Thứ Tư, 15/02/2023 20:15

Việt Nam cần khoảng 600 tỷ USD để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon

Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như đã đề ra, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn trong phê duyệt các dự án lớn, dự án hỗ trợ cho hoạt động tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu của các nền kinh tế

Biến đổi khí hậu đang là thách thức đối với thế giới và trong đó có Việt Nam. Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như đã đề ra, Việt Nam phải cần đến một khoản đầu tư lên tới 600 tỷ USD.

Nội dung trên được ông Kazuo Kusakabe, Trưởng đại diện của Toshiba châu Á-Thái Bình Dương, văn phòng Hà Nội, chia sẻ tại Diễn đàn Nghiên cứu chính sách Việt Nam-Nhật Bản, ngày 15/2.

Diễn đàn này nằm trong chuỗi sự kiện thường niên và chủ đề năm nay là “Thúc đẩy hợp tác Nhật Bản-Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh sau dịch bệnh COVID-19,” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Trường Chính sách công, Đại học Tokyo tổ chức.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Theo đó, ông Kazuo Kusakabe cho rằng từ nay đến năm 2050 cũng không còn nhiều thời gian nữa, vì vậy để hướng tới nền kinh tế xanh đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn trong phê duyệt các dự án lớn, dự án hỗ trợ cho hoạt động tăng trưởng xanh.

Tại diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chỉ ra trong những năm qua, thế giới đã phải đối mặt với những thách thức lớn, nghiêm trọng về môi trường, biến đổi khí hậu. Bối cảnh dịch bệnh COVID-19 càng khiến các nền kinh tế trên thế giới chung nhận thức về việc phải hành động nhanh và quyết liệt hơn nhằm bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Là một nền kinh tế đang phát triển và có độ mở cao, Việt Nam cũng hứng chịu không ít tác động trực tiếp và gián tiếp từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội song Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

“Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa, và công nghiệp hóa, trong khi còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống sang cách tiếp cận đa chiều, hiện đại, kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước,” bà Minh nói.

Về phía Nhật Bản, ông Kazuo Kusakabe cho hay để hóa giải những thách thức biến đổi khí hậu, thời gian qua, Việt Nam Nhật Bản đã có những chương trình hợp tác trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Hơn thế nữa, hai quốc gia đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng trong hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng bền vững, phát triển nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, cho rằng Nhật Bản và Việt Nam còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, cụ thể trên một số lĩnh vực chính như thiết bị điện và điện tử, kiến trúc bằng gỗ, điện gió, điện sinh khối, chia sẻ điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, canh tác hữu cơ...

“Nhật Bản và Việt Nam có thể cân nhắc một số định hướng thúc đẩy hợp tác, thứ nhất là nâng cao năng lực thể chế, quy định, chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh. Thứ hai là phát triển cơ sở hạ tầng bền vững ở Việt Nam, thứ ba là hợp tác thúc đẩy chuỗi giá trị ít carbon/ít phát thải. Thứ tư là hợp tác, thúc đẩy xây dựng các điều ước quốc tế, quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến tăng trưởng xanh,” ông Dương đề xuất./.

Hạnh Nguyễn

Vietnam+

Các tin tức khác

>   CTS dự báo lãi suất huy động có xu hướng giảm dần về cuối năm 2023 (15/02/2023)

>   Chương trình phục hồi kinh tế chậm do các đề xuất của một số bộ, ngành không sát thực tiễn (13/02/2023)

>   Tới năm 2030, đưa quy mô GRDP Đồng bằng sông Hồng tăng 3 lần (12/02/2023)

>   Thủ tướng: Đồng bằng sông Hồng phải dẫn dắt cơ cấu lại nền kinh tế (12/02/2023)

>   Doanh nghiệp Singapore: Việt Nam là ngôi sao đang lên (10/02/2023)

>   Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM đã được trình lên Chính phủ (09/02/2023)

>   Việt Nam trước những thay đổi sản xuất  (09/02/2023)

>   Thu nhập người Hà Nội đạt hơn 36.000 USD vào năm 2045 (08/02/2023)

>   Vực dậy tinh thần doanh nghiệp (08/02/2023)

>   Fed tăng lãi suất lần thứ 8: Không đáng lo ngại với kinh tế Việt Nam (07/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật