng so với cùng kỳ dẫn đến chi phí nhiên liệu tăng. Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (HOSE: POW) mới đây cũng ước lợi nhuận chỉ đạt gần 579 tỉ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quí 1 cũng ghi nhận lãi ròng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như CTCP Tập đoàn Dược Phẩm Atesco (HNX: ATS) giảm gần 95%; CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TPHCM (HOSE: FDC) giảm 91%; CTCP Đầu tư TDG GLOBAL (HOSE: TDG) giảm 77%; CTCP Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (HNX: IDV) giảm 47%; CTCP Viettronics Tân Bình (HOSE: VTB) giảm 44%; CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (HOSE: SFC) giảm 46%; CTCP Địa ốc First Real (HOSE: FIR) giảm 44%…
Kỳ vọng quí 2 sẽ tốt hơn?
Dù vậy, trong bức tranh với quá nhiều màu xám, vẫn hiện lên những điểm sáng là những doanh nghiệp duy trì được sự tăng trưởng. Như ở ngành chứng khoán, trong xu hướng suy giảm chung của nhiều doanh nghiệp, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE:BSI) dù doanh thu cũng suy giảm nhưng vẫn báo lãi trước và sau thuế lần lượt đạt 121 tỉ đồng và 98 tỉ đồng, tăng 27% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức lãi cao nhất trong vòng năm quí gần nhất.
Kết quả này một phần đến từ sự đóng góp của hoạt động cho vay ký quỹ, khi tính đến cuối quí 1 năm nay, các khoản cho vay và ứng trước tiền bán của BSC lên đến gần 3.493 tỉ đồng, tăng 533 tỉ đồng so với đầu năm, trong đó riêng dư nợ margin tăng đến 695 tỉ đồng lên mức 3.390 tỉ đồng, tương đương 0,76 lần vốn chủ sở hữu. Giá cổ phiếu BSI cũng đã tăng hơn 60% kể từ giữa tháng 3 đến nay.
Hay như trong nhóm điện, CTCP Đầu tư Điện lực 3 (HNX:PIC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 21,4 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo doanh nghiệp này giải trình, trong quí 1-2023, thời tiết khu vực nhà máy thủy điện Đăk Pône và Đa Krông 1 có mưa, thuận lợi cho hoạt động phát điện, giúp tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 33,24 GWh, tăng hơn 31% so với cùng kỳ. Doanh thu bán điện cũng tăng gần 25%, đạt hơn 45 tỉ đồng.
Với các chính sách mở rộng tài khóa cũng như nới lỏng tiền tệ được triển khai gần đây, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn từ quí 2 trở đi, do đó hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có thể được cải thiện. Ngoài ra, xu hướng lãi suất đang giảm trở lại cũng sẽ tác động tích cực lên sức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp cũng như giúp giảm bớt chi phí tài chính. Đối với nhóm chứng khoán, thanh khoản thị trường đang cải thiện, dòng tiền có dấu hiệu dịch chuyển nhiều hơn vào chứng khoán, nhu cầu vay margin cao hơn sẽ mang lại nguồn thu tốt hơn cho nhóm này trong thời gian tới, có thể là ngay quí 2 này.
Triêu Dương TBKTSG
|