Thứ Sáu, 31/03/2023 06:12

FTSE cảnh báo về quá trình nâng hạng thị trường của Việt Nam

Trong đánh giá vừa công bố, FTSE Russell lưu ý họ rất lo ngại về sự thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện cải tổ thị trường của Việt Nam. "Trước tháng 9/2023, nếu thông tin về việc cải tổ vẫn chưa rõ ràng hoặc lộ trình thực hiện bị kéo dài, FTSE Russell có thể cân nhắc lại việc giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng", FTSE Russell cho biết.

Việt Nam... vẫn vậy

Trong kết quả xếp hạng thị trường tháng 3/2023 của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market) dù đã được thêm vào danh sách theo dõi từ năm 2018.

Kết quả này không quá bất ngờ vì các tiêu chí của Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều từ sau đợt review tháng 9/2022. 

Đến nay, chứng khoán Việt vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)" – vốn đang ở được xếp ở mức “hạn chế” (Restricted). Điều này là do thông lệ thị trường thực hiện kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo sự sẵn có về vốn trước khi thực hiện giao dịch.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải cải thiện quá trình đăng ký tài khoản mới, đồng thời phải đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn room hoặc sắp cạn room nước ngoài.

Lo ngại của FTSE

Kể từ tháng 9/2022, FTSE Russell chưa thấy được tiến triển rõ ràng đối với mô hình đối tác bù trừ trung tâm (central counterparty), mặc dù tổ chức này lưu ý rằng các cơ quan quản lý và các nhóm làm việc về thị trường địa phương đã trao đổi với nhau.

FTSE Russell cho biết quá trình chạy thử hệ thống giao dịch mới đã bắt đầu vào tháng 2/2023 và sẽ diễn ra trong khoảng 40 ngày giữa Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) và các thành viên.

"Bằng chứng cũng cho thấy quá trình bàn luận về việc đưa ra chương trình chứng chỉ lưu ký không biểu quyết (NVDR) đã bắt đầu. Mục đích của chương trình này là cho phép các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán mà không phải lo lắng về giới hạn sở hữu nước ngoài", FTSE Russell cho biết.

FTSE Russell cho biết vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) và cả Ernst & Young – những bên đang hỗ trợ cho chương trình cải cách thị trường – và các cơ quan quản lý thị trường quan trọng khác.

"Việc hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm trong mô hình đối tác bù trừ trung tâm (cũng phải tính tới việc triển khai luật mới) vẫn là một bước quan trọng tiếp theo”, FTSE Russell nhận định. “Các chỉ dẫn rõ ràng về khung thời gian (nếu có) sẽ được các nhà đầu tư quốc tế ủng hộ”.

Tuy vậy, FTSE Russell lưu ý họ rất lo ngại về sự thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện cải tổ thị trường. "Nếu thông tin này vẫn chưa rõ ràng hoặc thời gian thực hiện bị kéo dài trước tháng 9/2023, FTSE Russell có thể cân nhắc lại việc giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng".

Đánh giá của FTSE có gì khác?

Ở tiêu chí “Cách giải quyết và các chi phí đi kèm với giao dịch thất bại” (trước đây được gọi là “tỷ lệ giao dịch thất bại hiếm"), FTSE Russell đã đánh giá Việt Nam ở mức "hạn chế". Trước đây, tiêu chí này thường được FTSE đặt ở trạng thái "N/A" do chưa có nhiều thông tin để đánh giá. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)" - vốn được đánh giá ở mức "hạn chế".

Tiêu chí của FTSE

Tầm quan trọng của việc nâng hạng

Gần đây, nâng hạng thị trường trở thành một trong những mục tiêu mà Chính phủ quan tâm thúc đẩy. Trong dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trước năm 2025.

Trước đó, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB) và FTSE Russell để tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình nâng hạng thị trường.

Chờ đợi hệ thống KRX?

Một trong các điểm nghẽn về nâng hạng có thể được giải quyết trong thời gian tới với việc triển khai hệ thống KRX.

Tại hội thảo gần đây, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chia sẻ hệ thống KRX hiện đang đến giai đoạn kiểm thử đối với nhà thầu. Các chuyên gia kỳ vọng nếu hệ thống giao dịch KRX được triển khai trong năm nay, Việt Nam có thể tính tới chuyện áp dụng giao dịch T0, từ đó sẽ giải quyết được 1 điểm nghẽn ở chu kỳ thanh toán T+2.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   31/03: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán? (31/03/2023)

>   GH3: Công bố thông tin Đơn từ nhiệm (30/03/2023)

>   NSS: Quyết định giảm tiền thuê đất năm 2022 của Cục thuế tỉnh Đồng Nai (30/03/2023)

>   NOS: Giải trình và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị đưa vào diện cảnh báo (30/03/2023)

>   VSH: Thông báo bầu Trưởng BKS không chuyên trách (30/03/2023)

>   JVC: Giải trình, báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị xử lý vi phạm (30/03/2023)

>   Theo dấu dòng tiền cá mập 30/03: Tự doanh mua ròng gần 145 tỷ đồng (30/03/2023)

>   DCL: Giải trình biến động LNST năm 2022 so với cùng kỳ năm trước (30/03/2023)

>   E1VFVN30: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 29/03/2023 (30/03/2023)

>   FUEDCMID: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 29/03/2023 (30/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật