VNZ: Bất ngờ và triển vọng?
Theo Tech in Asia, quyết định lên sàn tại thị trường Việt Nam của CTCP VNG (UPCoM: VNZ) là một điều bất ngờ. Bởi lẽ từ lâu, doanh nghiệp được ví như “Tencent của Việt Nam” đã có thông tin muốn niêm yết trên thị trường Mỹ.
“Nhưng 2022 không phải là thời điểm ổn đối với các công ty công nghệ, nhất là với cái tên ít tiếng tăm từ Việt Nam. Chẳng hạn, giá cổ phiếu của Sea Group – doanh nghiệp cùng ngành nhưng lớn hơn VNZ – tại Mỹ đã giảm tới 80% chỉ riêng trong năm 2022”, Alec Tseung, đối tác của tập đoàn nghiên cứu thị trường tại Đông Nam Á KT Capital Group, nhận xét.
Bên cạnh đó, Tseung cho rằng việc VNZ chờ đợi và làm quen với chuyện công bố thông tin minh bạch thông qua UPCoM – sàn giao dịch dành cho những doanh nghiệp chưa niêm yết trên HNX, là điều hợp lý. Tuy nhiên sau khi lên sàn vào ngày 05/01/2023, chỉ có một vài giao dịch diễn ra vào đầu tháng 2, qua đó đẩy giá cổ phiếu VNZ lên cao ngất ngưởng. Phiên ngày 07/02, thị giá của VNZ đang là 587,500 đồng/cp, gấp 2.4 lần so với giá tham chiếu khi mới lên sàn.
Đã xuất hiện một số tin đồn về việc VNZ đang sử dụng thị trường nội địa làm bàn đạp cho kế hoạch IPO tại Mỹ vẫn đang ấp ủ. Công ty từ chối bình luận về vấn đề này.
“Là một công ty đại chúng, theo quy định, VNZ phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM hoặc một sàn giao dịch khác tại Việt Nam", Tech in Asia dẫn lời người phát ngôn tại VNZ.
Thành công trên thị trường quốc tế không hề dễ dàng
Giống như Sea Group, nền tảng của VNZ vẫn là trò chơi trực tuyến (game online) – thứ đóng góp 70 - 80% doanh thu cho Công ty. Tại Việt Nam, VNZ đã vận hành và phân phối trò chơi từ nhiều studio khác nhau, cũng như tạo ra những tựa game tên tuổi của riêng mình.
Năm 2021, doanh thu mảng game của VNZ tăng 29% so với cùng kỳ. Tuy nhiên trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu mảng này giảm 12.7%, một kết quả không mấy ngạc nhiên xét trong bối cảnh dịch bệnh đã lùi dần về phía sau.
Ngay cả Sea Group cũng chứng kiến sự sụt giảm tương tự ở Garena – Công ty giải trí điện tử của doanh nghiệp này. Báo cáo từ Sea cho thấy các mảng doanh thu hàng đầu từ Garena sẽ tăng trưởng chậm hơn nữa, do những khó khăn tác động đến số lượng người dùng, độ gắn bó và khả năng kiếm tiền từ các tựa game hàng đầu.
Cũng cần biết rằng, VNZ không có tựa game nào có thể đạt được quy mô như các game top đầu của Sea. Dẫu vậy, Công ty vẫn có nỗ lực đưa một số cái tên ra thị trường quốc tế, và hiện đang phát triển ZingPlay Studio sau khi đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài từ năm 2021.
Trên thực tế, việc thành công trên thị trường quốc tế không hề dễ dàng. Những tập đoàn nổi tiếng mảng game như Tencent và Activision Blizzard Inc. đã phải đổ hàng tỷ USD vào marketing và phát triển game hòng có được vị thế của mình. Các ứng dụng như Facebook, Instagram hay Twitter, YouTube cũng đã thống trị thị trường và khiến nó trở nên chật chội, để TikTok trở thành trường hợp hiếm hoi từ châu Á có thể bứt phá ra quốc tế.
“Vinagame đáng lẽ phải thu hút nhiều nhà đầu tư hơn vì sự tương đồng với Tencent - từ mảng kinh doanh trò chơi trực tuyến, ứng dụng nhắn tin, fintech cho đến thương mại điện tử", ông Tseung nhận định. Tuy nhiên theo ông Tseung, Vinagame thiếu đi một số lợi thế khi so với gã khổng lồ công nghệ từ Trung Quốc. “Thị trường nội địa của Tencent đơn giản là rộng lớn hơn".
Châu An (Theo Tech in Asia)
FILI
|