Kết nối liên vùng, làm mãi không xong
Nhiều dự án xây dựng mới hoặc nâng cấp mở rộng đường liên vùng nhưng trong tình trạng triển khai không đồng bộ, nơi triển khai nơi chưa nên không đạt được mục tiêu về lưu thông, vận tải hàng hóa và không phát huy được hiệu quả đồng vốn đầu tư.
Tuyến đường Vành đai 2 ở TPHCM được quy hoạch từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư 12.540 tỷ đồng với chiều dài 64 km, quy mô 6 - 10 làn xe. Đến nay, đường Vành đai 2 đã hoàn thành 50 km, còn 14km chưa được khép kín. Trong 14 km này, đoạn được đầu tư thì đang tạm ngưng thi công, những đoạn chưa triển khai thì vẫn đang nằm chờ để được bố trí vốn.
Cụ thể, đoạn 3 của dự án này (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa có chiều dài 2,75 km) được thực hiện theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (hợp đồng BT), do Cty CP Văn Phú Bắc Ái làm chủ đầu tư nhưng đã tạm ngưng thi công từ nhiều năm nay. Đơn vị thi công đã rút công nhân khỏi công trình, thiết bị máy móc, vật tư nằm phơi nắng phơi mưa. Nhiều chiếc cầu xây dựng dang dở trơ cả khung sắt không khác gì phế liệu, mố cầu xây dựng nửa vời, cỏ mọc um tùm, những lán trại trống hoác. “Việc bỏ phế này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng của công trình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân ở hành lang mà dự án đi qua”, chị Lê Liễu, sống ở chung cư Saigon Avenue gần công trường dự án nói.
Nhiều chiếc cầu xây dựng ở đoạn 3 của dự án đường Vành đai 2 trơ cả khung sắt không khác gì phế liệu. Ảnh: Phạm Nguyễn
|
Hàng loạt các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khác tại TPHCM, trong đó nhiều dự án kết nối với các tuyến đường liên vùng đều trong tình trạng bất động trên giấy hoặc bỏ phế giữa chừng.
Là một trong những tuyến đường quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cao tốc Long Thành - Bến Lức dài 57 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/giờ, hơn 20km cầu và cầu cạn, 6 nút giao cắt và lối thoát. Dự án được khởi công vào tháng 7/2014, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2019, nhưng tuyến cao tốc này liên tục lùi thời hạn hoàn thành.
Ngổn ngang trên công trường thi công hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ
|
Nguyên nhân chính của việc bỏ phế dự án chủ yếu do vướng khâu giải phóng mặt bằng và khó khăn về nguồn vốn. Ông Trần Đức Thắng, Tổng Giám đốc Cty CP Văn Phú Bắc Ái cho biết, do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư khiến đoạn 3 của dự án đường Vành đai 2 phải tạm dừng từ tháng 3/2020 đến nay, khi đạt khoảng 44% khối lượng. Với đoạn 1 và 2 của dự án Vành đai 2, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, trước đây tính thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT. Thế nhưng, loại hợp đồng này đã bị loại khỏi luật PPP nên hai dự án chuyển qua đầu tư công và bất động từ đó.
Chỗ thông, nơi tắc
Quốc lộ 13 là tuyến đường huyết mạch kết nối giữa TPHCM - Bình Dương với các tỉnh Tây Nguyên và được xem là “con đường tơ lụa” của khu vực này. Với hơn 300.000 lượt xe lưu thông mỗi ngày, tuyến đường này trở nên quá tải, nhất là khu vực cửa ngõ TPHCM giáp Bình Dương, do đó việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường này hết sức bức thiết nhằm khơi thông nút nghẽn, phát triển kinh tế.
Sau gần 10 năm nằm trên giấy, cuối năm 2022 Dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 13 đoạn thuộc địa phận tỉnh Bình Dương mới chính thức khởi công xây dựng. Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 trên địa phận tỉnh Bình Dương gần 13 km. Tuyến đường sẽ mở rộng 64m, nâng từ 6 làn xe lên 8 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng, tiếp tục được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Đến nay, việc giải phóng mặt bằng đoạn từ ngã tư cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị và đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong đã hoàn thành. Riêng đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố đã phê duyệt thu hồi, bồi thường, hỗ trợ về đất đối với 118 hộ, 2 tổ chức với số tiền trên 567 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch.
Trong khi đó, quốc lộ 13 đoạn TPHCM chỉ có 4-6 làn xe. Vào giờ cao điểm sáng và chiều tối, tuyến đường này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ. Dự án mở rộng quốc lộ 13 được TPHCM lên kế hoạch triển khai cách đây hơn 20 năm nhưng do nhiều vướng mắc, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Năm 2017, UBTV Quốc hội ra Nghị quyết 437, yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu. Chính vì lý do này mà dự án mở rộng quốc lộ 13 từng được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT phải dừng thực hiện. Năm 2021, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (dài 5,5 km) được lập kế hoạch đầu tư và dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, TPHCM đã tìm nhiều cách nhưng chưa thể cân đối vốn để thực hiện mở rộng tuyến đường.
Đoạn 3 của dự án đường Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa như một phế tích. Ảnh: Phạm Nguyễn
|
Bóp nghẹt cửa ngõ chính
Trước đây, trong quá trình nâng cấp quốc lộ 1, Bộ GTVT chỉ cải tạo nền mặt đường, còn bề rộng đường vẫn giữ như cũ. Vì vậy tuyến quốc lộ 1 từ huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đến hết huyện Trảng Bom (Đồng Nai) dài hơn 150km đường rất hẹp, mỗi bên chỉ có 1 làn ô tô và 1 làn hỗn hợp, không đáp ứng được nhu cầu lưu thông của các phương tiện nên liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông. Đặc biệt, đoạn từ ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đến cầu Đồng Nai (thành phố Biên Hòa) lưu lượng phương tiện lên đến trên 50.000 ngàn xe/ngày đêm. Do vậy từ năm 2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã có kiến nghị với Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc kiến nghị thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, đề nghị điều chỉnh mở rộng thêm một làn đường dành cho xe 2 và 3 bánh trên mỗi chiều đi.
Tuy nhiên, kiến nghị của Đồng Nai không được chấp thuận vì lý do Bộ GTVT đang chuẩn bị xây dựng tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và khi hoàn thành sẽ nối với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, lúc đó sẽ giảm tải được lượng xe trên tuyến quốc lộ 1. Trong khi đó, theo các cơ quan chuyên môn của tỉnh Đồng Nai, thực tế hiện nay nhiều ô tô khách chạy tuyến Bắc - Nam vẫn phải đi trên quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - chợ Sặt để đón trả khách ở Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM.
Đối với tuyến quốc lộ 51 qua Đồng Nai, trả lời kiến nghị của cử tri Đồng Nai về việc mở rộng vì tuyến đường này đã quá tải từ nhiều năm qua, Bộ GTVT cho rằng, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, thì quốc lộ 51 đi qua tỉnh Đồng Nai dài 37km, có quy mô quy hoạch cấp I, 6 làn xe. Đến nay đã được đầu tư phù hợp với quy hoạch.
Để phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời giảm tải lưu lượng ngày càng tăng cao trên tuyến quốc lộ 51, Bộ Giao thông-Vận tải đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức đầu tư công và triển khai trong giai đoạn 2021- 2025.
Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ giảm tải trên quốc lộ 51.
DUY QUANG HƯƠNG CHI-MẠNH THẮNG HỮU HUY
Tiền phong
|