Sau 4 năm lỡ hẹn kế hoạch kinh doanh, kỳ vọng nào cho CIENCO4 trong năm 2023?
CIENCO4 lên kế hoạch tăng vốn mạnh từ 2021 để đón các cơ hội trong kế hoạch đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 của Nhà nước. Liên danh của doanh nghiệp vừa trúng 2 gói thầu thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng giá trị lên tới hơn 11,000 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G) tiền thân là bộ phận trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, có lịch sử hoạt động hơn 60 năm qua trong lĩnh vực xây dựng. Tập đoàn cổ phần hóa năm 2014 và đưa cổ phiếu lên giao dịch UPCoM từ 2018.
Kế hoạch tăng vốn thần tốc
Trong hơn hai năm đầu chào sàn, mã chứng khoán C4G khá mờ nhạt trên thị trường khi giá không nhiều biến động cũng như thanh khoản ở mức vài chục cho đến vài trăm ngàn đơn vị. Song, kể từ giữa 2021, cổ phiếu C4G bắt đầu thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, thanh khoản cải thiện và giá tăng mạnh. Đi cùng diễn biến này là kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng sau 5 năm duy trì ở mức 1,000 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, ban lãnh đạo CIENCO4 công bố kế hoạch chào bán hơn 21 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đến cuối năm, HĐQT quyết định điều chỉnh phương án thành phát hành tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu giá 10,000 đồng/cp, tức số lượng chào bán tăng hơn 5 lần, lên đến 112.3 triệu cổ phiếu, nâng vốn gấp đôi.
Doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành việc tăng vốn lên 2,247 tỷ đồng vào tháng 03/2022. Chưa dừng ở đó, chỉ vài tháng sau khi hoàn tất đợt huy động vốn ngàn tỷ, C4G lại muốn nâng vốn lên hơn 3,300 tỷ đồng, gấp 3 lần mức vốn năm 2021. Công ty đã triển khai kế hoạch nhưng đến tháng 10/2022 lại thông báo tạm dừng để cập nhật một số nội dung liên quan đến kiện toàn cơ cấu quản trị và xem xét lại phương án. Mới đây, nhà thầu xây dựng khởi động lại với việc chào bán hơn 112.3 triệu cổ phiếu cho cổ đông giá 10,000 đồng/cp. Ngày đăng ký cuối cùng là 24/03, thời gian đăng ký mua từ 07/04 - 28/04.
Tại thời điểm triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu tỷ lệ 1:1 nâng vốn lên hơn 2,000 tỷ đồng, mã chứng khoán C4G tăng giá mạnh từ vùng 10,000 đồng/cp lên 30,000 đồng/cp (trong vòng ba tháng với giá chưa điều chỉnh) cùng với đà thăng hoa của thị trường chứng khoán đảm bảo cho sự thành công của phương án. Tuy nhiên, hiện nay, giá C4G về quanh vùng 10,000 - 11,000 đồng/cp, tương đương với giá chào bán.
Diễn biến giá cổ phiếu C4G trước và sau khi phát hành cổ phiếu
(đến giữa tháng 03/2023)
Nguồn: VietstockFinance
|
Mục tiêu tăng vốn của C4G nhằm tận dụng tối đa các thời cơ từ kế hoạch đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 của Nhà nước. Trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, ban lãnh đạo cho biết Quốc hội đã thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 - 2023, quy mô gần 350,000 tỷ đồng, riêng nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng hơn 113,000 tỷ đồng, tập trung vào tuyến hạ tầng giao thông chiến lược như cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2)… Đây là cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông nói chung và C4G nói riêng.
Ngoài ra, doanh nghiệp xây dựng còn mong muốn đưa cổ phiếu niêm yết trên HNX hoặc HOSE. Kế hoạch được cổ đông thông qua từ ĐHĐCĐ thường niên 2021 nhưng đến nay vẫn bỏ ngỏ.
Lỡ hẹn kế hoạch kinh doanh
Giai đoạn 2019 - 2022, C4G đề ra kế hoạch doanh thu trên 3,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 200 tỷ đồng mỗi năm nhưng chưa năm nào thực hiện được.
Nguồn: VietstockFinance
|
Ở năm 2021, mục tiêu đề ra là 3,400 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận. Song do ảnh hưởng của dịch bệnh, Công ty chỉ đạt lần lượt 1,885 tỷ đồng và 62 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lý giải do COVID-19, nhiều dự án bị dừng thi công, chậm tiến độ, dẫn đến không thể nghiệm thu thanh toán theo kế hoạch. Đồng thời, các hoạt động dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng do giảm giá thuê văn phòng và máy móc, giá cả nguyên vật liệu tăng mạnh khiến các dự án không thể đẩy mạnh triển khai nhanh.
