Doanh nhân 26 tuổi khởi nghiệp khi bị mất đi phân nửa thị lực
Từng là quân nhân phục vụ trong lực lượng Hải quân Đại Hàn Dân Quốc, được đào tạo khắt khe nhằm phục vụ cho nước nhà, Kevin Choi chưa từng nghi ngờ gì về tình trạng sức khỏe của bản thân.
Kevin Choi, CEO của Medi Whale
|
“Tôi bị cận thị khá nặng nhưng tôi vẫn tin là mình vẫn khỏe mạnh”, Choi chia sẻ với CNBC Make It.
Nhưng tất cả mọi thứ đã khác đi khi năm 2016 anh phát hiện ra mình bị cườm nước - một chứng bệnh mắt kinh niên do thần kinh giác mạc bị tổn thương.
Dù bệnh cườm nước thường gặp ở những người lớn tuổi, nhưng Choi lại mắc chứng bệnh này khi chỉ mới 26 tuổi.
Tại thời điểm đó, Choi chia sẻ rằng mắt phải của anh dần như đã mất đi một nửa thị giác, còn mắt trái chỉ còn nhìn được “60% đến 70%”, tình trạng này vốn có thể tránh được nếu được phát hiện từ sớm.
Nhưng trong cùng năm đó, anh đã vượt qua những biến cố trên và thành lập nên công ty startup về sức khoẻ của riêng mình mang tên Mediwhale.
Chia sẻ với CNBC Make It, phía công ty sở hữu những thiết bị đánh giá rủi ro liên quan đến hệ tuần hoàn thông qua việc sử dụng những ảnh chụp võng mạc và trí tuệ nhân tạo (AI) – trước đây chưa từng có nơi nào sở hữu công nghệ này.
Choi đã cùng thành lập công ty này vào 6 năm trước cùng với Tiến sĩ Tyler Hyungtaek với số vốn 5,000 USD.
Hiện tại, công ty đã kêu gọi được hàng triệu USD từ các nhà đầu tư, và thiết bị của công ty được chấp nhận tại EU và một số nước châu Á.
Hãy cùng CNBC Make It tìm hiểu điều gì đã thúc đẩy Choi thành lập nên công ty của riêng mình trong khi mắc chứng cườm nước?
Một giải pháp thay thế nhanh chóng
Choi, Giám đốc điều hành của Mediwhale, tin rằng việc anh bị cườm nước không phải là một sự tình cờ.
Là một kỹ sư công nghệ được đào tạo bài bản, anh bắt đầu suy nghĩ về tiềm năng của giải pháp dùng AI để cải thiện việc phát hiện bệnh từ sớm.
“Ắt hẳn có lý do gì đó khiến điều này xảy đến với tôi. Và tôi nghĩ tự mình có thể giải quyết được bởi vì tôi là một kỹ sư”.
Là một bác sĩ y khoa, Rim cũng hiểu được “nhu cầu thiếu hụt” các thiết bị để phát hiện sớm hơn những căn bệnh về hệ tuần hoàn – vốn đang được thực hiện thông qua phương pháp chụp cắt lớp (CT).
“Chụp CT đòi hỏi nhiều tài nguyên và tốn thời gian, do đó dẫn đến gánh nặng cho cả bệnh nhân lẫn phía bệnh viện”.
Trải nghiệm cá nhân của Choi khi phải xếp hàng dài chờ đến lượt khám và đợi lấy kết quả cũng thúc đẩy anh muốn thiết kế một giải pháp nhanh chóng hơn.
“Việc xếp hàng chờ khám vẫn là một gánh nặng lớn cần phải giải quyết. Thậm chí hiện tại, tôi vẫn cảm thấy lo lắng mỗi lần đến bệnh viện kiểm tra bệnh cườm nước… Mất 2-3 tiếng đồng hồ mới nhận được kết quả kiểm tra”.
Mediwhale cho hay chỉ với một tấm hình chụp võng mạc mỗi bên mắt cũng vẫn cho được kết quả dự đoán bệnh tim mạch gần như tương đương với việc chụp CT, với lại chưa đầy một phút là bệnh nhân có thể nhận được kết quả.
“Chỉ mất vài giây bởi vì không cần nhiều công đoạn. Hình ảnh lập tức được tải lên hệ thống đám mây và được AI tự động phân tích”, Rim giải thích.
Thuyết phục các bác sĩ
Choi chia sẻ rằng thử thách lớn nhất chính là thuyết phục được các bác sĩ tin rằng con mắt thật sự là “cửa sổ của tâm hồn”.
“Mắt chính là bộ phận duy nhất trên cơ thể con người mà bạn có thể nhìn được các mạch máu mà không cần đến phương pháp xâm nhập”.
“Sự thay đổi trong cấu trúc mạch máu ở võng mạc đã được xem là một chỉ báo hữu hiệu của những chứng bệnh liên quan đến tim mạch và thận, bởi vì những thay đổi này thường xảy ra trước khi bạn thậm chí để ý thấy những triệu chứng nghiêm trọng”, ông Rim giải thích.
Choi chia sẻ rằng ý tưởng thành lập nên Mediwhale đến từ bài nghiên cứu được xuất bản trong hai tập san công nhận tính chỉ báo sinh học của các hình chụp võng mạc.
Mediwhale nói công nghệ của công ty đã được chấp thuận sử dụng bởi các nước khối EU và 7 nước khác, bao gồm Anh, Hàn Quốc và Singapore.
Trong khi công nghệ này vẫn đang đợi được cấp chứng nhận FDA ở Mỹ, 5 bệnh viện tại Arkansas đã bắt đầu những nghiên cứu y khoa sử dụng việc scan võng mạc của Mediwhale, phía công ty cho hay.
Tính tới thời điểm hiện tại, Mediwhale đã huy động được hơn 5 triệu USD đến từ các nhà đầu tư trong đó có quỹ đầu tư rủi ro SBI Investment của Nhật và BNK Venture Capital của Hàn Quốc.
Khiêm tốn
Đối với Choi, kể ra trong cuộc sống lẫn kinh doanh, để vượt qua những thử thách, điều quan trọng là bạn cần tìm ra lý do và mục đích.
Anh nói rằng khi biết bệnh cườm nước có thể được phát hiện sớm hơn, anh cảm thấy bản thân có nhiệm vụ cần giúp mọi người phát hiện ra bệnh trước khi quá trễ.
“Chẳng hạn đối với những người hay tự tin về sức khoẻ của mình… một bước scan mắt đơn giản có thể thay đổi cuộc đời của người đó”.
Dù hiện tại công ty đang thành công và trên đà phát triển, Choi vẫn cho rằng đó chỉ là một bước tiến khiêm tốn.
“Kinh doanh y tế là một lĩnh vực cần tôn trọng những kiến thức nền tảng. Mỗi lần trò chuyện với các bác sĩ hoặc chuyên gia là tôi lại học được điều gì đó”, Choi trình bày.
“Đối với tôi, đó là tố chất quan trọng nhất mà một người doanh nhân cần có”.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)
FILI
|