Thứ Năm, 16/02/2023 17:36

Mùa cam 'đắng'

Từ tháng 11/2022 đến nay, nông dân trồng cam sành ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long lâm cảnh “được mùa mất giá”. Bán 1 tấn cam chỉ mua được bao phân bón, dù cam đang trong vụ nghịch.

Phòng Nông nghiệp huyện Trà Ôn đang đưa cam sành lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Kim Hà

Điệp khúc “được mùa mất giá”

Sở hữu hơn 12 công vườn trồng cam sành, mỗi công cho khoảng 16 tấn trái; nếu như những năm trước, giá cam dao động 16.000 - 18.000 đồng/kg thì anh Trần Văn Tuấn Tú (40 tuổi, ngụ ấp Tường Hưng, xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) có thể thu về hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện quá khứ, vì hiện tại giá cam sành chỉ khoảng 2.000 đồng; trừ hết chi phí, anh Tú còn lỗ khoảng 60 triệu đồng/công.

“Mười mấy năm trồng cam sành, tôi chưa thấy lần nào cam rớt giá thê thảm như năm nay. Bán không được, thương lái mua rẻ quá. Từ tháng 11/2022, giá cam tuột sâu cho đến nay. Rớt xuống 10.000 đồng/kg, rồi tới bây giờ là 2.000 đồng/kg”, anh Tú ngao ngán nói.

Vụ cam nghịch mùa năm nay cây cho trái nhiều, đẹp, chín lúc lỉu trên cành nhưng giá lại “rẻ như cho”.

Theo anh Tú, sở dĩ giá cam rẻ là bà con thấy năm rồi cam có giá nên năm nay ùn ùn làm bông (xử lý đậu trái). Mặc dù vụ cam năm nay rất “trúng” nhưng sản lượng quá nhiều, trong khi đó lại không có nơi tiêu thụ.

Phần lớn cam tại Trà Ôn cung cấp chủ yếu cho thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, do Tết vừa rồi Hà Nội lạnh quá nên cam không hút hàng, mà TP Hồ Chí Minh thì cung vượt cầu.

“Trung bình mỗi ngày tôi cắt khoảng 3 tấn cam. Nếu đến đợt cắt mà neo thì cam chín quá, nhẹ kí, rụng nhiều. Nếu cam chín thì thương lái ngại mua, vì vận chuyển dễ bị hỏng nên giá không cao”, anh Tú ngậm ngùi.

Bán 1 tấn cam mua được 1 bao phân bón

Thuê 13 công vườn để trồng cam, anh Trần Văn Tường (36 tuổi, ngụ ấp Tường Hưng, xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn) cho biết, mỗi công anh bỏ ra khoảng 100 triệu đồng để đầu tư vườn cam; từ khâu lên luống, mua cây giống, phân thuốc... chăm sóc đến 18 tháng mới cho thu hoạch, vậy mà bây giờ gặp mùa cam “đắng” khiến anh có nguy cơ mất trắng trong vụ này.

“Giá cam đầu ra bây giờ chỉ có 2.000 đồng/kg nhưng vật tư nông nghiệp lại quá cao. Một bao phân bón hơn 1,3 triệu đồng, tính ra 1 tấn cam mua chỉ được 1 bao phân. Trong khi đó, chi phí mỗi công cam tôi bỏ ra khoảng 100 triệu đồng, nếu giá cả như thế này mãi thì sau vụ cam năm nay mỗi công tôi lỗ trên 80 triệu đồng”, anh Tường nói.

Vườn của nông dân này, mỗi ngày có khoảng 10 tấn trái đến thời điểm thu hoạch. Nhưng hằng ngày anh chỉ cắt bán cầm chừng khoảng 1 tấn để chờ cam lên giá. Tình trạng không ai mua này nếu cứ tiếp diễn, người dân trồng cam tại Trà Ôn sẽ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Vì đầu tư vào thì ngày càng lỗ, còn neo trái cây bị suy ảnh hưởng đến năng suất vụ tới.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết, tổng diện tích cam sành của toàn huyện hơn 9.500ha, với sản lượng cam hằng năm khoảng 450.000 tấn.

Lý giải về thực tế cam sành rớt giá, ông Tám nói: “Năm nay, giá rẻ là do phát sinh những hộ dân trồng nhỏ lẻ khoảng 2 - 3 công vườn, họ thấy năm trước cam có giá nên trồng theo. Sau đó, thấy rẻ nên neo trên cây không bán, dẫn đến cam chín quá, thương lái không mua. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân, khi cam chín tới đâu thì cắt tới đó, không neo trái, tránh làm suy cây”.

Hiện tại, Phòng Nông nghiệp huyện Trà Ôn đang đưa cam sành lên sàn thương mại điện tử. Khả năng từ nay đến hết tháng 3 sẽ tiêu thụ khoảng 60 tấn cam của huyện.

KIM HÀ

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Thị trường phân bón 2023: Những tác động nhiều chiều, đâu là gam màu chủ đạo? (16/02/2023)

>   Giá heo hơi ngày 16.2.2023: Giảm hàng loạt, giá trần còn 53.000 đồng/kg (16/02/2023)

>   Lo thất thu thuế 1.200 tỉ vì đường gian lận xuất xứ (15/02/2023)

>   Lý do giá cá kèo bất ngờ tăng mạnh (13/02/2023)

>   Xuất khẩu cà phê tiếp tục khả quan (13/02/2023)

>   Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính: Muốn thuận lợi phải tăng chất lượng (11/02/2023)

>   Sau Lệnh 248, Lệnh 249, nông sản xuất khẩu Trung Quốc phải tuân theo Lệnh 259 (10/02/2023)

>   Đề nghị điều tra doanh nghiệp Indonesia nghi 'rửa nguồn' mía đường ở Việt Nam (10/02/2023)

>   Thị trường phân bón năm 2023: Nguồn cung đủ nhưng giá vẫn ở mức cao (07/02/2023)

>   Sầu riêng, thanh long Việt xuất Trung Quốc tăng giá gấp 3 lần (07/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật