Chủ tịch Quốc hội: Cần giải trình thuyết phục đối với góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận đối với các ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trái với chủ trương, đường lối của Đảng, trái Hiến pháp thì không tiếp thu nhưng cần giải trình thuyết phục
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký văn bản thông báo Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
|
Trước đó, chiều 9-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ TN-MT về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Trên cơ sở báo cáo của Bộ TN-MT và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ý kiến của đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đại biểu dự họp, Chủ tịch Quốc hội kết luận công tác lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ đã được thực hiện nghiêm túc và nhận được sự hưởng ứng tích cực, rộng khắp của các giai tầng xã hội và các giới đối với dự án luật này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật kết thúc vào ngày 15-3-2023, đề nghị các cơ quan, tổ chức cần tiếp tục nỗ lực, khẩn trương, xem đây là nhiệm vụ chung, đặc biệt quan trọng, cần có sự phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tốt nhất việc lấy ý kiến nhân dân. Kết quả lấy ý kiến nhân dân cần khẩn trương gửi về Chính phủ (qua Bộ TN-MT) để tổng hợp, đồng thời gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) để theo dõi, giám sát.
Chú trọng chất lượng báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân. Việc tổng hợp phải toàn diện, đầy đủ khách quan, trung thực, tôn trọng mọi ý kiến góp ý, không để xảy ra tình trạng có ý kiến không được tổng hợp, giải trình, tiếp thu đầy đủ.
Báo cáo cần nêu bật các vấn đề lớn, trọng tâm, trong đó tập trung vào một số nội dung có nhiều ý kiến góp ý như: Nguyên tắc áp dụng pháp luật; quyền và trách nhiệm của nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu về đất đai và quản lý nhà nước về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; tài chính về đất đai và giá đất; tính tương thích, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai; việc giao Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản trong dự thảo luật…
Đánh giá xu hướng ý kiến, các kiến nghị đề xuất nhằm lựa chọn một số vấn đề quan trọng nhất còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ trong dự án luật để tiếp tục tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến tọa đàm sâu hơn, kỹ hơn và đề xuất phương án tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, cần nêu rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn; ưu, nhược điểm của các phương án, cân nhắc lựa chọn phương án hợp lý nhất.
Tổng hợp riêng những vấn đề góp ý mà hiện chưa được quy định trong dự thảo luật; đối với các ý kiến trái với chủ trương, đường lối của Đảng, trái Hiến pháp thì không tiếp thu nhưng cần giải trình thuyết phục; đối với những ý kiến đúng đắn, cần thiết nhưng chưa có kết luận của Trung ương thì có thể nghiên cứu, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công. Trong đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách lưu ý khẩn trương nghiên cứu kỹ vấn đề tài chính đất đai, giá đất và đề xuất phương án cụ thể, Ủy ban Pháp luật chú ý rà soát, tham mưu hoàn thiện các luật có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật Đất đai với hệ thống pháp luật.
Trường hợp cần thiết, Tổng Thư ký Quốc hội bố trí một phiên họp riêng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong tháng 4-2023, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023).
T.Dũng
Người lao động
|