Sản xuất và tiêu thụ ôtô trong nước đang chững lại
Doanh số ôtô sản xuất trong nước sụt giảm mạnh trong tháng đầu năm cho thấy thị trường dần trầm lắng. Chuyên gia đề xuất nên có chính sách hỗ trợ kích cầu ngành công nghiệp ôtô.
Sau khi trải qua 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam lại đang dần rơi vào khó khăn do thị trường trầm lắng. Từ quý IV/2022 đến nay, doanh số tiêu thụ ôtô, đặc biệt là ôtô sản xuất lắp ráp trong nước đang sụt giảm mạnh. Điều này gây lo lắng cho nhiều nhà sản xuất và lắp ráo ôtô trong nước.
Hiện tại, ngành công nghiệp ôtô đang đóng góp khoảng 3% vào GDP, theo số liệu của Bộ Công Thương. Theo các chuyên gia, vào giai đoạn hiện tại, nên có những chính sách ưu đãi thuế phí từ Chính phủ, như đã thực hiện trong dịch Covid-19 để giúp thị trường sôi động hơn.
Tiêu thụ xe nội đìu hiu
Chị Phương Thảo, nhân viên kinh doanh một đại lý xe tại Yên Nghĩa, Hà Đông, chia sẻ doanh số xe tại showroom của mình đang ảm đạm chưa từng có. Hiện tại, số lượng xe tồn kho tăng mạnh, thậm chí có những mẫu xe nhập về từ cuối 2022 nhưng vẫn chưa thể bán hết. Nguyên nhân chủ yếu do sức mua yếu, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến nhiều người cân nhắc khi mua xe.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận hành của doanh nghiệp. Thậm chí trong những tháng cao điểm mua sắm sát Tết Quý Mão, doanh số cũng không thể bằng các năm trước.
Thị trường ôtô lắp ráp trong nước vẫn chứng kiến doanh số ảm đạm. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng tháng 1 của xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 8.086 xe, giảm 54% so với tháng 12/2022.
Với riêng các thành viên VAMA, doanh số bán hàng tháng 1/2023 được công bố là 13.998 xe, giảm 53% so với doanh số bán tháng 1/2022 và giảm 54% so với doanh số bán tháng 12/2022. Các thành viên ngoài VAMA cũng ghi nhận tình trạng bán hàng không khả quan trong tháng đầu năm.
TC Motor, Thaco, Toyota là những nhà sản xuất có sản lượng xe CKD lớn và chiếm phần lớn thị phần trên thị trường. Thế nhưng, TC Motor - nhà sản xuất và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam - chỉ bán được 3.496 xe Hyundai trong tháng 1, bằng 1/3 so với doanh số 9.545 xe bán trong tháng 12/2022.
Mặc dù nhiều hãng ôtô có cho rằng việc nghỉ Tết Nguyên đán dài trong tháng đầu năm đã khiến sức mua suy giảm trên mọi phân khúc và hy vọng giai đoạn tới sẽ có sự khởi sắc của thị trường. Tuy nhiên, xu hướng doanh số giảm liên tiếp các tháng gần đây khiến các doanh nghiệp ngày càng lo lắng.
Cụ thể, vào tháng 11/2022, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 36.371 xe, giảm 0,5% so với tháng 10/2022 và giảm 6% so với tháng 11/2021.
Tiếp tục sang tháng 12/2022, doanh số bán ôtô toàn thị trường chỉ đạt 35.301 xe, tiếp tục giảm 3% so với tháng 11 trước đó và giảm 24% so với tháng 12/2021. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 17.666 xe, giảm 6% so với tháng 11/2022.
Nhìn tổng quát, sản lượng tiêu thụ ôtô bắt đầu suy giảm đột ngột từ quý IV/2022, bất chấp sự cải thiện đáng kể về nguồn cung linh kiện cũng như tăng trưởng kinh tế vĩ mô được ghi nhận kết quả tích cực.
Nút thắt nào cần tháo gỡ?
Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô. Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%.
Ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước đang vừa phải cạnh tranh với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc, vừa cố gắng duy trì sản xuất. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ôtô đang không mặn mà sản xuất trong nước, thiên về nhập khẩu nguyên chiếc. Riêng trong tháng đầu năm nay, cả nước đã nhập khẩu 14.457 ôtô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 314,5 triệu USD, tăng mạnh 219% về số lượng và tăng 149% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia, với tình hình khó khăn hiện tại, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vốn đã khó khăn, nay lại càng gặp khó khăn hơn. Sau gần 30 năm phát triển, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam gặp nhiều khó khăn với mục tiêu cả về tham gia chuỗi cung ứng thị trường thế giới cũng như việc tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trong nước. Thực tế, có nhiều rào cản khiến ôtô "Made in Vietnam" khó có thể cạnh tranh với ôtô nhập khẩu như mức giá, chính sách thuế phí, công nghiệp hỗ trợ...
Theo VAMA, một chiếc ôtô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có đến 80% loại phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước chủ yếu vẫn là chi tiết cồng kềnh, giản đơn... Việc cạnh tranh khó khăn trong nước khiến các doanh nghiệp lại càng không mặn mà việc đầu tư để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Doanh số bán xe nhập khẩu tăng mạnh trong khi ôtô lắp ráp trong nước chững lại. Ảnh: Việt Linh.
|
Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội cơ khí Việt Nam, kinh tế thế giới và Việt Nam đang có những khó khăn nhất định. Bên cạnh việc khắc phục hậu quả của dịch bệnh, kinh tế Việt Nam còn phải ứng phó với những tác động tiêu cực khác, xuất phát từ khủng hoảng kinh tế và xung đột địa chính trị toàn cầu.
Dự báo trong năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp, sẽ là không đủ để tạo ra sự ổn định và sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững.
Việt Nam có khoảng hơn 350 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ôtô, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn, khó có điều kiện đầu tư cho công nghệ và việc liên kết giữa các doanh nghiệp này khá yếu... Khi thị trường gặp khó khăn, rất cần các biện pháp hỗ trợ mạnh hơn từ Chính phủ.
Ông Long đề xuất cần có biện pháp hỗ trợ kích cầu áp dụng riêng với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước. Điều này vừa tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất trong nước, vừa giúp đỡ các doanh nghiệp trong thời gian khó khăn hiện tại, giải quyết được nhiều bài toán về an sinh xã hội. Về lâu dài, việc này sẽ hỗ trợ cho việc phát triển công nghiệp ôtô ở Việt Nam.
Thanh Thương
ZING
|