Kinh doanh xăng dầu: Tại sao không để thị trường quyết định giá?
Đã đến lúc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trả thị trường theo cơ chế thị trường và phải càng sớm khắc phục những bất cập của thị trường, không để tình trạng càng sửa nghị định, doanh nghiệp càng bị bó cứng… là ý kiến của các chuyên gia kinh tế đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu do VCCI và Bộ Công Thương nêu ra ngày 14/2.
Phải tìm ra cái gốc để giải quyết vấn đề
Không thể duy trì tình hình hiện nay là góp ý của Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Bùi Ngọc Bảo khi góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu.
Ông Bảo cho rằng, vấn đề chiết khấu phải do thị trường quyết định nhưng khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu thì lại đang càng ngày càng bó cứng doanh nghiệp thông qua các điều khoản khác nhau.
Theo quan điểm của Chủ tịch Vinpa, để doanh nghiệp không đóng cửa, Nghị định 95 ít nhất phải sửa đổi 10 điều khoản do những đề xuất của doanh nghiệp từ bán lẻ đến thương nhân phân phối và đầu mối đều hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
“Nghị định 95 từ lúc có hiệu lực tới khi phải sửa đổi là Nghị định phải sửa nhanh nhất cho đến nay trong lĩnh vực xăng dầu. Chiết khấu là thoả thuận, không phải Nhà nước cho và phải đảm bảo tính đủ cho đầu mối, phân phối và bán lẻ. "Bán lẻ và kênh quan trọng nhất trong hệ thống, chuỗi phân phối, cứ điểm quan trọng nhất trong kinh doanh. Việc không tính đủ chi phí thoả thuận, để doanh nghiệp thua lỗ là “cực chẳng đã”. Ngoài ra phải xem xét, sửa công thức tính giá cơ sở”, ông Bảo nêu quan điểm.
Các chuyên gia cho rằng, cần phải tính đúng, tính đủ các chi phí cho doanh nghiệp để không có tình trạng cây xăng đóng cửa vì thua lỗ kéo dài
|
Theo Chủ tịch VINPA, có đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xuống còn 7 ngày nhằm tiệm cận giá thế giới nhưng chúng ta lại đang hành xử không theo mục tiêu đưa ra. Điển hình như khi giá lên cao thì dùng Quỹ bình ổn giá để bình ổn khiến thị trường và giá càng méo mó hơn.
“Giờ đề xuất rút thời gian điều chỉnh giá xuống còn 7 ngày/lần, khi giá dầu thế giới ở chu kỳ đó tăng 20-30% thì chúng ta có điều chỉnh tăng giá lên 30% hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Vậy phải tìm ra cái gốc để giải quyết vấn đề”, ông Bảo nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, 2022 là năm cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp bán lẻ nên việc tổ chức, xây dựng Nghị định cần phải để doanh nghiệp cộng các chi phí vào công thức giá.
“Nhà nước quản lý giá bằng công cụ, công thức, tính theo giá thế giới, còn chi phí của doanh nghiệp thì cũng phải được cộng vào cho đủ. Lúc đó đầu mối không thể kêu không đủ chi phí để chiết khấu cho bán lẻ. Việc sửa Nghị định cũng phải cố gắng có yếu tố thị trường rõ ràng hơn, nhưng vẫn có sự quản lý của Nhà nước”, ông Bảo nêu ý kiến.
Phải trả xăng dầu theo cơ chế thị trường
Đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn để giải toả những tâm tư, lo lắng của các doanh nghiệp từ đầu mối đến bán lẻ, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng, khi đã góp ý xây dựng thì cũng phải nhìn nhận thẳng thắn thời gian vừa qua có biểu hiện yếu kém trong quản lý nhà nước, để đứt gãy thị trường quan trọng như xăng dầu, trái phiếu.
"Chúng ta đã qua nhiều giai đoạn thế giới có các cuộc chiến tranh nên đừng đổ lỗi, bởi có những lúc dầu thô lên 140 USD/thùng chứ không phải giờ mới cao. Trước đây xử lý khác, không để tình trạng ''đá bóng" lẫn nhau như vừa rồi, rất thiếu trách nhiệm”, ông Cung bình luận.
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương.
|
Nguyên Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, Nghị định 95 nhìn tổng thể có tới 12 vấn đề cần sửa đổi. Trong đó, quan trọng nhất liên quan đến điều hành giá khi Nhà nước là đơn vị quyết định giá bán cuối cùng.
“Nói nếu không quản xăng dầu thì giá sẽ ảnh hưởng đến lạm phát là lập luận phi lý. Nếu lo Chính phủ lo lạm phát thì giảm thuế. Cái này tác dụng hơn nhiều so với những thứ chúng ta đang làm. Tại sao không để thị trường quyết định giá? Tự do hóa giá cả đầu tiên là mặt hàng gạo. Đây là mặt hàng chúng ta từng rất lo. Giờ mọi thứ theo thị trường nhưng vẫn rất ổn”, ông Cung nói.
Vị chuyên gia cho rằng, xăng dầu nên để thị trường quyết định. Với cách quản lý hiện hành, phần lỗ nhà nước bắt doanh nghiệp chịu là vô lý. Để giải quyết, không để doanh nghiệp đóng cửa, cần thể hiện chức năng nhà nước, bỏ trần giá xăng dầu, bỏ Quỹ bình ổn giá và thậm chí tính đến bỏ luôn điều hành định kỳ 10 ngày để thị trường vận hành như ở các nước.
“Cần có dự trữ quốc gia, khi thị trường bất ổn quá thì bơm ra. Cần công bằng với doanh nghiệp. Các quy định như bắt doanh nghiệp thực hiện dự trữ, mua của một đầu mối hay nhiều đầu mối cũng cần bỏ. Việc dự trữ là do nhà nước thực hiện. Như thế mới tiến dần đến việc thành lập thị trường cạnh tranh”, ông Cung nói.
Trường hợp nghị định không bỏ được các quy định mang tính rào cản, theo ông Cung, có thể cởi trói bằng cách quay về cơ chế lập hội đồng tính giá với sự tham gia của các bên (từ bán lẻ, đầu mối đến cơ quan nhà nước) để xây dựng công thức tính giá và thuê công ty tư nhân xác định giá hàng ngày.
Về ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, chuyên gia và hiệp hội, đại diện Ban soạn thảo, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho rằng, có thực tế phải thừa nhận là các quy định đều không thể áp dụng dài hạn. Trước sau tất cả đều phải trở về cơ chế thị trường hết.
Cũng nêu những khó khăn của người làm chính sách, ông Đông cho hay, đôi lúc tham mưu không thể làm được hết mà phải theo chỉ đạo của Chính phủ. Ngay việc sửa các điều khoản trong Nghị định về dự trữ xăng dầu và phân nhiệm vụ cho các doanh nghiệp cũng phải cân nhắc nguồn lực Nhà nước đã đủ chưa.
Phạm Tuyên - Quỳnh Nga
Tiền phong
|