Chủ tịch Lê Hải Liễu (GDT): "Khi khủng hoảng qua đi, ai sẵn sàng sẽ chiến thắng"
Sáng 25/03, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Gỗ Đức Thành (HOSE: GDT) đã diễn ra với nội dung xoay quanh kế hoạch kinh doanh và phương án chào bán riêng lẻ cho các nhà cung cấp, đối tác của Công ty.
ĐHĐCĐ thường niên của GDT diễn ra vào sáng ngày 25/03/2022. Ảnh: VH.
|
Nhìn lại, Chủ tịch Lê Hải Liễu nhận định 2022 là năm “không giống bất kỳ năm nào”, với đại dịch COVID-19 làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng và chiến tranh Nga-Ukraine khiến giá cả leo thang. Ngoài ra, lạm phát tăng cao ở châu Âu và Mỹ làm giảm sức mua của thị trường, nhất là từ cuối quý 3 và đầu quý 4.
Chống chọi và thích ứng
Nếu chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh tăng trưởng của năm 2022, nhà đầu tư khó mà biết được những khó khăn mà GDT đã trải qua.
Bà Liễu chia sẻ: "Từ cuối năm 2021, đơn hàng đến dồn dập đến nỗi khiến GDT khủng hoảng. Làm sao sản xuất lượng hàng lớn mà vẫn giao hàng đúng hẹn là một bài toán rất khó tại thời điểm đó. Đây cũng là một trong những lý do mà chúng tôi đầu tư mua nhà máy Đức Tâm ở Đồng Nai".
Tuy nhiên, đến khoảng giữa năm 2022, cuộc chiến Nga-Ukraine đã đẩy thế giới đi theo hướng khác và gây tác động mạnh tới các doanh nghiệp xuất khẩu như GDT.
"GDT đang trong trạng thái đơn hàng quá nhiều và phải chuẩn bị nhân sự, máy móc để đáp ứng, thì đến tháng 6, tháng 7 phải ngưng đột ngột. Lúc đó gần như im ắng vì ai cũng không dám đặt hàng. Tất cả đã đi ngược lại với sự chuẩn bị và dự báo của GDT", bà Liễu chia sẻ.
Những tháng sau đó, khó khăn ngày càng chồng chất với GDT khi nhân sự nhiều, nguyên vật liệu nhiều, đối tác nhiều, nhưng lại không có đơn hàng.
"Do đó, chúng tôi quyết định thu dọn từ từ. Tuy nhiên, GDT không sa thải, không giảm lương mà chỉ giảm giờ làm việc. Chúng tôi đưa ra các biện pháp như sản xuất dần, dự trữ, chọn mua những nguyên liệu phù hợp và mở rộng thị trường nội địa", bà Liễu cho biết.
Trong bối cảnh như thế, GDT dù không đạt kế hoạch đề ra, nhưng vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số. Năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 400 tỷ đồng và lãi ròng hơn 69 tỷ đồng, tăng 18% và 13.7% so với cùng kỳ.
"Mặc dù GDT chỉ đạt 80% kế hoạch doanh thu, nhưng vẫn rất đáng trân trọng. Đến thời điểm này, chúng tôi tự tin đã thích ứng được với bối cảnh hiện nay", nữ Chủ tịch nhận định.
Chủ tịch Lê Hải Liễu phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên của GDT diễn ra vào sáng ngày 25/03/2022. Ảnh: VH
|
Luôn luôn sẵn sàng khi khủng hoảng qua đi
Nhìn về phía trước, nữ Chủ tịch nhận thấy "vẫn chưa có nhiều tia sáng". Tuy nhiên, là một người từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng trong hơn 30 năm qua, bà Liễu biết rằng bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng sẽ có điểm dừng và việc của GDT là chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm thị trường khởi sắc trở lại.
"Sau khủng hoảng, các doanh nghiệp rất 'khát' hàng hóa vì trong lúc khủng hoảng, họ không dám mua. Vậy khi khủng hoảng qua đi, ai sẵn sàng sẽ thắng lớn", bà Liễu cho biết.
Theo bà, GDT đã chuẩn bị 3 yếu tố then chốt để cho thời điểm khủng hoảng qua đi: Nguyên vật liệu, nhân sự và mặt bằng nhà máy.
Về nhà máy, công ty đã tích cực mở rộng trong năm 2022, với việc mua lại nhà máy của công ty chế biến gỗ xuất khẩu Đức Tâm (hiện có tên là nhà máy 5) và mở rộng nhà máy 2, nhà máy 3.
Bà ước chừng nếu tất cả nhà máy của GDT hoạt động 100% công suất trong trạng thái bình thường, doanh thu của GDT có thể lên tới 700-750 tỷ đồng.
Mục tiêu tăng trưởng doanh thu 30% nằm trong tầm với
Cho năm 2023, GDT đặt ra kế hoạch kinh doanh tích cực, với doanh thu 520 tỷ đồng và lãi sau thuế 83 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 30% và 20% so với năm 2022. Trong đó, 81% doanh thu dự kiến đến từ xuất khẩu.
Đánh giá về kế hoạch năm 2023, Chủ tịch Liễu cho rằng doanh thu 520 tỷ đồng không quá thấp cũng không quá cao.
"Thoạt nhìn, mức tăng trưởng 30% có vẻ cao nhưng thực tế là do so với mức nền thấp của năm trước và vẫn chưa phản ánh đúng thực lực của GDT", bà Liễu chia sẻ. "Mục tiêu đặt ra phải không quá thấp để cán bộ công nhân viên tiếp tục nỗ lực cố gắng, nhưng cũng không quá cao. Mức 520 tỷ đồng nằm trong tầm với của GDT".
Đến nay, GDT đã có đơn hàng tới tháng 5/2023, nhưng bà đánh giá "tình hình vẫn chưa lạc quan, khách hàng vẫn đang rất dè dặt, họ đặt với thời gian giao hàng rất xa". Hiện GDT có nhiều chính sách giảm giá, chia sẻ với khách hàng để kích thích đặt hàng, với mục tiêu kiếm việc làm cho người lao động.
Mở rộng mặt hàng và củng cố thương hiệu
Nhà máy của Đức Tâm chuyên sản xuất bàn ghế, giường tủ và có diện tích 12,000 m2.
Theo kế hoạch, nhà máy mới sẽ chiếm 15-20% doanh thu GDT trong năm 2023, dự kiến có doanh thu 100 tỷ đồng.
|
Sau khi mua lại nhà máy của Đức Tâm trong năm 2022, GDT đặt ra chiến lược phát triển mặt hàng nội thất cho thị trường nội địa và xuất khẩu, bên cạnh các sản phẩm chủ lực như gia dụng, nhà bếp, đồ chơi.
Về thị trường xuất khẩu, Công ty sẽ chuyển hướng sang thị trường gần hơn với Việt Nam thay vì trông đợi vào Mỹ và châu Âu. Mục tiêu là để củng cố cho thương hiệu của GDT
Nữ Chủ tịch lý giải: "Nếu chọn xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ, sản phẩm sẽ không mang thương hiệu của GDT".
Thay vào đó, GDT tìm tới các thị trường gần gũi hơn như Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Indonesia với mong muốn được xuất khẩu hàng hoá dưới thương hiệu của Gỗ Đức Thành.
"Trong các quốc gia này, có một số nước có nền kinh tế kém hơn Việt Nam như Lào, Malaysia. Sản phẩm của GDT khi xuất khẩu sang các nước này sẽ trở thành hàng cao cấp, cũng giống như trường hợp hàng Thái Lan khi nhập về Việt Nam", bà cho biết.
"Thay vì chăm sóc cho các khách hàng ở châu Âu và Mỹ, tại sao chúng ta không chăm sóc khách hàng ở những quốc gia gần Việt Nam và coi hàng của chúng ta là hàng cao cấp. Một khách hàng ở Malaysia đã chấp nhận bán hàng dưới thương hiệu của Gỗ Đức Thành".
Trong năm 2022, GDT xuất khẩu 74% tới khu vực châu Á (chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản), trong khi châu Âu chiếm 22%, châu Mỹ 3% và châu Úc 1%.
Phát hành cổ phiếu riêng lẻ giá 20,000 đồng/cp cho đối tác và nhà cung cấp
Một nội dung cũng đáng chú ý tại cuộc họp lần này là phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho 65 nhà cung cấp và đối tác của GDT. Công ty dự kiến phát hành hơn 1 triệu cp với giá 20,000 đồng/cp.
Trên thực tế, đây là đề xuất của Chủ tịch Liễu từ ĐHĐCĐ thường niên 2021 và phải dời tới nay do vướng nhiều thủ tục, quy định. Bà Liễu cho biết đây là hướng đi gắn kết lợi ích của nhà cung cấp, đối tác với lợi ích của Công ty.
“Khi họ cũng là chủ của GDT thì đồng tiền bỏ bên túi của họ hay túi của GDT sẽ vẫn là tiền của họ… Họ cũng là chủ GDT nên sẽ hưởng được lợi nhuận tại GDT, không bao giờ rời bỏ và luôn ưu tiên cho GDT”, nữ Chủ tịch cho biết tại thời điểm đó.
Lượng cổ phiếu phát hành ưu đãi này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 trong năm, thay vì 5 năm như đề xuất trước đây.
Với lượng vốn thu về, GDT dự tính chi 16 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu như gỗ, vecni, keo, vật liêu đóng gói, còn 5.3 tỷ đồng để mua vật liệu và công cụ khác.
Phó Chủ tịch Nhựa Bình Minh vào HĐQT
Tại cuộc họp lần này, ĐHĐCĐ thông qua việc bầu bổ sung ông Nguyễn Hoàng Ngân làm Thành viên HĐQT độc lập thay cho ông Trần Xuân Nam vừa từ nhiệm vào ngày 24/11/2022. Được biết, ông Ngân đang là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP).
HĐQT GDT chào đón ông Nguyễn Hoàng Ngân - Phó Chủ tịch Nhựa Bình Minh (đứng thứ 4 từ trái qua).
|
Chủ tịch Liễu cho biết: "Những kinh nghiệm và kiến thức của ông Ngân ở thị trường nội địa sẽ hỗ trợ rất nhiều cho GDT".
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận 2023, Công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 30%.
Vũ Hạo
FILI
|