Thứ Tư, 29/03/2023 19:00

VPBank đặt mục tiêu LNTT 2023 tăng 13%, tăng vốn thêm hơn 11,900 tỷ đồng

Kế hoạch kinh doanh 2023, chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và chào bán cổ phiếu quỹ cho người lao động là những nội dung quan trọng sẽ được bàn luận tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSEVPB).

Ngày 18/04 tới đây, VPBank sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 tại TP. Hà Nội. Danh sách cổ đông tham dự đã được chốt vào ngày 15/03/2023. Hiện, Ngân hàng đã công bố các tài liệu trình Đại hội lần này.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 13%

VPBank đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt 877,460 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm. Vốn huy động (tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá) và dư nợ cấp tín dụng tăng lần lượt 41% và 33%, đạt 518,192 tỷ đồng và 635,972 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng riêng lẻ (theo Thông tư 11) sẽ dưới 3%.

Theo đó, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 24,003 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả năm 2022.

VPBank cho biết chỉ tiêu năm 2023 được đề ra dựa trên giả định/phân tích kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và năng lực thực tế của Ngân hàng.

Với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022 khi thu về 21,220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 48% so với năm 2021, VPBank lên kế hoạch chi trả cổ tức 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện là 10%/cp (01 cp được nhận 1,000 đồng), tỷ lệ này được tính trên tổng số cổ phiếu lưu hành mới sau các đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP và chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Qua đó, tổng số tiền dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt gần 7,934 tỷ đồng. Thời gian thanh toán dự kiến vào quý 2-3/2023.

Chào bán hơn 30 triệu cp quỹ cho người lao động

VPBank trình cổ đông phương án sử dụng cổ phiếu quỹ do Ngân hàng đang nắm giữ để bán cho cán bộ nhân viên (CBNV) theo chương trình phát hành cổ phiếu lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) năm 2023.

Cụ thể, Ngân hàng sẽ bán hơn 30.2 triệu cp quỹ cho người lao động với mức giá dự kiến là 10,000 đồng/cp, tương đương tỷ lệ phát hành là 0.45% trên tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Số cổ phiếu này sẽ bị phong tỏa (hạn chế chuyển nhượng) tối đa 03 năm kể từ ngày kết thúc đợt bán. Tuy nhiên vẫn cho phép HĐQT quyết định việc nới lỏng thời gian hạn chế chuyển nhượng cụ thể tùy thuộc vào chính sách nhân sự trong mỗi thời kỳ, nhưng tuân thủ các tỷ lệ sau: Kể từ ngày kết thúc đợt bán, sau 01 năm sẽ giải tỏa tối đa 30% cổ phần; sau 02 năm sẽ giải tỏa tiếp tối đa 35% số cổ phần; và sau 03 năm sẽ giải tỏa số cổ phần còn lại. Các quyền lợi phát sinh từ số cổ phần được mua (nếu có) sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Tổng số tiền hơn 302 tỷ đồng thu được từ việc chào bán cho người lao động sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động cho Ngân hàng.

Đối tượng được mua số cổ phiếu quỹ trên bao gồm cán bộ nhân viên VPBank và các công ty con VPBank theo các tiêu chí và danh sách do HĐQT quyết định. Các thành viên HĐQT không điều hành không được mua.

Tăng vốn thêm hơn 11,905 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ

Một nội dung quan trọng được VPBank trình cổ đông là phương án chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tăng vốn điều lệ và nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên đến tối đa 30% vốn điều lệ.

Cụ thể, Ngân hàng dự kiến chào bán gần 1.2 tỷ cp, tương đương 15% vốn cho nhà đầu tư chiến lược là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (tính trên vốn điều lệ của VPBank sau khi hoàn thành việc phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài). Giá chào bán dự kiến 30,159 đồng/cp. Như vậy ước tính giá trị thương vụ đạt khoảng hơn 35,900 tỷ đồng.

Sau khi trở thành cổ đông chiến lược của VPBank, Sumitomo Mitsui Banking Corporation bị hạn chế chuyển cổ phần theo quy định của pháp luật liên quan. VPBank có thể thỏa thuận với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài về một số nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Thời gian chào bán dự kiến trong quý 2-3/2023, sau khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Nguồn: VietstockFinance

Dự kiến sau đợt chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng thêm 11,905 tỷ đồng, lên mức hơn 79,339 tỷ đồng.

Với nguồn vốn tăng thêm từ việc chào bán, Ngân hàng dự kiến trích 5,000 tỷ đồng để tăng trưởng nguồn vốn trung, dài hạn nhằm phục vụ nhu cầu cấp tín dụng của khách hàng; 6,000 tỷ đồng được dùng để đầu tư góp vốn mua cổ phần vào công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm và các kế hoạch đầu tư góp vốn khác; còn lại 905 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin lớn… phục vụ cho nhu cầu phát triển của Hội sở và mạng lưới chi nhánh, trang bị các máy móc thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu của khách hàng, mở rộng/sửa chữa/cải tạo hệ thống mạng lưới chi nhánh.

Thông qua chào bán riêng lẻ, Ngân hàng trình cổ đông thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VPBank lên mức tối đa 30% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

Khang Di

FILI

Các tin tức khác

>   TVT: BCTC Hợp nhất năm 2022 (29/03/2023)

>   SHS: Báo cáo tài chính năm 2022 (29/03/2023)

>   ITQ: Báo cáo tài chính năm 2022 (29/03/2023)

>   AMC: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (29/03/2023)

>   VC7: Báo cáo tài chính năm 2022 (Công ty mẹ) (29/03/2023)

>   CSC: Thay đổi giấy đăng ký kinh doanh (29/03/2023)

>   CSC: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (29/03/2023)

>   L14: Nghị quyết Hội đồng quản trị (29/03/2023)

>   PTS: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (29/03/2023)

>   VC7: Báo cáo tài chính năm 2022 (29/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật