Nhịp đập Thị trường 02/02: Large Cap khiến VN-Index giật quanh tham chiếu, sàn HOSE đầy sắc đỏ
Phiên chiều tiếp tục giằng co, chỉ số VN-Index dao động quanh tham chiếu, lên xuống 3-4 nhịp, đổi màu mấy lần trong biên độ hẹp, cuối cùng dù đóng cửa tăng nhưng mức tăng chưa đến 2 điểm.
Sàn HOSE có đến gần 2/3 số cổ phiếu giảm giá vào cuối ngày, nhiều gần gấp 3 lần số tăng giá, chủ yếu là Mid và Small Cap. Nếu nhìn ở góc độ nhóm ngành, thì hầu hết các nhóm lớn là tiêu cực, trừ ngân hàng là còn cân bằng. Sắc đỏ cũng hiện diện ở đa số các nhóm nhỏ hơn, kể cả những nhóm mới cách đây vài phiên còn bừng sáng như đầu tư công, than đá…
Tương quan tăng – giảm giá nhóm Large Cap trên sàn HOSE khá cân bằng, có lẽ đó là lý do khiến chỉ số VN-Index dao động trong phiên và đóng cửa sát tham chiếu. Tuy nhiên cũng có 1 số thay đổi đáng chú ý, ví dụ như sự rớt giá của VHM, HDB hay VJC, hoặc tăng giá bất ngờ ngay phút ATC của MWG hay OCB. Ở vài trường hợp khác, có thể nhận thấy NVL hay KBC giảm giá sâu hơn so với cuối phiên sáng, nhưng VRE lại là điểm sáng trong nhóm này.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giữ thăng bằng cho chỉ số VN-Index trong phiên chiều, tuy nhiên BĐS (nhà ở lẫn khu CN) lại tạo thêm áp lực lên chỉ số, với hàng loạt tên tuổi có mức giảm mạnh hơn so với cuối phiên sáng, ví dụ như DIG, DXG, HDG, NVL, PDR, QCG, SCR, SJS, KBC… Mở rộng thêm 2 sàn còn lại, thì có thêm những trường hợp giảm giá sâu như NTC, SIP, VRG…
Khối ngoại vẫn mua ròng, nhiều hơn hôm qua, tập trung vào HPG, STB, VND, SSI, HDB… và chứng chỉ FUEVFVND. Tuy nhiên, họ cũng bán ròng khá nhiều ở VHM và KBC, thậm chí cả ở NVL.
Chỉ số HNX-Index gần như là quấn lấy đường tham chiếu trong phiên chiều, dù có nhiều điểm đồng dạng, hoặc nói cách khác, là chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến của VN-Index. Thậm chí có thể dễ thấy đa số thời gian phiên chiều, HNX-Index mang sắc đỏ. Điều này có lẽ cũng hợp lý, bởi xét về quy mô vốn hóa, sàn HNX chủ yếu Mid và Small Cap, ngay cả những mã được gọi là Large Cap sàn này, thì đa phần cũng chỉ tương đương Mid Cap của sàn HOSE. Không có nhiều tên tuổi gây chú ý trong phiên chiều, ngoại trừ IDC, PVS, SHS hay PVI, mã này giảm sâu tới hơn 3%.
Tương tự, chỉ số chính sàn UPCoM cũng quấn đường tham chiếu, thậm chí còn không bứt được trong 15 phút cuối cùng, khi HOSE đã đóng cửa. Hàng loạt Large Cap sàn này tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó nổi bật có BSR, MCH, MSR, OIL, QNS, SIP, TVN, VGI, VTP… trong số này, MCH có lẽ trường hợp gây bất ngờ khi ban sáng còn gánh vị thế tích cực.
HPG được khối ngoại đẩy mạnh mua vào trong phiên chiều, có lẽ vì thế mà giữ được sắc xanh. Đồng dạng được mua ròng nhiều, nhưng HSG thì không, mã này sáng còn tăng, đến cuối phiên chiều đã giảm 1%. Trong nhóm ngành sắt thép, đa số cổ phiếu khác đều giảm giá, nhiều mã còn giảm mạnh hơn so với lúc trưa, ví dụ như POM, SMC, TDS, TVN, VGS… hay cả NKG, mã này giảm tới 4.7%.
