Nhiều ngành xuất khẩu chục tỉ USD thiếu đơn hàng
Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của VN với kim ngạch hàng chục tỉ USD mỗi năm như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản… đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng.
Dệt may, da giày hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động
Công ty TNHH PouYuen VN (thuộc Tập đoàn quốc tế Pouchen Đài Loan) nằm trên địa bàn Q.Bình Tân là doanh nghiệp (DN) có nhiều lao động nhất TP.HCM, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giày. Mới đây, DN có 50.563 lao động thông báo với cơ quan chức năng TP sẽ cắt giảm 3.000 lao động trong tháng 2.2023, đồng thời không ký lại hợp đồng lao động với 3.000 người có hợp đồng lao động từ 1 - 3 năm. Hồi tháng 11.2022, công ty này đã phải sắp xếp cho gần 20.000 công nhân nghỉ luân phiên do tình hình đơn đặt hàng khó khăn.
Theo Hiệp hội Da giày VN (Lefaso) từ quý 4/2022, ngành này đã phải chịu tác động rất lớn từ thị trường thế giới. Lạm phát tăng làm sức mua giảm ở hầu khắp các thị trường, đặc biệt là các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản… Những yếu tố này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của VN. Đến thời điểm này tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Bên cạnh đó, nhiều DN đặc biệt là các DN nhỏ còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khác như thiếu nguyên liệu sản xuất, chi phí sản xuất tăng… dẫn đến phải từng bước thu hẹp sản xuất.
Những ngành xuất khẩu chủ lực của VN vẫn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngọc Thắng
|
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho biết: "Đến thời điểm này tình hình xuất khẩu vẫn hết sức khó khăn, các thị trường quan trọng như: EU, Mỹ, Nhật đơn hàng đều sụt giảm từ 40 - 60% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài nhu cầu giảm, chúng ta còn phải cạnh tranh rất quyết liệt với hàng hóa từ Bangladesh và Ấn Độ".
"Chúng tôi tăng cường mở rộng thị trường khác như Canada, Úc và nội địa nhờ vậy mà hiện tại cũng chỉ duy trì hoạt động khoảng 80% công suất. Ngoài khó khăn về thị trường thì việc tiếp cận nguồn vốn cũng khó khăn và lãi suất cao. Thị trường sẽ khó khăn kéo dài đến hết quý 2 và khả năng vào quý 3 mới hồi phục vì các nhà nhập khẩu chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm mới", ông Việt nói.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May Thêu Đan TP.HCM, so sánh thời điểm này năm ngoái và các năm trước nhiều DN phải tăng ca thêm 10 - 15% năng lực sản xuất mới kịp tiến độ giao hàng cho các đối tác. Trong khi hiện nay nhiều công ty phải sản xuất cầm chừng, công suất giảm 30 - 40% so với năm trước. Nguyên nhân là cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều gặp khó khăn và đến nay gần hết quý 1 vẫn chưa có dấu hiệu tích cực nào.
Ông Hồng nói từ cuối năm ngoái các DN cũng nỗ lực tìm kiếm thị trường mới như các nước Trung Đông hay chuyển hướng sang các lĩnh vực ngách như sản phẩm quần áo bảo hộ lao động… nhưng đến giờ này đó vẫn chưa phải là giải pháp khả thi. Thị trường nội địa cũng rất khó khăn vì thu nhập của người lao động thấp, nhiều người hạn chế mua sắm nhất là khi đã qua mùa cao điểm tết. "Giờ các DN cũng phải nỗ lực hết sức để cầm cự chờ sang quý 2 với hy vọng kinh tế thế giới có triển vọng tươi sáng hơn", ông Hồng dự báo.
Gỗ, thủy sản vẫn chưa khởi sắc
Đối với ngành gỗ, ông Trần Hoài Hữu, Giám đốc công ty Gia Nhiên ở TP.HCM, thừa nhận: Năm ngoái, sau khi dịch bệnh kết thúc DN đã đối mặt với nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm khoảng 50%. Nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình càng khó khăn hơn và đơn hàng tiếp tục giảm thêm 1/3 so với năm ngoái, thời gian giao hàng cũng kéo dài hơn so với trước. Để thích ứng với tình hình mới công ty phải tái cơ cấu lại hoạt động và cắt giảm những khâu trung gian không cần thiết, cố gắng tìm kiếm thị trường đơn hàng mới.
Ông Lê Thanh Chiến, Phó trưởng cơ quan đại diện phía nam của Bộ NN-PTNT, lý giải do tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn khiến đơn hàng ngành gỗ liên tục sụt giảm. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành nghề, riêng gỗ giảm đến 30% so với cùng kỳ năm 2022. Để khắc phục tình trạng này, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tạo đầu ra cho sản phẩm.
Trong năm 2022, xuất khẩu dệt may đạt 44 tỉ USD, da giày và túi xách đạt 27 tỉ USD, gỗ đạt gần 17 tỉ USD và thủy sản đạt 11 tỉ USD. Cả 4 ngành này đang đối mặt với thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động để cầm cự.
Ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh - chuyên tổ chức các hoạt động hội chợ đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu, đặt vấn đề trong khi xuất khẩu khó khăn, nhiều người nghĩ đến việc quay trở về thị trường nội địa nhưng vấn đề là năng lực sản xuất của ngành gỗ VN đã vượt xa nhu cầu nội địa. Chưa kể thị trường nội địa sức mua cũng giảm và có đối tượng DN riêng đang phục vụ. "Đối với thị trường truyền thống, chúng ta vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ; thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc nhưng kim ngạch vẫn còn quá nhỏ chưa tới 30% so với doanh thu từ thị trường Mỹ", vị này nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm thương mại thông qua các hoạt động hội chợ đồ gỗ, mỹ nghệ, ông Hùng khuyên các DN có thể chuyển hướng sang các thị trường Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ. Bởi Trung Đông là thị trường giàu có và ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy thoái kinh tế, trong khi châu Phi, Nam Mỹ là thị trường có nhiều nước phát triển cao và rất tiềm năng. "Vấn đề của các DN VN trước nay vẫn là làm theo thói quen, chưa có sự đổi mới sáng tạo để phục vụ riêng cho nhu cầu thị hiếu của từng thị trường riêng biệt", ông Hùng dẫn chứng.
Khó khăn cũng bủa vây thủy sản, ngành vừa đạt mốc kỷ lục 11 tỉ USD trong năm 2022. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết thị trường quan trọng nhất là Mỹ thời gian qua sụt giảm mạnh do tồn kho cao. Để giải phóng hàng tồn, các nhà bán lẻ của nước này đang lên kế hoạch giảm giá lớn. Dự báo phải đến tháng 5 tình hình nhập khẩu mới trở lại bình thường. Trong khi đó, các thị trường quan trọng khác cũng chưa có tín hiệu khả quan.
Chí Nhân
Thanh niên
|