Thứ Bảy, 04/02/2023 08:50

Lượng vốn giới startup ASEAN huy động được giảm mạnh trong 2022

Hoạt động huy động vốn của các startup tại ASEAN đã chậm lại trong năm 2022, với giá trị giao dịch giảm khoảng 1/3 so với một năm trước đó.

Nguyên nhân là tình hình kinh tế xấu đi, kéo theo triển vọng và định giá của các công ty công nghệ trẻ đang khát vốn để tăng trưởng.

Nhà đầu tư đề cao sự cân bằng giữa tăng trưởng và dòng tiền tự do

Sự sụt giảm diễn ra sau một thời kỳ đầu tư điên cuồng vào năm 2021, khi tổng vốn huy động được tăng vọt lên mức kỷ lục 25.75 tỷ USD. Khi đó, một số công ty khởi nghiệp lớn nhất trong khu vực, như Grab của Singapore, đã niêm yết cổ phiếu trước khi làn sóng tăng lãi suất diễn ra, dẫn đến tình trạng bán tháo sâu và điều chỉnh định giá đối với các công ty công nghệ thua lỗ.

Với cuộc xung đột Nga – Ukraine, các căng thẳng địa chính trị khác tiếp diễn và lạm phát đang gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, nhà đầu tư ngày càng đề cao sự cân bằng giữa tăng trưởng và dòng tiền tự do. Điều này khiến các chuyên gia suy đoán rằng các công ty khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á có thể bị cuốn vào làn sóng hợp nhất.

Biểu đồ: Số lượng “kỳ lân” ở ASEAN giảm mạnh trong năm 2022

Vào năm 2022, các startup trong khu vực đã huy động được tổng cộng 17.79 tỷ USD vốn cổ phần và vốn vay, giảm 31% so với năm trước, theo Báo cáo SE Asia Deal Review do DealStreetAsia thực hiện gần đây. Tuy nhiên, số lượng thương vụ đầu tư cổ phần tăng 9.6% lên 1,062.

Báo cáo của DealStreetAsia viết: “Đông Nam Á đã kết thúc năm 2022 không mấy suôn sẻ do những trở ngại về kinh tế vĩ mô và giá cổ phiếu giảm, buộc các nhà đầu tư phải ngừng rót vốn trên thị trường tư nhân. Khi mà nhiều startup đang phải đối mặt với sự sống còn, năm 2023 sẽ tiếp tục chứng kiến thị trường sụt giảm, một số doanh nghiệp sẽ lụi tàn, một số doanh nghiệp khác sẽ bị các đối thủ nhiều tiền hơn mua lại”.

Hoạt động huy động vốn trong giới startup bắt đầu có xu hướng giảm vào đầu năm 2022, đặc biệt là trong quý 4, với tổng số tiền thu được giảm xuống còn 2.88 tỷ USD và là quý thấp nhất hai năm qua.

Sự sụt giảm cũng được thể hiện rõ qua số lượng “kỳ lân” ít hơn, tức là những công ty chưa niêm yết có giá trị trên 1 tỷ USD. Chỉ có 8 “kỳ lân” xuất hiện trong năm ngoái, bằng 1/3 con số của năm trước đó.

Fintech là lĩnh vực gọi được vốn nhiều nhất trong khu vực ASEAN, chiếm 1/3 tổng vốn cổ phần vào năm 2022, theo DealStreetAsia. Trong số 20 thương vụ đầu tư cổ phần lớn nhất năm ngoái, các công ty tài chính chiếm một nửa bảng xếp hạng.

Ở Đông Nam Á, thanh toán kỹ thuật số và dịch vụ tài chính dự kiến tiếp tục mở rộng. Các lĩnh vực này được thúc đẩy bởi nhu cầu lớn từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, theo một nghiên cứu của Google, Temasek Holdings và Bain & Co.

Thương mại điện tử là lĩnh vực gọi được vốn nhiều thứ hai, huy động được 3.55 tỷ USD khi hoạt động mua sắm xuyên biên giới tiếp tục phát triển dù nhu cầu yếu hơn và các hạn chế liên quan đến COVID-19 được gỡ bỏ. Lazada đứng đầu về số lượng vốn huy động được của khu vực, với 1.68 tỷ USD trong vòng gọi vốn công ty từ công ty mẹ Alibaba Group Holding.

Các công ty ở giai đoạn đầu gọi được nhiều vốn hơn

Nhìn chung, nhà đầu tư vẫn tránh xa các startup chuẩn bị IPO. Thay vào đó, các công ty ở giai đoạn đầu có khả năng được tài trợ nhiều hơn so với một năm trước đó.

Vốn huy động được trong vòng tài trợ hạt giống trung bình là 2.5 triệu USD, tăng 56% so với năm 2021, trong khi vốn huy động từ vòng Series A tăng 8% lên 8.1 triệu USD.

Ngược lại, vốn huy động được ở giai đoạn cao hơn giảm, đáng chú ý là vốn trong vòng Series D đã giảm xuống bằng 1/4 con số của năm trước đó.

Ryu Muramatsu, đối tác sáng lập của GMO VenturePartners, cho biết các startup đã có bước ngoặt 180 độ trong hoạt động kinh doanh của họ khi nhà đầu tư ưu tiên lợi nhuận và dòng tiền tự do sớm hơn nhiều so với trước đây. Ông Muramatsu nhận định môi trường huy động vốn đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ.

“Suy nghĩ của các nhà đầu tư đang thay đổi theo cùng một cách và gần như có sự đồng thuận nhằm hướng tới lợi nhuận”, ông Muramatsu nói với Nikkei Asia. Cũng theo ông, nhiều công ty, đặc biệt là những công ty ở giai đoạn huy động vốn Series B trở đi, đang chú trọng nhiều hơn vào việc kiếm lợi nhuận.

Kim Dung (Theo Nikkei Asia)

FILI

Các tin tức khác

>   Ngân hàng lớn nhất Nhật Bản MUFG khởi động quỹ 100 triệu USD cho startup Indonesia (03/02/2023)

>   Cổ phiếu một công ty tăng gần 800% sau thông tin Jack Ma gặp chủ sở hữu (01/02/2023)

>   Startup ứng lương GIMO gọi vốn thành công 4.6 triệu USD (30/01/2023)

>   Trung Quốc mất sức hút, Đông Nam Á trở thành điểm đến của dòng tiền (30/01/2023)

>   Nhà đầu tư lãi 100 triệu euro khi đặt cược vào hãng bay phá sản (28/01/2023)

>   Vua hàng hiệu chờ khách hàng Trung Quốc trở lại (28/01/2023)

>   Năm nữ tỷ phú giàu nhất hành tinh (27/01/2023)

>   Sau Thái Lan, Jack Ma xuất hiện ở Hồng Kông (22/01/2023)

>   Hết thời tiền rẻ, giới startup chịu áp lực bán mình trong năm 2023 (24/01/2023)

>   Nhà tài trợ của bầu Đức và chiến lược quốc tế hóa qua bóng đá (20/01/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật