Hóa chất 2022: Lãi bùng nổ
Kết năm 2022, nhiều doanh nghiệp ngành hóa chất công bố lợi nhuận bùng nổ so với năm trước. Các ông lớn lãi đến hàng ngàn tỷ đồng, có trường hợp tăng lãi tới hàng trăm lần.
Thị trường lắm biến động năm 2022 đã gây khó khăn cho nhiều ngành hàng. Nhưng với ngành hóa chất, bức tranh kinh doanh lại phủ đầy những gam màu rực rỡ, đặc biệt là với các ông lớn.
Nhiều doanh nghiệp thu lãi khủng trong năm 2022, đặc biệt là các ông lớn trong ngành
|
Đi lùi quý 4, cả năm vẫn lãi ngàn tỷ
3 ông lớn ngành hóa chất là Đạm Phú Mỹ (hay Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, HOSE: DPM), Đạm Cà Mau (HOSE: DCM) và Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) đều có kết quả kinh doanh cực tốt trong năm 2022 vừa qua.
DPM đứng đầu về kết quả kinh doanh với doanh thu hơn 18.6 ngàn tỷ đồng, lãi ròng gần 5.6 ngàn tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 46% và 79% so với năm trước. Ông lớn phân bón cũng sở hữu một bảng cân đối đẹp, với núi tiền mặt lên tới 9 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 66% tài sản ngắn hạn, trong khi nợ vay ngắn hạn chỉ hơn 200 tỷ đồng ở thời điểm kết thúc năm 2022.
Ông lớn DPM có kết quả kỷ lục trong năm qua |
|
DGC và DCM chiếm 2 vị trí tiếp theo trong top doanh thu và lãi ròng ngành hóa chất năm qua. Trong đó, DGC có 5 quý liên tiếp lãi trên ngàn tỷ, kết thúc năm với doanh thu hơn 14.4 ngàn tỷ đồng - tăng trưởng 51% và mức lãi gần 5.57 ngàn tỷ đồng, gấp 2.3 lần năm trước. Còn DCM có gần 16 ngàn tỷ đồng doanh thu, lãi ròng gần 4.3 ngàn tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 61% và gấp 2.3 lần năm trước.
DGC đạt kết quả kỷ lục trong năm qua |
|
Điểm chung của cả 3 ông lớn là đều trải qua một quý 4 đi lùi nhẹ, xét trên bối cảnh tình hình kinh doanh trong kỳ tiến triển theo xu hướng kém thuận lợi. Giá cả các mặt hàng phân bón, phốt pho, urê đang đi xuống, trong khi nhu cầu cũng đang suy yếu. Tuy nhiên, kết quả bùng nổ các quý trước đó (nhờ giá phân bón/hóa chất cùng nhu cầu tăng mạnh khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra) đã giúp nhóm này đạt kết quả ngoài mong đợi.
Cũng nằm trong nhóm lãi ngàn tỷ, Đạm Hà Bắc (HNX: DHB) kết năm 2022 với hơn 6.4 ngàn tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 43%), cùng 1.8 ngàn tỷ đồng lãi ròng. Mức lãi này thậm chí gấp tới 917 lần so với năm trước, biến doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thành cái tên có lãi tăng mạnh nhất ngành hóa chất năm qua. Tương tự như 3 ông lớn kể trên, mức lãi ấy đến từ 3 quý đầu tiên - thời điểm nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt. Quý 4/2022, lãi ròng của DHB cũng giảm tới hơn 60%, chỉ còn 85.2 tỷ đồng.
DHB - giống như 3 ông lớn kể trên - ghi nhận kết quả quý 4 giảm mạnh |
|
Nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng mạnh
Không đạt đến ngàn tỷ lợi nhuận như nhóm trên, nhưng nhiều doanh nghiệp khác trong ngành hóa chất vẫn báo lãi tăng mạnh trong năm 2022, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc Vinachem.
Hóa chất Việt Trì (HNX: HVT) nằm trong số những doanh nghiệp tăng lãi nhiều nhất, chỉ xếp sau DHB. Doanh nghiệp này kết năm với doanh thu gần 1.38 ngàn tỷ đồng, tăng 68%; lãi ròng 175 tỷ đồng, gấp 2.5 lần năm trước. Nhưng khác với DHB, kết quả quý 4 của HVT vẫn tăng trưởng nhờ giá bán các mặt hàng chính tăng mạnh.
HVT kết năm bằng mức lãi ròng gấp 2.5 lần năm 2021 |
|
DAP - VINACHEM (UPCoM: DDV) cũng báo doanh thu tăng 14%, đạt gần 3.3 ngàn tỷ đồng; lãi ròng 357 tỷ đồng, tăng 87%. Dẫu vậy, trong quý 4, DDV ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhờ sản lượng tiêu thụ tăng vọt, nhưng giá vốn và các mảng chi phí bật tăng mạnh khiến Doanh nghiệp giảm lãi tới hơn 78% so với cùng kỳ.
Một số cái tên khác tăng lãi mạnh có thể kể như NFC (gần 90%), CSV (gần 69%), LAS (hơn 31%), SFG (hơn 22%)…
Những gương mặt buồn
2022 có thể không tàn nhẫn với đa số doanh nghiệp nhóm hóa chất, nhưng vẫn còn đó những cái tên phải hứng chịu cái kết buồn.
BFC (Phân bón Bình Điền) là doanh nghiệp duy nhất thuộc Vinachem giảm lãi, ghi nhận lãi ròng 143 tỷ đồng (đi lùi 35%). Dù vậy, so với kế hoạch đặt ra từ ĐHĐCĐ 2022, Công ty vẫn hoàn thành vượt chỉ tiêu, lần lượt hơn 33% và 17.5% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế.
BFC là cái tên duy nhất thuộc Vinachem giảm lãi |
|
Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (HNX: PSE) báo lãi ròng sụt giảm tới hơn 71%, còn 16 tỷ đồng, dù doanh thu cả năm vẫn tăng trưởng. Mức giảm này phần lớn do khoản lỗ ròng 7 tỷ đồng trong quý 4 (cùng kỳ lãi hơn 20 tỷ đồng). Doanh nghiệp giải thích, tình hình kinh doanh quý 4 có nhiều khó khăn, khiến sản lượng các mặt hàng phân bón giảm tới 40% so với quý 4/2021, dẫn đến giảm mạnh cả chỉ tiêu doanh thu lẫn lợi nhuận.
Chung nhóm PVOil với PSE, Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc (HNX: PMB) cũng báo lãi giảm mạnh 53%, chỉ còn 18 tỷ đồng. Mức giảm này, cũng giống PSE, do khoản lỗ hơn 8 tỷ đồng trong quý 4 (cùng kỳ lãi 14.6 tỷ đồng).
Có 2 doanh nghiệp thậm chí báo lỗ trong năm qua là TSC (Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ) và QBS (Xuất nhập khẩu Quảng Bình). Tuy nhiên, đây là các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bán buôn, do đó chịu nhiều ảnh hưởng vì biến động giá phân bón, hóa chất.
Hồng Đức
FILI
|