Kiến nghị áp dụng hệ số K thay vì phải thuê đơn vị tư vấn
Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị trung ương cho phép thí điểm hệ số K tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho tất cả thửa đất, khu đất.
Ảnh minh họa
|
Ngay sau khi UBND TPHCM có kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ về cho phép thí điểm áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để xác định, thẩm định và quyết định giá đất trên địa bàn TP, Hiệp hội Bất động sản TP (HoREA) cũng có bản kiến nghị trung ương cho phép thí điểm hệ số K tính tiền sử dụng đất (SDĐ), tiền thuê đất cho tất cả thửa đất, khu đất.
HoREA kiến nghị thí điểm như trên thay vì phải thực hiện thuê đơn vị tư vấn để xác định giá đất cụ thể theo các phương pháp thẩm định giá.
Theo HoREA, hiện nay quy định việc tính tiền SDĐ, tiền thuê đất dự án nhà ở thương mại theo bốn phương pháp định giá đất. Trong đó, chủ yếu là sử dụng phương pháp thặng dư để xác định giá đất cụ thể thông qua hai bước: Định giá đất và thẩm định giá đất. “Cách làm này còn có bất cập có thể gây ra rủi ro pháp lý cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và người có liên quan, đồng thời mất nhiều thời gian mà vẫn không đạt được kết quả tin cậy trong tính tiền SDĐ, tiền thuê đất” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết.
Ngoài ra, ông Châu cũng cho rằng với quy trình hai bước định giá đất và thẩm định giá đất còn có thể dẫn tới tình trạng “quyền anh, quyền tôi” do Sở Tài chính là thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh có thể bác kết quả định giá đất của Sở TN&MT, phải làm lại gần như từ đầu.
Cách làm này dẫn đến thời gian thực hiện quy trình, thủ tục định giá đất và thẩm định giá đất tốn rất nhiều thời gian, thường mất khoảng trên dưới ba năm hoặc lâu hơn, làm mất cơ hội đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị trung ương cho phép thí điểm áp dụng hệ số K để xác định, thẩm định và quyết định giá đất trên địa bàn TP. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng đề xuất này rất có tính khả thi và phù hợp với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch HoREA cho rằng việc áp dụng hệ số K đối với tất cả dự án bất động sản, nhà ở thương mại, kể cả dự án có giá trị về đất trên 30 tỉ đồng và cần được áp dụng theo từng loại hình dự án bất động sản, nhà ở thương mại. Cùng với đó, tùy theo vị trí của từng dự án cụ thể để xác định hệ số K phù hợp cho từng loại dự án.
Tuy nhiên, theo HoREA, văn bản của TP.HCM chỉ đề xuất áp dụng hệ số K trong hai trường hợp: Nhà nước cho phép chuyển mục đích SDĐ đối với diện tích vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân; Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm đối với tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp SDĐ để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
“Nếu chỉ áp dụng với hai đối tượng này mà không áp dụng cho các dự án nhà ở thương mại khác thì không hợp lý và chưa có tính đột phá. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị trung ương xem xét cho phép thí điểm theo đề xuất của TP.HCM và áp dụng cho tất cả dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trong trường hợp bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất” - ông Châu nói.
Theo ông Lê Hoàng Châu, đề xuất của UBND TP đã công thức hóa và định lượng được việc tính tiền SDĐ, tiền thuê đất đối với tất cả dự án nhà ở thương mại, dễ hiểu, dễ làm, không gây rủi ro cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ vì không định tính như trước đây. Ngoài ra, đề xuất của TP.HCM cũng giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn. Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cả cá nhân, hộ gia đình đều có thể tiên lượng được tiền SDĐ phải nộp.
Trà Giang
SGĐTTC
|