Năm 2022, công ty ghi nhận 2,976 tỷ đồng doanh thu, tăng 58%; lợi nhuận sau thuế 168 tỷ đồng, gấp 2.7 lần thực hiện năm 2021. So với kế hoạch năm, C4G gần hoàn thành mục tiêu doanh thu nhưng cách khá xa mục tiêu lợi nhuận (300 tỷ đồng).
Lý giải cho việc lợi nhuận không đạt kỳ vọng, C4G đưa ra hai nguyên nhân: lợi nhuận mảng xây lắp bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu tăng cao so với dự kiến ban đầu; doanh nghiệp mới chuyển nhượng dự án Long Sơn 1A mà dự án Long Sơn 3 chưa thực hiện do chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy, rủi ro lớn nhất của C4G chính là tiến độ dự án đầu tư công và biến động nguyên vật liệu.
Lượng công việc dồi dào
Năm 2023, trong bối cảnh xuất khẩu yếu, lãi suất và lạm phát tăng thì đầu tư công được xem là đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế. Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm nay lên đến hơn 700,000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm trước.
VNDirect nhận định giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ tăng khoảng 20 - 25% so với 2022 nhờ Chính phủ đã giải quyết vấn đề thiếu đá xây dựng bằng cách cấp phép khai thác mỏ mới; giá nguyên vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng lớn như sắt thép, xi măng, đá… dự báo giảm; điều kiện thời tiết thuận lợi khi El Nino được dự báo xảy ra cao.
Nhiều dự án trọng điểm được khởi công năm nay như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, nhà ga hành khách và đường băng sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột… Việc này mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp có vị thế và năng lực thi công các công trình kỹ thuật cao.
Với lợi thế gốc Bộ Giao thông Vận tải, 60 năm trong lĩnh vực thi công cơ sở hạ tầng, VNDirect đánh giá C4G có nhiều cơ hội trúng các gói thầu lớn trong giai đoạn 2023 - 2024.
Trong 13 gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được công bố ngày 10/01, liên danh của CIENCO4 đã trúng 2 gói với tổng giá trị hơn 11,000 tỷ đồng. Đó là gói XL-01 thuộc dự án Bùng - Vạn Ninh (liên danh C4G - G36 - ĐTXD Trường Sơn - Công ty 471) và gói XL-01 dự án Hậu Giang - Cà Mau (liên danh C4G - Trung Nam E7C - Trung Nam 18 E&C - Công ty Hải Đăng - Công ty Thi Sơn).
VNDirect kỳ vọng C4G sẽ tiếp tục giành được các gói thầu với tổng giá trị ký mới ước tính 2,000 tỷ đồng từ các dự án trọng điểm như đường băng sân bay quốc tế Long Thành, đường vành đai 3 (TPHCM).
Bên cạnh xây dựng, C4G cũng phát triển mảng bất động sản trên quỹ đất hình thành từ dự án BT với các vị trí như Khu đô thị Long Sơn 1, 2, 3, 4... Trong đó, Long Sơn 1A đã chuyển nhượng, Long Sơn 1B và 3 được kỳ vọng hoàn tất chuyển nhượng và ghi nhận doanh thu năm nay. Thông qua công ty con, C4G đầu tư dự án nghỉ dưỡng Cầu Cau có tổng vốn đầu tư 1,532 tỷ đồng ở Nghệ An, dự kiến thời gian xây dựng từ 2023 - 2031. Ngoài ra, doanh nghiệp có chiến lược chuyển hướng đầu tư các dự án chung cư tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành phố khác.
Trong cơ cấu doanh thu của C4G, mảng thi công đóng góp tỷ trọng lớn nhất với trên 65%, phần còn lại là mảng cung cấp dịch vụ (thu phí BOT, cho thuê thiết bị, văn phòng, mặt bằng) và chuyển nhượng bất động sản.
Hiện nay, C4G chưa công bố về kế hoạch kinh doanh năm 2023 nhưng với triển vọng lớn từ đầu tư công, Công ty có cơ hội để lật ngược thế cờ sau 4 năm lỡ hẹn với kế hoạch kinh doanh mà cổ đông giao phó.
Ngân Hà
FILI
|