Thứ Hai, 13/02/2023 07:44

Kinh tế có tín hiệu tích cực nhưng còn nhiều thách thức

Sức chi tiêu của người dân Mỹ và EU dù giảm nhưng không đến mức quá mạnh sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.

Đã có một số tín hiệu tích cực về tăng trưởng cho ngành sản xuất Việt Nam. Tuy vậy, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn phía trước buộc các doanh nghiệp Việt phải thích ứng, thay đổi để tìm cách vượt qua.

Đơn đặt hàng xuất khẩu mới nơi tăng nơi giảm

Nhiều công ty dệt may đã ra quân sản xuất, kinh doanh ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Đặc biệt, một số công ty thông tin giai đoạn cuối năm 2022 đơn hàng xuất khẩu giảm sâu. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, nhiều công ty đã nhận được đơn hàng mới từ đối tác nước ngoài nên đang tăng tốc tuyển dụng lao động trở lại, nhất là lao động có tay nghề cao.

Ở chiều ngược lại, các công ty ở nhiều ngành nghề khác vẫn đang trong tình trạng thiếu đơn hàng. Công ty Khải Hoàn, chuyên sản xuất găng tay, trước đây thường xuyên kín đơn hàng ngay từ đầu năm nhưng giờ đây phải tính phương án sản xuất từng tháng một.

Khách hàng nước ngoài đang tìm hiểu về mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: QUANG HUY

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, công ty mẹ của Khải Hoàn, cho biết trong hai năm gần đây, công ty đã từng lập kỷ lục khi đạt lợi nhuận gần 500 tỉ đồng mỗi năm vì đơn hàng xuất khẩu nhiều, nhà máy phải hoạt động hết công suất mới có thể đáp ứng. Thế nhưng hiện giờ đơn hàng liên tục suy giảm. Thậm chí một số đối tác gần như dừng đặt hàng vì tình hình kinh tế suy thoái của nước họ.

Hoạt động trong một lĩnh vực vốn đem lại nhiều ngoại tệ và công ăn việc làm nhưng bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, cho biết: Bắt đầu từ quý IV-2022, khách hàng đã giảm tỉ trọng đặt hàng tại Việt Nam với mức độ giảm khoảng 30% so với những tháng trước đây. “Chúng tôi dự báo tình hình này còn kéo dài cho đến hết quý II-2023, sẽ đặt ra các thách thức lớn cho ngành sản xuất” - bà Xuân nói.

Phía trước còn nhiều gập ghềnh

Một báo cáo của S&P Global Market Intelligence công bố mới đây cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam đạt 47,4 điểm trong tháng 1-2023, tăng so với mức 46,4 điểm của tháng 12-2022. Điều này chỉ ra rằng ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục đối mặt với các điều kiện kinh doanh khó khăn trong tháng đầu của năm 2023, khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải đánh giá dù có tăng trưởng về chỉ số PMI trong tháng 1-2023 nhưng đây là tháng thứ ba liên tiếp, chỉ số này ở mức dưới 50 điểm. Điều này cho thấy ngành sản xuất Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn. PMI giảm tạo ra những chỉ báo như nhà máy thiếu đơn hàng phải đóng cửa và công nhân hết việc như đã thấy thời gian qua.

“Kinh tế Việt Nam vốn dựa vào thương mại quốc tế với tỉ trọng xuất khẩu rất lớn nên khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại thì ngành sản xuất của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng theo. Nhưng đây là vấn đề ngoại cảnh, còn các chỉ tiêu kinh tế nội tại đều khá tốt để hỗ trợ cho ngành sản xuất. Bằng chứng là các doanh nghiệp Việt vẫn thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất dù con đường phía trước còn nhiều gập ghềnh” - ông Hải đánh giá.

Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện

Mặc dù nhu cầu hàng hóa của các công ty sản xuất ở Việt Nam vẫn còn yếu vào đầu năm 2023 khiến sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tiếp tục giảm, đã có một số dấu hiệu tích cực từ lần khảo sát PMI tháng 1-2023. Một trong những điểm tích cực chính trong tháng 1 là nhu cầu đã cải thiện khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm hơn, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại và việc làm cũng giảm chậm hơn.

Đặc biệt, niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện với kỳ vọng nhu cầu sẽ mạnh lên trong năm, từ đó thúc đẩy tăng sản lượng. Việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 ở Trung Quốc, cộng với những dấu hiệu cho thấy suy thoái ở châu Âu và Mỹ có thể ít nghiêm trọng hơn dự kiến đã mang lại niềm lạc quan về khả năng tăng trưởng ở Việt Nam.

Ông ANDREW HARKER, Giám đốc kinh tế S&P Global Market Intelligence

Xoay chuyển tình thế

Giới chuyên gia cho rằng khó khăn là tạm thời, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tốt nếu nhìn về dài hạn. Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Lê Thanh Hưng nhìn nhận rằng tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức, để duy trì tăng trưởng, công ty sẽ nỗ lực tập trung sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực với định hướng đúng nhu cầu của khách hàng. Để khắc phục sự giảm tốc các thị trường truyền thống, công ty sẽ mở rộng sang các thị trường mới, đặc biệt tại các thị trường mà Việt Nam đang có các hiệp định thương mại tự do.

“Các nỗ lực đa dạng hóa thị trường sẽ hỗ trợ cho chúng tôi trong sản xuất và giảm bớt độ xóc của những biến động có tính chu kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi các chiến lược bán hàng, tiếp thị linh hoạt nhằm duy trì đơn hàng; thực hiện chuyển đổi số để tiết giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh” - ông Hưng nói.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhận xét do Việt Nam có độ mở lớn nên thị trường xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng khi kinh tế toàn cầu gặp vấn đề về tăng trưởng. Tác động đến việc tăng lãi suất năm ngoái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã làm chậm nền kinh tế Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Hai nền kinh tế này chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhưng trong trung hạn, có thể thấy đỉnh lạm phát các nước Mỹ và EU đã qua và sẽ tiếp tục giảm. Qua đó, lãi suất sẽ hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2023. Sức chi tiêu của người dân các nước này dù giảm nhưng không đến mức quá mạnh sẽ giúp xuất khẩu hưởng lợi và tăng trưởng trở lại. Thị trường Trung Quốc mở cửa lại cũng sẽ giúp Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trở lại.

Đồng quan điểm, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, dự báo các đơn đặt hàng xuất khẩu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023, bởi các nhà bán lẻ ở Mỹ và EU có thể mất ít nhất sáu tháng để giải quyết hàng tồn kho. Do đó, xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam vẫn khả quan trong dài hạn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt vẫn sẽ hưởng lợi từ một loạt nhân tố hấp dẫn và ổn định trong dài hạn. Đó là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam do sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vào năm ngoái. Quá trình đô thị hóa và nhân khẩu học sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng liên tục của tầng lớp trung lưu mới nổi và tiêu dùng nội địa Việt Nam. Việc mở cửa lại của Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy thương mại, du lịch, xuất khẩu của Việt Nam.

PHƯƠNG MINH

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu cà phê tiếp tục khả quan (13/02/2023)

>   Tăng quy mô khu tái định cư cao tốc Bắc - Nam, địa phương phải tự bố trí vốn (12/02/2023)

>   Thanh Hoá lên phương án đấu giá 766 dự án (12/02/2023)

>   EVN: Khả năng thiếu than cho sản xuất điện là hiện hữu (11/02/2023)

>   Nhiều đơn hàng dệt may chuyển sang Việt Nam (10/02/2023)

>   Doanh nghiệp muốn tuyển nhiều lao động phổ thông (10/02/2023)

>   Đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ bắt đầu quay trở lại (09/02/2023)

>   Hàng không Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn cuối năm nay, dự báo có lãi (09/02/2023)

>   Trung Quốc nối lại tour du lịch tới 20 quốc gia, nhưng không có Việt Nam (09/02/2023)

>   Việt Nam xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ vượt 8 tỷ USD tháng đầu năm (09/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật