Chúng ta “giải cứu” vì nhau!
Ngay sau hội nghị “lịch sử” 17/02, với tinh thần “không ai giải cứu ai”, song ngay lập tức đã có ít nhất hai hướng giải quyết nhanh, căn bản. Đó là: tăng nguồn tín dụng vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ và tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính đối với các dự án địa ốc có đủ điều kiện để xem xét, không có biểu hiện đầu cơ.
Cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản với số doanh nghiệp phá sản tăng 40%, áp lực đặt cược “con tin” lên sự ổn định của nền kinh tế quốc gia là có thật khi sức chống chịu của nhiều tập đoàn bất động sản đã đến giới hạn cuối cùng, sự tác động tiêu cực lên các ngành tài chính, ngân hàng, thị trường xây dựng - lao động đang kéo theo nhiều hệ lụy.
Do đó, với giải pháp ưu tiên khơi thông dòng vốn thúc đẩy phân khúc nhà ở vừa với túi tiền của đại đa số người dân sẽ là vốn mồi, phá băng thị trường địa ốc, rút ngắn chênh lệch cung cầu nhà ở. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc kích hoạt các nguồn lực, trong đó có tín dụng, xây dựng và thị trường lao động. Cộng với giải pháp tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, tạo sự cân bằng thị trường bất động sản cũng chính là công bằng xã hội, một cách trực tiếp lẫn gián tiếp, nhà nước và nhà đầu tư - doanh nghiệp cùng ngồi lại để “giải cứu” lẫn nhau.
Tại TP.HCM, ngày 19/02, UBND TP đã thông báo 38 dự án bị tắc nghẽn pháp lý sẽ được thành phố ưu tiên tập trung xử lý dứt điểm. Dự án nào vượt thẩm quyền của thành phố sẽ xin ý kiến trung ương. Một ngày sau, 20/02, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã làm việc trực tiếp với chủ đầu tư của 7 dự án đang bị vướng mắc nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng. Tiếp sau đó, tính từ 28/02 đến trước ngày 05/03, các sở ngành chức năng sẽ phải trình lên UBND TP bảng phân công trách nhiệm chủ trì thụ lý, biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại 116 dự án bất động sản theo đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP (HoREA). Kể cả các biện pháp nhằm giải quyết những vướng mắc về nhà ở xã hội, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện quy trình thủ tục dự án để thu hút nguồn lực đầu tư, tạo quỹ nhà, đáp ứng về nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó là Chính phủ hạ quyết tâm thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt tỷ lệ lên tới 95%, tinh thần này được quán triệt thành nhiệm vụ trọng tâm của năm đến tất cả bộ ngành và các địa phương. Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, nó vừa dẫn dắt nguồn vốn, nên cũng vừa kích hoạt và thu hút mọi nguồn vốn trong xã hội. Tăng đầu tư công là kéo theo tiêu dùng tăng, thị trường hoạt động, doanh nghiệp phát triển. Do đó, đặt trong cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt hiện nay, trước tình hình “đóng băng” của thị trường bất động sản, sự trồi sụt của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và sức tiêu dùng đang suy giảm thì giải ngân đầu tư công là một giải pháp toàn diện, căn cơ.
Trong danh mục đầu tư công, các công trình thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị là một nhánh lớn, nó thu hút một nguồn vốn khổng lồ, tác động đến nhiều ngành; và nhất là lực lượng lao động đông đảo. Vấn đề là làm thế nào tháo bỏ cho bằng được các rào cản của nhiệm vụ giải ngân đầu tư công vốn đã bất khả khi từ nhiều năm qua, từ lập dự án, thủ tục thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng cho đến giá nguyên vật liệu xây dựng cứ theo đà tăng.
Rõ ràng, để đảm bảo đúng tiến độ, đúng quy trình, quy định pháp lý, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định. Cần chủ động phối hợp các đơn vị để “dọn đường” cho doanh nghiệp, đó là cách “trải thảm” thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất của nhà nước với nhà đầu tư.
Một vấn đề nữa cũng liên quan đến nhiệm vụ tập trung “mở đường” thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian chờ đợi, kéo dài, phức tạp các thủ tục; triệt tiêu các khoản phí phi chính thức, phí bôi trơn trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư; đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch với việc công khai bảng thuế sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư trước những rủi ro pháp lý do chính sự chồng chéo, mâu thuẫn từ luật xuống nghị định, hướng dẫn… Và đó chính là mục tiêu của cải cách hành chính, dù kêu gọi và hạ quyết tâm từ nhiều năm nhưng cho đến nay, riêng tại TP.HCM - thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… vẫn chậm được cải thiện. Để đến mức, tại cuộc gặp cộng đồng doanh nghiệp vào tháng Hai vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã phải đề xuất ngược với các doanh nghiệp: cá nhân, tổ chức nào gây khó dễ, hãy gọi trực tiếp cho tôi.
Sự quyết liệt từ lời nói đến hành động của Bí thư Nguyễn Văn Nên là đã rõ. Nhưng đằng sau đó, nó cũng nói lên thực tế vẫn đang tồn tại một số cá nhân, bộ phận của đơn vị chức năng còn gây khó dễ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nếu không quyết tâm chấn chỉnh, dẹp bỏ vấn nạn này thì mọi mục tiêu và nỗ lực hành động của các cấp lãnh đạo thay vì tạo lực đẩy lại bị chính các “lực cản” tiêu cực, xấu xí này ngăn chặn, gây hại cho cả phía nhà nước, nhà đầu tư.
Quốc Học
FILI
|