Thứ Hai, 27/03/2023 07:59

Phản hồi tích cực từ thị trường tài chính Việt Nam trong cơn biến động của thế giới

Sau sự kiện Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, thị trường tài chính Việt Nam trong tuần qua không có nhiều biến động. Trong khi một số ngân hàng phương Tây xoay xở với cuộc khủng hoảng, tâm lý tích cực vẫn được duy trì ở nhóm ngân hàng Việt Nam, và le lói những kỳ vọng cho lĩnh vực bất động sản.

Chứng khoán Việt Nam có tuần đi ngang dù thông tin tiêu cực từ thế giới “bủa vây”. Ảnh minh họa: L.Vũ

Thị trường gần như đi ngang

Trái với những lo ngại trước động thái Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong thời gian qua, thị trường tài chính Việt Nam trong tuần qua không có quá nhiều biến động mạnh mẽ.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index có giảm mạnh vào phiên thứ hai, nhưng sau đó phục hồi trong 4 phiên cuối tuần. Theo đó, chỉ số VN-Index kết thúc tuần tăng nhẹ 0,2% so với cuối tuần trước đó. Tương tự, chỉ số HNX-Index tăng 0,6%, chỉ số UPCoM-Index giảm nhẹ 0,4%.

Nhưng tâm lý giao dịch trên thị trường cũng tỏ ra e dè khi thanh khoản giảm mạnh. Giá trị giao dịch bình quân ba sàn giảm 15,3%, về mức 9.919 tỉ đồng mỗi phiên. Khối ngoại vẫn mua ròng nhưng sức mua đã giảm trên hai sàn HOSEHNX, đồng thời tăng bán ròng trên sàn UPCoM.

Trái với những diễn biến tiêu cực của nhóm ngân hàng trên thế giới trong tuần qua, tâm lý tích cực ở nhóm ngân hàng Việt Nam, cũng như thông tin tích cực trong lĩnh vực bất động sản cũng giúp cho nhiều cổ phiếu có tuần giao dịch tích cực, từ đó giúp thị trường duy trì điểm số chung.

Một diễn biến lạ khác là sự “thờ ơ” của thị trường vàng nội địa trước những diễn biến tăng giảm bất thường của thế giới. Tính đến cuối tuần, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 66,55 triệu đồng/lượng và 67,25 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Như vậy giá chiều bán ra giảm khoảng 500.000 đồng mỗi lượng so với tuần trước, trong khi giá chiều mua vào lại giảm nhẹ khoảng 250.000 đồng.

Nhu cầu giao dịch dường như cũng không có nhiều biến động khi mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán được niêm yết chỉ khoảng 700.000 đồng mỗi lượng. Trong khi đó, mức chênh lệch giữa giá vàng nội địa và thế giới đã thu hẹp về mức hơn 10,5 triệu đồng mỗi lượng, trong khi gần đây ở vùng 15-17 triệu đồng mõi lượng.

Sở dĩ biên độ thu hẹp đáng kể vì giá vàng nội địa gần như đứng yên trong khi thế giới tăng mạnh, có thời điểm vượt mốc 2.000 đô la Mỹ/oz. Tính đến nay, giá vàng giao ngay ở mức 1.979 đô la/oz, tăng đến 8,35% trong vòng 1 tháng qua.

Trong khi đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam ghi nhận tiếp tục dư thừa, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và 1 tuần tiếp tục giảm mạnh, từ vùng 5% trước đó về chỉ còn 2%.

Tương tự, tỷ giá tiếp tục xu hướng giảm nhẹ. Tỉ giá trung tâm cuối tuần được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.600 đồng/USD, giảm 20 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá niêm yết chiều bán ra của Vietcombank là 23.680 đồng/đô la, giảm khoảng 70 đồng so với tuần trước.

Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân hỗ trợ đáng kể thị trường trong tuần qua. Nguồn: Mirae Asset.

Vẫn còn nhiều lo ngại về rủi ro toàn cầu

Những lo ngại về áp lực lãi suất tăng vẫn còn đó khi hàng loạt các ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn tiếp tục chính sách này. Ngày 23-3, Fed đã quyết định nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, lên vùng 4,75%-5%. Từ khu vực châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh cũng vừa nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, trong khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng nâng 50 điểm cơ bản, mức tăng như kỳ vọng của thị trường.

Theo nhóm phân tích của Maybank Group, sau động thái này, dự báo lãi suất chính sách trung bình của Fed vào cuối năm 2023 không thay đổi (ở mức 5,1%), cao hơn một chút so với mức 4,3% vào cuối năm 2024.

“Chúng tôi cho rằng dự báo chính sách lãi suất trung bình của Fed không thay đổi cho năm 2023, phản ánh sự không chắc chắn mà cuộc khủng hoảng ngân hàng đã gây ra. Điều này trái ngược với những gì các quan chức Fed đã gợi ý về một vài tuần trước khi lãi suất cuối kỳ có thể cao hơn so với những gì được dự đoán trước đó”, nhóm phân tích của Maybank bình luận.

Có thể nói tin tức toàn cầu ảnh hưởng mạnh đến tâm lý giới đầu tư hiện nay là tình trạng các nhà băng hoạt động quy mô toàn cầu. Sự phức tạp từ diễn biến các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đang là “điểm tựa” cho kỳ vọng ngừng chu kỳ tăng lãi suất từ các nhà điều hành chính sách tiền tệ trên thế giới.

Nếu như tuần trước đó là nhóm các ngân hàng của Mỹ, giờ đây cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng sang châu Âu với đại diện là ngân hàng Credit Suisse. Nhờ sự can thiệp nhanh chóng của giới chức Thụy Sĩ, Ngân hàng UBS đã mua lại Credit Suisse với giá 3,2 tỉ đô la, tạm thời ngăn chặn đà khủng hoảng lan rộng và trấn an tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, thông tin cuối tuần này lại xuất hiện thêm Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức đang quản lý hơn 1.400 tỉ đô la tài sản.

Với thị trường Việt Nam, lần tăng lãi suất điều hành và thông điệp đưa ra có phần “ôn hòa” hơn về chính sách tiền tệ, đã giúp thị trường tài chính giải tỏa bớt áp lực. “Thông tin này đã được thị trường dự báo từ trước, do đó không gây quá nhiều biến động”, báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect bình luận.

Cũng theo nhóm phân tích này, diễn biến hiện nay cho thấy Fed để ngỏ khả năng sẽ có thêm một lần tăng lãi suất nữa trước khi ngừng lại. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất vẫn neo ở mức cao thêm một thời gian nữa để kiềm chế lạm phát, nên vẫn còn rủi ro tác động tiêu cực tới hệ thống tài chính và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bình luận tương tự, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán VCBS cho rằng Fed đã tiến gần đến mức lãi suất mục tiêu cuối cùng nhưng lãi suất vẫn đang trong xu hướng tăng. Dù vậy, điểm sáng hiện nay là cam kết của hàng loạt các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu trong việc đảm bảo thanh khoản của thị trường, dù lãi suất vẫn tăng.

“Mức độ biến động thị trường tài chính ở mức cao và tiếp tục nhạy cảm với các thông tin kinh tế vĩ mô”, nhóm phân tích của VCBS bình luận.

Trên thực tế hiện nay, tình hình rủi ro chưa dừng lại khi các thông tin quốc tế vẫn chưa rõ ràng. Giới phân tích đưa ra nhiều nhận định khá tiêu cực khi dự đoán sẽ làn sóng ngân hàng trên thế giới gặp khó khăn sẽ còn xuất hiện thêm những tne tuổi mới trong thời gian tới.

Phía ngược lại, thị trường trong nước sẽ tiếp tục đón nhận một số thông tin hỗ trợ. Cụ thể là mặt bằng lãi suất duy trì xu hướng giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có những cải thiện bước đầu như giá trị phát hành tăng trở lại sau hai tuần Nghị định 08 có hiệu lực, một số doanh nghiệp thỏa thuận thành công việc gia hạn trái phiếu. Bên cạnh đó, thị trường trong tuần này đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng như chỉ số GDP, lạm phát, hay các công bố ước tính kết quả kinh doanh trong quí 1.

“Những thông tin này có thể hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư trong thời gian tới và khơi thông dòng vốn của nhà đầu tư trong nước quay trở lại thị trường chứng khoán. Dù vậy, trong bối cảnh những thông tin tốt xấu đan xen, chúng tôi cho rằng thị trường có thể duy trì xu hướng tích lũy trong ngắn hạn”, báo cáo của VNDirect có đoạn.

D.Nguyễn

TBKTSG

Các tin tức khác

>   27/03: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán? (27/03/2023)

>   VHM trở thành trụ đỡ chính cho VN-Index trong tuần qua (26/03/2023)

>   Tuần 27-31/03/2023: 10 cổ phiếu nóng dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (27/03/2023)

>   Vietstock Weekly 27-31/03/2023: Rủi ro điều chỉnh rất cao (26/03/2023)

>   VSE: Quyết định về việc đưa vào diện cảnh báo (24/03/2023)

>   VSE: Thông báo về trạng thái chứng khoán (24/03/2023)

>   SCO: Giải trình nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch (24/03/2023)

>   PTX: Công bố thông tin Đơn từ nhiệm (24/03/2023)

>   VE4: CBTT về việc nhận đơn từ nhiệm của TV HĐQT - Ông Nguyễn Văn Bốn và nghị quyết chấp thuận (24/03/2023)

>   MED: Đơn xin từ nhiệm thành viên Hội Đồng Quản trị (24/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật