Giá thép HRC tăng mạnh 33% từ đầu năm, trong khi giá than giảm 48%
Giá nhiều loại hàng hóa giảm mạnh khi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thời đại dịch COVID-19 đã cải thiện đáng kể và thế giới thích nghi với bản đồ dòng chảy năng lượng mới sau cuộc xung đột địa chính trị.
Trong báo cáo mới công bố, CTCK VNDirect cho biết tính tới ngày 23/02, chỉ số giá hàng hóa toàn cầu đã giảm 30% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 6/2022. Giảm mạnh nhất là giá năng lượng, trong đó giá khí thiên nhiên giảm 81%, giá than giảm gần 50% và giá dầu giảm 18% trong 6 tháng qua.
Chỉ số giá hàng hóa toàn cầu
Nguồn: VNDirect
|
Thép, quặng sắt tăng mạnh
Nếu xét từ đầu năm 2023, giá khí thiên nhiên đã giảm 34% và giá than giảm 48%, trong khi giá dầu chỉ hạ 4%.
Theo các chuyên viên phân tích tại VNDirect, giá dầu giảm nhẹ hơn các mặt hàng năng lượng khác bởi lo ngại bất ổn nguồn cung khi OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng và Nga công bố giảm 25% lượng xuất khẩu dầu đến các cảng phương Tây kể từ tháng 3. Đồng thời, nhu cầu dầu từ Trung Quốc cũng được kỳ vọng hồi phục sau khi chấm dứt chính sách Zero COVID.
Ở diễn biến khác, thị trường phân bón cũng hạ nhiệt đáng kể, với giá urê giảm 27% so với đầu năm.
Trên thị trường thực phẩm, giá bột mì, gạo, thịt lợn giảm gần 7%, riêng giá đường tăng hơn 7% so với đầu năm.
Diễn biến giá hàng hóa
Nguồn: VNDirect
|
Trong khi đó, các nguyên vật liệu liên quan tới xây dựng như đồng, nhôm, thép đều khởi sắc. Giá thép HRC tăng gần 33% từ đầu năm.
“Nhóm thép diễn biến tích cực khi thị trường bất động sản Trung Quốc được kỳ vọng khởi sắc, trước thềm cuộc họp Đại hội Đại biểu toàn quốc của Trung Quốc diễn ra vào ngày 04/03 với khả năng có thêm các biện pháp kích thích kinh tế. Giá bất động sản tại Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu ổn định vào tháng 1 (theo ANZ Research) và hàng tồn kho giảm trong giai đoạn vừa rồi có thể khiến các nhà phát triển bất động sản tăng cường hoạt động trở lại trong các tháng tới”, nhóm phân tích VNDirect cho biết trong báo cáo.
Giá cước vận tải biển giảm mạnh
Ngoài ra, một dấu hiệu khác cho thấy sự cải thiện của vấn đề đứt gãy nguồn cung là đà giảm giá cước vận tải biển.
Tính đến ngày 23/02, chỉ số cước vận tải hàng khô BDI đã giảm 46% kể từ đầu năm và giảm 86% từ đỉnh tháng 10/2021. Chỉ số cước vận tải container cũng trên đà giảm.
“Không còn diễn ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng, nhu cầu hàng hóa toàn cầu giảm đã khiến cước vận tải biển giảm mạnh trong thời gian qua. Xu hướng này có thể tiếp diễn trong một vài tháng tới trong bối cảnh lạm phát vẫn cao và các NHTW duy trì đà tăng lãi suất”, nhóm phân tích VNDirect cho biết. “Giá cước vận tải tiếp tục giảm sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ cho biên lợi nhuận các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”.
Vũ Hạo
FILI
|