Nghịch lý giữa bão sa thải
Các gã khổng lồ công nghệ sa thải hàng trăm nghìn nhân viên sau khi tuyển dụng ồ ạt thời đại dịch. Nhưng thị trường lao động nói chung vẫn đang thiếu cung.
Chỉ riêng trong tháng 1, các công ty có trụ sở ở Mỹ cắt giảm gần 103.000 việc làm. Ảnh: Bloomberg.
|
Theo CNBC, bão sa thải đang lan rộng tại các công ty lớn nhất nước Mỹ. Nhưng một số doanh nghiệp vẫn đang chật vật để thuê nhân viên.
Những gã khổng lồ công nghệ như Meta, Amazon và Microsoft đã sa thải hàng loạt trong vài tuần qua. Theo dữ liệu của Challenger, Gray & Christmas, chỉ riêng trong tháng 1, các công ty có trụ sở ở Mỹ cắt giảm gần 103.000 việc làm.
Nhưng số việc làm nói chung vẫn gia tăng 517.000 vị trí trong tháng trước, gần gấp 3 dự báo của giới quan sát. Điều này cho thấy thị trường lao động vẫn thiếu cung, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Hệ lụy kỳ lạ từ đại dịch
Ông David Kelly - chiến lược gia trưởng toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management - mô tả đó là "hệ lụy kỳ lạ" của đại dịch Covid.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, tiền lương trong ngành giải trí và khách sạn đã từ 19,42 USD/giờ cách đây một năm lên 20,78 USD/giờ trong tháng 1.
Boeing đang lên kế hoạch tuyển thêm 10.000 người trong năm nay, chủ yếu là các vị trí trong mảng sản xuất và kỹ thuật. Tuy nhiên, 2.000 việc làm ở một số bộ phận như nhân sự và tài chính sẽ bị cắt giảm.
Ngành hàng không đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Ảnh: Reuters.
|
Việc tuyển dụng thêm hàng nghìn nhân viên giúp gã khổng lồ hàng không tăng sản lượng máy bay, nhằm đáp ứng số đơn đặt hàng tăng vọt từ các hãng hàng không như United và Air India.
Hàng trăm nghìn phi công, tiếp viên hàng không đã bị sa thải trong thời kỳ dịch Covid-19. Nhưng hiện tại, ngành này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng.
Các quốc gia trên khắp thế giới đã mở cửa trở lại và gỡ bỏ những hạn chế chống dịch. Ngành công nghiệp du lịch bật dậy mạnh mẽ và dẫn tới một cuộc khủng hoảng việc làm chưa từng có. Nhiều người lao động không muốn trở lại ngành công nghiệp du lịch nhiều biến động.
Cung lao động vẫn chưa theo kịp cầu
Chuỗi thức ăn nhanh Chipotle cũng có kế hoạch thuê thêm 15.000 nhân viên để chuẩn bị cho mùa xuân với nhu cầu cao hơn.
Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với những thách thức trong việc thu hút và giữ chân người lao động trong vài năm qua. Còn các lĩnh vực như hàng không và nhà hàng chật vật xây dựng lại lực lượng lao động sau khi sa thải nhân viên vào thời kỳ đại dịch.
Chẳng hạn, chuỗi siêu thị Walmart cho biết sẽ tăng mức lương tối thiểu cho nhân viên cửa hàng lên 14 USD/giờ để thu hút và giữ chân người lao động.
The Miner’s Hotel cũng tăng lương cho nhân viên buồng phòng lên 12,5 USD/giờ, tăng 1,5 USD/giờ trong vòng 6 tuần qua.
Sân bay quốc tế Phoenix Sky Harbor cũng tổ chức các hội thảo việc làm hàng tháng. Sân bay này còn cung cấp một số học bổng về chăm sóc trẻ em cho nhân viên nhằm hỗ trợ tuyển dụng.
Sân bay quốc tế Austin-Bergstrom cũng đưa ra một số biện pháp như thưởng 1.000 USD cho người giới thiệu ứng viên, thưởng tiền đối với ứng viên ngay sau khi ký kết hợp đồng.
Ông Kevin Russell - Phó giám đốc phụ trách nhân tài của sân bay - cho biết tỷ lệ giữ chân nhân sự đã được cải thiện. Nhưng rất khó để giữ chân các vị trí như thợ điện, thợ ống nước và kỹ thuật viên điều hòa nhiệt độ. Bởi họ có thể làm việc tự do và được trả lương cao hơn.
Tuy nhiên, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, còn lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt, người tiêu dùng có thể giảm chi tiêu và kìm hãm nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực đang phát triển mạnh.
"Khi bị sa thải, chúng ta không chỉ mất đi một công việc, mà tác động còn tăng theo cấp số nhân", CNBC dẫn lời bà Aneta Markowska, nhà kinh tế trưởng tại Jefferies, nhận định.
Như vậy, với các đợt sa thải hàng loạt ở những công ty công nghệ, các hộ gia đình có thể giảm chi tiêu cho những dịch vụ và hàng hóa khác.
Thảo My
Zing.vn
|