MWG là 1 trong những Large Cap gây bất ngờ khi tăng giá tới gần 6% khi đóng cửa, nói cách khác mức tăng này được lập vào đợt ATC mà thôi. Có lẽ cũng vì bất ngờ như thế, mà những tên tuổi khác cùng lĩnh vực kinh doanh hàng công nghệ như FRT, DGW, PSD không phản ứng theo kịp.
Bảo hiểm là số ít nhóm ngành giữ được sắc xanh trên diện rộng suốt từ phiên sáng cho đến cuối phiên chiều, dù mức tăng không thực sự nổi bật. Ở nhóm này, ngoại trừ ABI hay PVI gây bất ngờ khi giảm hơn 3%, thì có nhiều tên tuổi khác tăng giá từ 1-3% như AIC, BIC, BMI, PRE, VNR.. thậm chí BLI tăng hơn 5%.
Phiên sáng: Cổ phiếu ngân hàng hồi phục, VN-Index tăng trở lại
Nhịp rơi của VN-Index không kéo dài lâu, chỉ số này được kéo tăng ngay trở lại sau đó, và duy trì mức tăng cho đến phút cuối phiên sáng nay, dù mức tăng cũng không hề lớn. Nhóm cổ phiếu Large Cap trên sàn HOSE cũng hồi phục nhẹ, nhất là các mã ngân hàng, qua đó giúp đẩy chỉ số tăng, nhưng mà tổng thể, sàn HOSE vẫn có quá nửa số cổ phiếu giảm giá, hiện diện chủ yếu ở các mã vốn hóa nhỏ và vừa.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE có diễn biến hồi phục nhẹ trong nửa cuối phiên sáng nay, qua đó góp phần kéo chỉ số VN-Index. VCB có lúc tăng tới hơn 2%, trước khi lùi 1 chút và tăng 1.1% vào cuối phiên. 2 ông lớn khác BID và CTG vẫn giữ được sắc xanh suốt phiên sáng. VPB tưởng rơi vào giữa phiên, nhưng đến cuối đã tăng trở lại gần 1%. Tương tự có thêm ACB, STB hay VIB, tuy nhiên vẫn có những đại gia khác kiên quyết giảm giá như EIB, HDB, MBB hay khi chìm khi nổi như TCB. Tổng thể 3 sàn, nhóm ngân hàng vẫn có quá nửa số cổ phiếu giảm giá, do có thêm đóng góp từ bên sàn UPCoM.
Chỉ số HNX-Index dĩ nhiên chịu ảnh hưởng từ HOSE, nhưng đến cuối phiên sáng thì chỉ tăng rất nhẹ, trong bối cảnh nhiều mã vừa và nhỏ vẫn giảm khá sâu. Nhóm Large Cap sàn HNX đang nghiêng 1 chút về hướng tích cực, với khá nhiều mã tăng giá nhẹ, trong đó nổi lên có THD, MBS hay NVB.
Diễn biến của chỉ số chính sàn UPCoM cũng hồi trở lại, nhưng trên nhóm Large Cap sàn này vẫn la liệt mã giảm giá, trong đó giảm sâu có BSR, KLB, MSR, OIL, SIP, TVN, VGI… hay VTP. Tất cả cổ phiếu ngân hàng trên sàn này đều giảm giá. Kỳ lân VNZ vẫn giữ nguyên mức tăng 15% nhờ 1 deal duy nhất lúc 9h42, cho nên không tác động gì lên chỉ số trong nửa sau của phiên sáng.
