ADS: Lãi ròng tăng 10% sau kiểm toán, muốn huy động 150 tỷ từ chào bán cổ phiếu riêng lẻ
Theo BCTC hợp nhất năm 2022 sau kiểm toán, CTCP Damsan (HOSE: ADS) có hơn 67 tỷ đồng lãi ròng, tăng thêm gần 6 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, tương đương tăng 10%.
Nguyên nhân có sự chênh lệch do phát sinh hơn 1.1 tỷ đồng lãi trong công ty liên doanh liên kết và tiết giảm hơn 4% chi phí tài chính sau kiểm toán, dù doanh thu hoạt động tài chính giảm gần 3% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 1% so với trước kiểm toán.
So với năm 2021, lãi trước thuế 2022 sau kiểm toán của ADS giảm hơn 24%, còn hơn 86 tỷ đồng. Nguyên nhân do thị trường sản xuất sợi năm qua gặp nhiều khó khăn, giá nguyên vật liệu cao dẫn đến giá vốn hàng hóa tăng và lãi gộp giảm. Lãi ròng sau kiểm toán giảm gần 21%.
Năm 2022, ADS đặt mục tiêu doanh thu 2,223 tỷ đồng và lãi trước thuế 121 tỷ đồng - mức lãi cao nhất trong lịch sử niêm yết của Công ty. Với kết quả trên, Công ty mới thực hiện 71% kế hoạch lợi nhuận năm.
Kế hoạch lãi trước thuế 2023 hơn 110 tỷ đồng
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa công bố, ADS lên kế hoạch doanh thu thuần đạt hơn 2,984 tỷ đồng, lãi trước thuế hơn 110 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 76% và gần 28% so với thực hiện năm 2022. Kế hoạch này vẫn được giữ nguyên so với Nghị quyết HĐQT ngày 27/02.
Năm 2023, ADS cho biết sẽ tập trung khai thác đầu tư hoàn thiện các nhà máy sợi. Hoàn thành đưa vào vận hành nhà máy Sợi An Ninh vào đầu tháng 4/2023 (nâng công suất từ 7,200 tấn/năm lên 14,000 tấn/năm)
Bên cạnh đó, Công ty sẽ khai thác và triển khai sản xuất các sản phẩm dệt may hoàn tất: khăn và chăn ga, nâng công suất của khăn lên 3,000 tấn/năm; phát triển xây dựng sản phẩm chăn ga giai đoạn 2023-2025 vào thị trường Nhật Bản và châu Âu.
Việc triển khai sản xuất sẽ được thông qua các công ty thành viên, gồm CTCP Sợi EIFFEL, CTCP Đầu tư An Ninh Thái Bình, Viện Dệt may... theo định hướng các công ty này là công ty thành viên hoặc công ty con của ADS.
Mục tiêu từ năm 2023, năng lực sản xuất và xuất khẩu của Công ty có thể đạt 100 triệu USD/năm, và tăng trưởng 20-30% giai đoạn 2023-2025.
Ở lĩnh vực kinh doanh nhà ở xã hội, tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng tòa nhà ở xã hội tại Khu đô thị Phú Xuân. Hiện tại, Công ty hoàn thiện hồ sơ, dự kiến triển khai xây dựng trong quý 4/2023. Dự kiến từ 2023-2025 hoàn thiện đồng thời mở rộng triển khai nhà ở xã hội tại các tỉnh lân cận là Nam Định và Hưng Yên.
Với bất động sản (BĐS) công nghiệp, sẽ phát triển quỹ đất công nghiệp từ 50 ha lên 200 ha trong giai đoạn 2023-2024 và nâng lên 600 ha giai đoạn 2025. Phấn đấu là nhà cung cấp BĐS công nghiệp lớn tại tỉnh Thái Bình.
Tại lĩnh vực năng lực tái tạo, ADS sẽ đầu tư nghiên cứu mở rộng lĩnh vực năng lượng tái tạo thông qua CTCP Tập đoàn năng lượng xanh AD tại Cụm công nghiệp An Ninh với định hướng là sản phẩm chủ lực giai đoạn 2023-2025 của Công ty, xuất khẩu vào thị trường Mỹ và châu Âu với doanh số từ 150-300 triệu USD/năm với sản phẩm chủ yếu là tấm pin năng lượng và các sản phẩm hoàn tất năng lượng mặt trời.
Thêm vào đó, đầu tư Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời AD Green, tháng 4 đi vào lắp máy. Ngoài ra, Công ty sẽ nghiên cứu sản phẩm thuộc lĩnh vực điện tử ưu tiên sử dụng năng lượng sạch.
Dự kiến phát hành 15 triệu cp riêng lẻ và hơn 7.6 triệu cp trả cổ tức 2022
Tính đến ngày 31/12/2022, ADS có tổng tài sản khá lớn (gần 2,182 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm) nhưng vốn điều lệ Công ty còn rất khiêm tốn (gần 438 tỷ đồng).
Song song đó, Công ty còn vừa đầu tư sản xuất kinh doanh ngành dệt may vừa đầu tư mở rộng, trong đó bất động sản cần vốn rất lớn. Hiện nay, dư nợ vay ngân hàng của ADS khá cao, gấp 2 lần vốn hiện có.
Do đó, Công ty dự trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp để bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính thực hiện kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, ADS sẽ chào bán 15 triệu cp riêng lẻ với giá 10,000 đồng/cp, thấp hơn 19% so với thị giá phiên 31/03 (12,400 đồng/cp), cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với số lượng không vượt quá 100 nhà đầu tư.
Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Ủy quyền HĐQT lựa chọn thời gian thích hợp để thực hiện sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 150 tỷ đồng, Công ty sẽ dùng 80 tỷ đồng để mua 8 triệu cp CTCP sợi EIFFEL, với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu lên 22 triệu cp, chiếm 80% vốn. Phương án bổ sung tăng tỷ lệ sở hữu vốn tại CTCP sợi EIFEL cũng là nội dung sẽ được ADS trình cổ đông thông qua tại Đại hội tới.
Số tiền còn lại 70 tỷ đồng, ADS dự kiến mua lại cổ phần của các cổ đông hiện hữu CTCP Tập đoàn năng lượng xanh AD.
Về phương án phân phối lợi nhuận, ADS sẽ trình cổ đông thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 15% (sở hữu 100 cp được nhận 15 cp mới), tương ứng hơn 7.6 triệu cp sẽ được phân phối tới cổ đông.
Nguồn vốn sử dụng từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 trên BCTC năm 2022 đã được kiểm toán của Công ty. Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2023, trước hoặc cùng đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Sang năm 2023, ADS tiếp tục giữ tỷ lệ cổ tức 15%, nhưng không nêu rõ trả bằng tiền mặt hay cổ phiếu.
Ngoài ra, Công ty còn có tờ trình cổ đông về việc bổ sung 2 ngành nghề đăng ký kinh doanh, gồm sản xuất linh kiện điện tử và sản xuất thiết bị điện chiếu sáng.
Thế Mạnh
FILI
|