Doanh nghiệp nhỏ vẫn chờ lãi suất hạ nhiệt
Các doanh nghiệp nhỏ mong muốn được hạ lãi suất vay, được giãn nợ tương tự giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 để vượt qua khó khăn.
Hàng loạt khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SMEs). Đơn cử như khó tiếp cận vốn, chi phí đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng cao trong khi sức mua yếu, số lượng đơn hàng liên tiếp giảm.
Gánh nặng lãi suất
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty Cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết: Vấn đề khó khăn nhất đối với các nhà sản xuất, kinh doanh hiện nay là lãi suất quá cao nên không ai dám vay.
“Tôi biết có công ty muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng vừa làm xong phần móng nhà xưởng thì buộc phải dừng lại. Bởi với lượng đơn hàng mới liên tục giảm trong khi lãi suất quá cao thì gồng lãi vay không nổi” - ông Tống kể.
Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM thông tin thêm những ngày gần đây, một số DN chia sẻ rằng lãi suất của hợp đồng vay mới có giảm nhẹ so với trước. Song lãi suất vay của các hợp đồng vay vốn hiện hữu thì chưa nhận được thông báo giảm lãi suất và đang phải chịu mức lãi suất cho vay rất cao, lên đến trên 13%/năm. Chính vì lãi cao nên có công ty phải bán nhà để có tiền chi trả lãi vay ngân hàng, bởi nếu không trả được sẽ khiến khoản vay bị nhảy nhóm nợ. Đây là áp lực và là nỗi lo lớn nhất của DN trong thời điểm này.
“Số lượng đơn hàng mới đã giảm 30%-50% so với đầu năm ngoái, trong khi chi phí đầu vào tăng 10%-20%. Nói chung, dòng tiền của DN giờ đây cạn kiệt nhưng chúng tôi vẫn phải tìm mọi cách để duy trì hoạt động, cố gắng cầm cự” - ông Tống chia sẻ.
Đại diện một số công ty khác cũng cho hay sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, họ không còn tài sản thế chấp nên không thể tiếp cận được các gói tín dụng, đành phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao đến 14%-15%. Lãnh đạo một công ty ngành dệt may chia sẻ: “Dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như gói ưu đãi 2% lãi suất và các ngân hàng cũng tuyên bố tung ra nhiều gói vay ưu đãi nhưng thực tế chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận những gói này. Lý do là các ngân hàng đều đưa ra nhiều điều kiện khắt khe. Vì vậy, để cầm cự trong lúc khó khăn, các DN nhỏ phải xoay xở đủ kiểu”.
Hiện nay, các doanh nghiệp vừa chịu áp lực chi phí đầu vào tăng vừa phải gồng lãi vay ngân hàng ở mức cao. Ảnh: TL
|
“Đúng là ngân hàng có nhiều phương án cho vay nhưng giới thiệu loanh quanh một hồi rồi họ cũng hỏi “tài sản thế chấp của khoản vay là gì?”. Chúng tôi hiểu rằng các ngân hàng muốn đảm bảo an toàn vốn nhưng nếu cứ đưa ra nhiều điều kiện khắt khe thì DN không thể đáp ứng nổi.
Vì vậy, tôi cho rằng để hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ thì cần cơ chế đột phá. Nếu các ngân hàng không thể đột phá về mặt thể chế thì cần kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước để cơ quan này tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ, tìm phương án tháo gỡ các rào cản, làm sao để nới lỏng điều kiện cho vay” - vị đại diện công ty nhấn mạnh.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), cho biết: Ngành ngân hàng luôn khẳng định là có vốn nhưng SMEs rất khó tiếp cận. Điều này đến từ cả hai phía. Về phía DN nhỏ, do kỹ năng quản lý dòng tiền còn hạn chế, thậm chí có đơn vị vay ngắn hạn nhưng lại đầu tư dài hạn, báo cáo tài chính không minh bạch nên ngân hàng sợ rủi ro.
Còn về phía ngân hàng thì có tâm lý ngại cho vay đối với nhóm SMEs vì tốn kém chi phí tài chính, chi phí quản lý, không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị có phương án kinh doanh không khả thi, chỉ ý tưởng thôi thì khó chứng minh tính hiệu quả để ngân hàng phân tích, đánh giá.
Ngân hàng cam kết đồng hành cùng DN
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều ngân hàng khẳng định đang nỗ lực tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay cũng như tối giản quy trình để bảo đảm thời gian tiếp cận nguồn vốn của SMEs nhanh hơn, giản tiện hơn.
Lãnh đạo Ngân hàng VPBank nêu thực tế: Nhiều DN nhỏ than khó tiếp cận vốn vay nhưng thực ra họ không hiểu về quy trình thủ tục và các hồ sơ yêu cầu cho việc cấp vốn. Chẳng hạn, họ nghĩ rằng vay là phải cần tài sản đảm bảo và thời gian vay phải tối thiểu từ một năm, nếu trả trước hạn sẽ phải chịu thêm phí phạt.
“Thực tế chúng tôi cung cấp giải pháp nguồn vốn linh hoạt, có thể cho vay thế chấp hoặc tín chấp và tập trung hỗ trợ SMEs chưa có tài sản thế chấp nhưng có kế hoạch kinh doanh khả thi. Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp đa dạng sản phẩm cho vay theo nhu cầu tài chính và dòng tiền của DN. Ví dụ, khách hàng có thể vay từ một ngày đến 10 năm, chỉ trả lãi trên số ngày vay thực tế” - lãnh đạo Ngân hàng VPBank khẳng định.
Tương tự, ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, khẳng định đơn vị đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho SMEs. Chỉ tính riêng từ đầu năm nay, ngân hàng đã triển khai 16 gói tín dụng với tổng quy mô 700.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay giảm 0,5%-2,5% hỗ trợ khách hàng phục hồi phát triển kinh tế.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu cắt giảm thủ tục, thời gian vay vốn, áp dụng quy trình giải ngân một cửa. Thời gian cấp tín dụng cho SMEs giảm 20%-30%. Đồng thời, chúng tôi tích cực đầu tư công nghệ để tiếp cận nhu cầu vay vốn trực tuyến” - ông Phương nhấn mạnh.
Tại hội nghị bàn các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho SMEs mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói trong thời gian tới các ngân hàng thương mại cần tích cực hơn nữa trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng đặc thù cho SMEs. Ví dụ, các ngân hàng có thể cân nhắc cho phép cho vay thấu chi DN, áp dụng linh hoạt tài sản đảm bảo như cho phép thế chấp các khoản phải thu, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay… để hỗ trợ DN.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục cải tiến quy trình thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất hợp lý, ổn định.
Khó vay vốn từ nguồn chính thống
Hiện nay, số lượng SMEs chiếm tới trên 95% trong tổng số DN tại Việt Nam, đóng góp khoảng 50% GDP, 30% thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), dẫn kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy chỉ 25% SMEs được vay vốn qua ngân hàng và các nguồn chính thống khác; 75% còn lại vẫn phải đi huy động bạn bè, vay mượn phi chính thống.
Từ thực tế trên, bà Thủy cho rằng các ngân hàng xem xét có thể nới lỏng các điều kiện vay vốn đối với SMEs.
|
THÙY LINH
Pháp luật TPHCM
|