Bất chấp thông tin mới nhất từ OPEC, và diễn biến khá tích cực của giá dầu thế giới, cổ phiếu dầu khí nhà PVN sáng nay giao dịch khá mờ nhạt và chìm trong sắc đỏ, trừ số ít mã tăng như GAS, PVS hay 2 đại gia phân bón DPM và DCM. OIL, BSR là 2 ông lớn thường xuyên giảm giá trên 3%. PVD dù được cho là sẽ hưởng lợi khi giá cho thuê giàn đang tăng cao, và khối ngoại mua ròng, nhưng sáng nay loanh quanh miết gần tham chiếu.
Bộ ba cổ phiếu nhà Vin tăng giá không kéo được nhóm BĐS. Kể từ giữa phiên sáng, đa số tên tuổi nhóm này đều giảm hàng loạt, với mức giảm bình quân gần 2%, trong đó có những cái tên nổi bật như DXG, CRE, NLG… và cả NVL, mã này đang giảm 1.4% dù đầu phiên còn tăng khá tốt. Thông tin về đề xuất đánh thuế cao cho các dự án có giá bán cao có lẽ đang ảnh hưởng lên giá cổ phiếu nhóm này.
10h30: Chực chờ rơi
VN-Index và nhiều cổ phiếu lớn trên sàn HOSE dao động co giật ngay bên trên đường tham chiếu trong nửa đầu phiên sáng nay, và đến lúc này đã có vẻ như bắt đầu muốn chọc thủng xuống dưới.
Ảnh hưởng tâm lý của phiên chiều qua dường như đang tiếp tục tác động lên thị trường lúc này. Sàn HOSE đang có khoảng gần 3 phần tư số cổ phiếu giảm giá (trên tổng số gần 350 mã đang có khớp lệnh) so với chỉ khoảng 15% tăng giá. Gần như tất cả các nhóm ngành lớn trên sàn HOSE đang lan sắc đỏ. Bộ ba cổ phiếu nhà Vin cộng với vài đại gia khác như SAB, HPG, VCB hay MSN đang đỡ chỉ số, nhưng ngược lại có hơn 20 mã vốn hóa tỷ đô khác đang chực rơi.
Sau 10h vài phút lẻ, chỉ số HNX-Index đã chạm về đường tham chiếu, và đến giữa phiên sáng thì đã giảm chừng 0,3%. Tuy vậy, nhiều Large Cap sàn HNX giảm giá không sâu như KSF, IDC, VCS, SHS, NTP, BAB… thậm chí có 1 số mã tăng sớm như CEO, THD hay MBS.
Chỉ số UPCoM-Index có diễn biến sáng hơn 2 chỉ số niêm yết, nhưng cũng chịu cảnh lùi về tham chiếu vào giữa phiên sáng nay. Đại gia “kỳ lân” VNZ có phiên thứ hai khớp lệnh, dù cũng chỉ đạt 1 lô để tăng giá 15%. Ngược lại, đa số Large Cap khác sàn này thì đang giảm giá, trong đó giảm sâu sắc nhất có SIP, BSR, TVN, VGI hay VTP.
Nhóm ngân hàng đang có quá nửa số cổ phiếu nhuốm sắc đỏ, tuy nhiên VCB, BID, CTG vẫn tăng giá, có lẽ nhờ thông tin được cho là từ dự thảo mới đây của NHNN, đại ý rằng các ngân hàng nào “gánh” ngân hàng xấu, sẽ được nới room ngoại lên 49%. Trong số các ngân hàng tư nhân, có thêm STB, TPB, VPB… tăng giá. Ngược lại đa số mã nhỏ và vừa khác đang giảm giá từ 1% trở lên, bao gồm cả các ông lớn ACB, TCB, MSB, VIB…
VHM tăng giá nhẹ khoảng 400 đồng, nhưng mức tăng yếu hơn hẳn so với đầu phiên. Nhóm BĐS nhà ở khác đang chìm sâu thêm vào sắc đỏ lúc 10h30, kể cả NVL, PDR. Ngoài yếu tố tâm lý chung, nhóm này có lẽ còn đang gánh thêm sức nặng từ thông tin, rằng Bộ Tài chính muốn đánh thuế cao với căn hộ trên 50 triệu đồng/m2. NVL đầu phiên còn tăng, hiện giảm gần 2%. Giảm sâu hơn nữa có DXG, QCG, CRE…
Nhóm BĐS khu công nghiệp cũng có nhiều mã giảm giá khá sâu như KBC, ITA, SIP, SZC…
2 đại gia sắt thép là HPG và HSG đang tăng giá trên 1% có lẽ nhờ lực đỡ từ khối ngoại, tuy nhiên NKG và nhiều cổ phiếu khác trong nhóm ngành này thì không được như vậy, và đang giảm từ 1% trở lên, cá biệt TDS giảm gần 14%.
VHC giảm giá chưa đến 1%, nhưng nhiều cổ phiếu khác ngành thủy sản thì đang giảm 2-3% hoặc hơn, có lẽ do thông tin thống kê không mấy tích cực từ VASEP, rằng xuất khẩu thủy sản tháng 1/2023 đã tụt giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mở cửa tăng thăm dò
VN-Index mở cửa tăng nhẹ trở lại chừng 5 điểm, một phần nào đó có lẽ là nhờ tin tích cực từ Fed, phần khác là thăm dò sau cú rớt thảm chiều qua.
Sàn HOSE sáng sớm nay chỉ có chưa đến 300 cổ phiếu có khớp lệnh, tuy nhiên hơn nửa trong đó tăng giá. Nhóm Large Cap sàn này tăng bình quân khiêm tốn chừng 1%, trong đó nổi bật có NVL, MSN hay HPG. Đa số các nhóm ngành lớn cũng phủ nhiều sắc xanh, nhưng còn khá nhạt (cổ phiếu tăng giá rất nhẹ), thậm chí vẫn có 1 số nhóm có khả năng đổi màu, ví dụ như BĐS, bán lẻ, chứng khoán, xây dựng… hay cả ngân hàng.
Diễn biến sàn chứng khoán Mỹ đêm qua đã đảo chiều, tăng nhẹ trở lại khi Fed ra tin chỉ tăng lãi suất có 25 điểm cơ bản, đây có thể là 1 yếu tố tích cực cho sàn chứng Việt sáng nay, tuy nhiên tin này có lẽ lại không phải là yếu tố then chốt, bởi nhiều khả năng thị trường đổ nhào chiều qua là vì yếu tố khác. Cho nên phiên sáng nay có lẽ “gánh vác” trách nhiệm thăm dò khả năng hồi phục.
Nhiều Large Cap sàn HNX sớm tăng giá trước khi HOSE mở cửa, với mức tăng đa số trong phạm vi 1-2%. Tuy nhiên khi HOSE khớp lệnh ATO, ở nhóm Large Cap sàn HNX cũng xuất hiện vài mã đỏ như IDC, KSF, SHS, CS…
Dù chỉ số UPCoM-Index cũng khoác áo xanh giống HNX-Index trước khi HOSE mở cửa, tuy nhiên rất nhiều Large Cap sàn UPCoM lại đỏ, ví dụ như tại BSR, OIL, TVN, VGI, VTP, SIP, MSR…
Diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng đang mang tính dẫn dắt thị trường mấy phiên gần đây, kể cả chiều qua, bất chấp nhóm này ra tin tốt về BCTC Q4/2022 lẫn tin từ NHNN. Tại thời điểm khớp ATO, nhóm này đa số tăng giá nhẹ trên dưới 1%, nổi bật chỉ có VPB hay LPB.
NVL mở cửa tăng 2.1%, tiếp nối đà tăng hôm qua, thậm chí trong tuần cổ phiếu này chưa hề có phiên nào đóng cửa giảm giá. Tương tự, PDR cũng tăng giá ngay từ sớm, dù mức tăng nhẹ hơn nhiều. Nhóm BĐS, nhất là những tên tuổi lớn trên sàn HOSE, đa phần tăng giá, nhưng chỉ sau 1-2 phút là có thể quan sát thấy bên cung lệnh vào nhiều, nguy cơ quay lại tham chiếu, hay thậm chí đổi màu là khá cao.
Hoàng Nam
FILI
|