Thứ Hai, 13/02/2023 13:00

Những cổ phiếu đối diện án hủy niêm yết trong năm nay

Dù hoạt động kinh tế đã khôi phục dần trong năm 2022, các yếu tố bất ngờ xuất hiện trong bối cảnh biến động của vĩ mô quốc tế đã khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, không thể hoàn thành kế hoạch thoát lỗ. Một số doanh nghiệp bị đẩy tới trước bờ vực bị hủy niêm yết bắt buộc.

Theo quy định ở Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu của một công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết trong trường hợp “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.

Theo dữ liệu của VietstockFinance (tới ngày 06/02), có 10 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết. Trong đó, 9 doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp (1 doanh nghiệp còn ghi nhận lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, 1 doanh nghiệp khác âm vốn chủ sở hữu cả ngàn tỷ đồng); doanh nghiệp còn lại có số lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.

Trong danh sách này chắc chắn phải kể đến Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HOSE: HVN). HVN báo lỗ năm 2022 hơn 10.4 ngàn tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, số lỗ lũy kế của HVN lên tới hơn 34 ngàn tỷ, trong khi vốn chủ sở hữu âm hơn 10 ngàn tỷ đồng.

Theo Báo cáo phân tích của SSI Research, HVN đã vận chuyển 16 triệu lượt khách trong năm, chỉ thấp hơn một chút so với 18 triệu lượt khách năm 2019. Nhờ đó mà HVN đã có được doanh thu hơn gấp đôi năm 2021, ở mức gần 19.5 ngàn tỷ đồng, sau khi Việt Nam chính thức mở cửa được 9 tháng. Tuy nhiên HVN vẫn phải báo lỗ do máy bay vận hành dưới công suất, chi phí nhiên liệu cao. Bên cạnh đó là chi phí tài chính bao gồm lãi suất và các chi phí liên quan đến tỷ giá cao. Mặt khác, các chuyến bay quốc tế trong tổng số điểm đến tương đối thấp.

Theo SSI Research, nếu bị hủy niêm yết, cổ phiếu HVN vẫn giao dịch tại UPCoM nhưng có thể sẽ phải mất nhiều năm để được giao dịch trở lại trên HOSE, ước tính khoảng 10 năm dựa trên lợi nhuận 2019.

Còn theo BCTC hợp nhất quý 4/2022, CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (HOSE: SII) báo lỗ ròng 88.9 tỷ đồng. Doanh thu Công ty trong năm có tăng đáng kể (gần 11%, lên mức 224.8 tỷ đồng) nhưng không đủ bù đắp cho phần chi phí. Chi phí lãi vay và khấu hao tài sản cố định chiếm phần lớn, dù đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, chi phí nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao cộng với việc Công ty phải giảm giá cho một số khách hàng thuộc đối tượng do COVID-19 theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước.

SII cũng cho biết thêm, khoản thu nhập tài chính từ thoái vốn được kỳ vọng sẽ giúp Công ty giảm và thoát khỏi thua lỗ vì điều kiện khách quan của thị trường cũng chưa thể thực hiện.

Một cái tên khác trong danh sách là CTCP Năng lượng và Bất động sản MCG (HOSE: MCG). Theo thời gian, khoản lỗ của MCG đang ngày càng phình to. Năm 2022, Công ty lỗ gần 84.5 tỷ đồng. Theo giải trình trong BCTC các kỳ, nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ của Công ty chủ yếu do trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi lớn. Tính đến cuối 2022, khoản mục này ở mức hơn 95.1 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC Công ty

Mặt khác, nửa cuối năm 2022, máy phát điện của công ty liên kết là CTCP Đầu tư Thủy điện An Pha bị hỏng nên doanh thu phát điện giảm, không đủ bù chi phí và bị lỗ, dẫn đến phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính trong kỳ lớn.

Sau 3 năm dịch COVID-19, doanh thu vận tải phục hồi đã giúp CTCP Hoàng Hà (HNX: HHG) giảm lỗ. Năm 2022, HHG báo lỗ gần 57.7 tỷ đồng. Các năm trước (2020 - 2021) HHG lỗ lần lượt là 66 tỷ đồng và 69 tỷ đồng.

Cũng nằm trong danh sách có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc, CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (HNX: KVC) đã nỗ lực trong việc giảm lỗ suốt năm 2022 song vẫn còn lỗ 12 tỷ đồng. Mức lỗ này nhỏ hơn so với năm 2021.

Các tác động vĩ mô như  suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao,  chiến sự trên thế giới và mức tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho giá cao, giá cả vật tư thu mua biến động thất thường, giá bán không đủ bù đắp giá vốn là những khó khăn trong hoạt động kinh doanh năm 2022 của Công ty.

Có 4 cổ phiếu đang trong diện bị kiểm soát cũng đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết: CTCP Du lịch Dịch vụ Hội An (HOSE: HOT) là cổ phiếu thuộc ngành du lịch - một trong những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề vì dịch bệnh đến nay vẫn chưa có kết quả khởi sắc. Lũy kế 3 năm từ 2020 - 2022, Công ty lỗ gần 65.2 tỷ đồng.

Dù doanh thu thuần của CTCP Cơ khí Lắp máy Lilama (HNX: L35) thoát được xu hướng giảm 6 năm liên tiếp từ năm 2016, Công ty vẫn chịu lỗ 9 tỷ đồng trong năm 2022.

Trong khi đó, CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (HOSE: UDC) và CTCP Lilama 7 (HNX: LM7) ghi nhận các khoản lỗ tăng liên tiếp trong 3 năm gần nhất. Lỗ lũy kế UDCLM7 đến hết năm 2022 lần lượt ở mức gần 71.6 tỷ đồng và 41.2 tỷ đồng. Chưa kể, khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của LM7 tại thời điểm cuối năm là âm 55.7 tỷ đồng, vượt phần vốn góp của chủ sở hữu là 50 tỷ đồng.

Một cổ phiếu khác cũng có khoản lỗ lũy kế vượt quá phần vốn góp chủ sở hữu ghi nhận tại thời điểm cuối năm là CTCP VKC Holdings (HNX: VKC). Tại thời điểm cuối năm, khoản lỗ lũy kế là 215.2 tỷ đồng, vượt qua phần vốn góp chủ sở hữu ghi nhận tại thời điểm cuối năm là 200 tỷ đồng. Năm vừa qua cũng là lần đầu tiên kể từ khi niêm yết VKC báo lỗ ròng cao kỷ lục: 237.7 tỷ đồng.

Lợi nhuận ròng VKC từ năm 2007

VKC phải đối diện với áp lực chi phí lãi vay tăng cao do phát sinh lãi vay trái phiếu và lãi ngắn hạn ngân hàng. Trong BCTC quý 4/2022, chi phí lãi vay cả năm của VKC là hơn 41.5 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 31/12/2022, VKC đang nợ các tổ chức tín dụng và trái chủ 354.5 tỷ đồng.

Trong năm, VKC đã phải công bố mất khả năng thanh toán đối với các chủ nợ. Ngày 09/09/2022, Công ty đến hạn thanh toán lãi của lô trái phiếu VKCH2123001 (phát hành ngày 09/12/2021 trị giá khoảng 200 tỷ đồng), nhưng đến thời gian thanh toán lãi, VKC cho biết vẫn chưa thu xếp được tài chính và thông báo tạm hoãn thanh toán lãi cho trái chủ.

Đến cuối năm 2022, HĐQT Công ty đã thông qua nghị quyết về việc dừng góp vốn vào nhiều công ty và giải thể nhiều chi nhánh.

Như vậy, sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 mà các doanh nghiệp nêu trên vẫn cho kết quả thua lỗ như báo cáo tự lập, những đơn vị này sẽ buộc phải hủy niêm yết theo quy định.

Kha Nguyễn

FILI

Các tin tức khác

>   VKC: Thông báo Công ty cổ phần VKC Holdings có khả năng bị hủy niêm yết (10/02/2023)

>   LM7: Thông báo Công ty cổ phần Lilama 7 có khả năng bị hủy niêm yết (10/02/2023)

>   L35: Thông báo Công ty cổ phần Cơ khí Lắp máy Lilama có khả năng bị hủy niêm yết (10/02/2023)

>   KVC: Thông báo Công ty cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ có khả năng bị hủy niêm yết (10/02/2023)

>   MSN12002: Thông báo trái phiếu MSN12002 có khả năng bị hủy bỏ niêm yết (10/02/2023)

>   HDA: Ngày 21/02/2023, ngày giao dịch đầu tiên 4,599,967 cổ phiếu niêm yết bổ sung (10/02/2023)

>   CMBB2212: Quyết định hủy niêm yết chứng quyền có bảo đảm (10/02/2023)

>   CSTB2222: Quyết định hủy niêm yết chứng quyền có bảo đảm (10/02/2023)

>   CPDR2206: Quyết định hủy niêm yết chứng quyền có bảo đảm (10/02/2023)

>   CSTB2223: Quyết định hủy niêm yết chứng quyền có bảo đảm (10/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật