Công ty chứng khoán tăng đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi
Các công ty chứng khoán (CTCK) có hoạt động kinh doanh rất nhạy với diễn biến của thị trường chứng khoán. Sự chuyển dịch cơ cấu các tài sản tài chính của CTCK cũng phần nào thể hiện quan điểm của nhóm này về triển vọng thị trường.
Tăng đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi
Sau khi trải qua một năm kinh doanh khó khăn trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm, mặt bằng lãi suất tăng cao, các CTCK đang có dấu hiệu thay đổi chiến lược đầu tư, tăng cường nắm giữ các chứng chỉ tiền gửi (CCTG).
Ngày 07/02 chứng khoán Bảo Việt (BVSC) quyết định đầu tư 500 tỷ đồng vào các CCTG của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB). Sau đó hai ngày, cũng bằng với số tiền trên, BVSC tiếp tục ban hành thêm một quyết định đầu tư khác vào CCTG của MBB. Như vậy, chỉ trong ba ngày BVSC đã có quyết định đầu tư với tổng giá trị 1,000 tỷ đồng vào các CCTG của MBB.
Hai đợt ban hành quyết định đầu tư vào CCTG MBB của BVSC
|
Liên tiếp hai ngày 14 và 15/02, Chứng khoán AIS (DDS) đã phê duyệt đầu tư tổng cộng 1,400 tỷ đồng (tính theo mệnh giá phát hành tối đa) chia đều cho hai đợt vào CCTG của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
Hai đợt ban hành quyết định đầu tư vào CCTG BIDV và VietinBank của Chứng khoán AIS
|
Thực tế, xu hướng tăng đầu tư vào các CCTG đã diễn ra trong năm 2022, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn đều tăng vọt trong giai đoạn cuối năm.
Đơn cử như trường hợp của Chứng khoán SSI (SSI), giá trị các CCTG mà công ty này nắm giữ vào thời điểm cuối năm đã tăng lên 16,434 tỷ đồng, tức hơn gấp đôi so với đầu năm. Theo sau đó là Chứng khoán VNDirect (VND). Tại thời điểm cuối năm, VND có 7,313 tỷ đồng CCTG trong khi đầu năm Công ty không nắm giữ. Mặt khác, VND còn một khoản tiền gửi có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm đạt 5,618 tỷ đồng, tăng 5.7% so với đầu năm.
Trong khi đó, Chứng khoán MB (MBS) tại thời điểm cuối năm nắm giữ 2,611 tỷ đồng CCTG, gấp gần 3 lần đầu năm. Cuối năm, MBS còn ghi nhận thêm khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm là 1,623 tỷ đồng (tăng 2.4%), tiền gửi kỳ hạn trên 1 năm là 595 tỷ đồng (gấp gần 60 lần đầu năm).
Với mức tăng lớn nhất trong số các CTCK đang xét, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nắm 1,969 tỷ đồng CCTG (trong đó các hợp đồng tiền gửi là 200 tỷ), gấp gần 20 lần thời điểm đầu năm. Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) nắm giữ 2,227.8 tỷ đồng giá trị các CCTG ở thời điểm cuối năm, đầu năm không ghi nhận.
Xu hướng này cũng diễn ra ở nhóm các CTCK ngoài top đầu. So với đầu năm, giá trị các chứng chỉ tiền gửi của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã tăng 30%, lên mức 2,792 tỷ đồng. Phần lớn trong mức tăng đó là nhờ vào việc đầu tư thêm 150 tỷ đồng CCTG của VietABank, 205.9 tỷ đồng từ VietinBank và cuối cùng là 506.8 tỷ đồng từ SHB. Không những vậy, Công ty còn đẩy mạnh gửi tiền ở ngân hàng với các khoản ngắn hạn từ 3 tháng đến 1 năm. Giá trị ghi nhận cuối năm là 1,266 tỷ đồng, tăng 57.4% so với đầu năm.
Ở chiều ngược lại, Chứng khoán Mirae Asset không nắm giữ CCTG tại thời điểm cuối năm, nhưng khoản tiền gửi ngắn hạn ngân hàng của Công ty này đã tăng gần 55%, lên mức 1,970 tỷ đồng (đây là các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc từ 6 tháng đến 1 năm, có lãi suất từ 4.5% - 8.7%). Cá biệt, Chứng khoán VPS (VPSS) giảm nắm giữ các CCTG, giá trị ghi nhận thời điểm cuối năm là gần 3,700 tỷ đồng, giảm 41% so với đầu năm. Mặt khác, khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng ở mức 2,310 tỷ đồng ghi nhận đầu năm đã đáo hạn.
Tổng giá trị tiền gửi ngân hàng (mục HTM) và các CCTG của một số CTCK
|
Xu hướng cơ cấu lại danh mục tài sản các CTCK
So với thời điểm đầu năm, tỷ trọng các tài sản tài chính của các CTCK đã có sự thay đổi. Dựa vào sự thay đổi tỷ trọng của cổ phiếu có thể chia thành 3 nhóm. Đây là những tài sản mang lại thu nhập cố định (lãi tiền gửi, trái tức).
Nhóm số một là các CTCK đã giảm đi đáng kể tỷ trọng danh mục các cổ phiếu nắm giữ như SSI, VCBS, Mirae Asset, KIS và VCI. Trong đó, Chứng khoán Bản Việt (VCI) có mức phân bổ tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu lớn nhất so với các tài sản khác của VCI, cũng như so với các công ty khác; chứng khoán KIS hầu như chỉ nắm các cổ phiếu.
Nhóm số hai là các CTCK có tỷ trọng các cổ phiếu ổn định. Nhóm này đặc biệt chú trọng nắm giữ các CCTG với tỷ trọng trên tài sản từ 13% - 45%; tỷ trọng cổ phiếu ở mức rất nhỏ, chỉ từ 0.1% - 2% tổng tài sản.
Cuối cùng là nhóm tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu với TCBS phân bổ nhiều nhất vào các trái phiếu. BVSC chủ yếu nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu, tỷ trọng được phân bổ đều cho hai tài sản này.
Cơ cấu tài sản tài chính trong tổng tài sản của các CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên cả hai sàn
Nguồn: VietstockFinance
(*) Cổ phiếu: bao gồm các chứng chỉ quỹ, cổ phiếu niêm yết và không niêm yết. Trái phiếu bao gồm các trái phiếu niêm yết và không niêm yết. Tiền gửi được ghi nhận trong khoản mục các khoản nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM).
|
Nhìn chung, các CTCK chú trọng vào tăng tỷ trọng các tài sản đem lại nguồn thu nhập cố định (trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi), kết hợp với tình hình thị trường năm 2022 và triển vọng thị trường chưa thật sự khả quan năm 2022 trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lãi suất còn neo cao, có thể các CTCK đang chọn chiến lược né xa các tài sản rủi ro như cổ phiếu và chọn các tài sản an toàn hơn.
Kha Nguyễn
FILI
|