Thứ Hai, 20/02/2023 13:48

GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất 2 giải pháp đặc biệt để tháo 'ngòi nổ' TPDN

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản không phải là giải cứu bất động sản mà là khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế phát triển. Về trái phiếu doanh nghiệp, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo lòng tin của người dân đối với thị trường trái phiếu, là cơ sở để phát triển thị trường này trong tương lai.

GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh an toàn do Thủ tướng chủ trì

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thị trường bất động sản đóng góp quan trọng trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế và có tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế.

Do vậy, khi thị trường bất động sản bị ngưng trệ, sẽ kéo theo hàng loạt các hoạt động kinh tế bị đình trệ theo sẽ là nguy cơ gây đình trệ tăng trưởng, thậm chí dẫn đến suy thoái.

Thị trường bất động sản còn là một kênh hấp thụ và chiếm giữ vốn rất lớn. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ bất động sản hiện đang chiểm khoảng 21.2% tổng dự nợ tín dụng.

Cộng thêm với dự nợ trái phiếu doanh nghiệp mà các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành thì tổng dự nợ bất động sản hiện đang bằng khoảng 36% GDP, tương đương với tỷ lệ dư nợ bất động sản trên GDP năm 2012 cũng khoảng 36-40% GDP).

Có ngân hàng còn lo hơn cả doanh nghiệp bất động sản vì tiền vốn ngân hàng cho vay đang nằm ở các dự án bất động sản chưa hoàn thành sản phẩm để bán.

Nếu thị trường bất động sản bị sụp đổ thì không chỉ làm các doanh nghiệp bất động sản phá sản mà mà kéo theo hàng loạt các ngành nghề và hoạt động kinh tế đình trệ, tất yếu sẽ kéo theo đình trệ tăng trưởng, thậm chí dẫn đến suy thoái kinh tế và sẽ cuốn theo cả hệ thống tài chính mất thanh khoản và sẽ đưa nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, sẽ gây mất lòng tin, thậm chí là sự phẫn nộ của những người dân đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.

Do vậy, việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc của thị trường bất động sản không chỉ là giải cứu bất động sản mà đó chính là tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế phát triển, đồng thời là giải pháp để giải phóng các khoản nợ của hệ thống tài chính đang nằm trong các dự án bất động sản dở dang.

2 giải pháp đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Về trái phiếu doanh nghiệp, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo lòng tin của người dân đối với thị trường trái phiếu, là cơ sở để phát triển thị trường này trong tương lai.

Do đó, phải có những giải pháp đảm bảo cho người dân đã mua trái phiếu doanh nghiệp yên tâm không bị mất các khoản tiền đã đầu tư, thậm chí có thể sẽ thu được nguồn lợi nhiều hơn, nếu kiên trì theo đuổi đầu tư dài hạn.

Chính vì vậy, bên cạnh việc sửa Nghị định 65/2022 theo hướng gia hạn thêm thời gian thực hiện các điều kiện của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng như gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, Chính phủ nên cho phép thực hiện 2 giải pháp đặc biệt như sau.

Thứ nhất, cho phép các doanh nghiệp phát hành thỏa thuận với người mua trái phiếu để chuyển các khoản nợ thành trái phiếu công trình có khả năng chuyển đổi thành các sản phẩm khi công trình hoàn thành, dưới hình thức như các nhà đầu tư được nhận sản phẩm theo mức giá trị đóng góp.

Nhà đầu tư có thể chuyển nhượng trái phiếu cho nhau, người nắm giữ trái phiếu coi như người góp vốn đầu tư chờ khi dự án hoàn thành sẽ nhận sản phẩm hoặc giá trị tương ứng với lượng sản phẩm được quyền chuyển đổi.

Phương thức này thực chất là một hình thức huy động vốn đầu tư dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản và người có vốn mua trái phiếu trở thành người góp đầu tư bất động sản và được hưởng lợi từ giá trị tăng thêm của bất động sản sau khi dự án hoàn thành.

Thứ hai, một số dự án bất động sản quan trọng (về quy mô, tính chất loại hình bất động sản và vị trí dự án), nếu không được tài trợ vốn, các doanh nghiệp có nguy cơ sẽ bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế hiện nay, nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đang chuẩn bị sẵn tiền chờ cơ hội thâu tóm các dự án này khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn buộc phải bán. Điều này sẽ có nguy cơ gây hệ luỵ lâu dài đối với việc kiểm soát thị trường bất động sản và nhiều vấn đề khác của đất nước.

Trong trường hợp này, Chính phủ cần phải can thiệp trực tiếp bằng phát hành trái phiếu Chính phủ mua lại các trái phiếu doanh nghiệp (với lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn để người dân sẽ yên tâm không bị rủi ro đối với tiền vốn đã mua trái phiếu doanh nghiệp); chuyển các khoản nợ này cho các tổ chức quản lý nợ như DATC hoặc VAMC quản lý và kiểm soát hoạt động của các dự án này tiếp tục đầu tư đến khi thu hồi vốn.

Trong trường hợp này, không nên hình sự hóa đối với doanh nghiệp mà để họ có cơ hội tiếp tục các hoạt động phục hồi dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý nợ của nhà nước.

GS. Hoàng Văn Cường cho rằng, tỷ lệ nợ công đang ở mức khá thấp, là dư địa để thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ cho thị trường và phát triển trong bối cảnh hiện nay. Việc này cũng không làm tăng cung tiền đầu tư nên góp phần kiểm soát lạm phát.

Thành lập BCĐ giải quyết các vướng mắc pháp lý

Theo GS. Hoàng Văn Cường, những vướng mắc về pháp lý chủ yếu là do các quy định của pháp luật có sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không rõ ràng cụ thể, làm cho các cơ quan quản lý e ngại, sợ vi phạm, không dám quyết định.

Có những vướng mắc từ các quy định trong các nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, song cũng có những vướng mắc do các qui định trong các luật khác nhau, thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Nếu rà soát để chỉnh sửa hết các Nghị định hoặc chờ sửa xong các luật có liên quan thì sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí hàng năm sau thì sẽ quá muộn đối với tình huống cần hành động cấp bách hiện nay.

Do vậy, để giải quyết kịp thời các vướng mắc pháp lý, cần có hành động kịp thời đồng bộ, kịp thời cả từ phía Chính phủ và cả từ Quốc hội.

Về phía Chính phủ, cần thành lập một Ban giải quyết xử lý các vướng mắc pháp lý từ Trung ương đến từng địa phương, đứng đầu cấp Trung ương là Thủ tướng Chính phủ. Đứng đầu địa phương là Chủ tịch UBND các địa phương, với sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban, ngành để đưa ra quyết định xử lý các vấn đề vướng mắc pháp lý với 3 yêu cầu.

Một là, lựa chọn vận dụng một trong số các quy định của pháp luật có qui định liên quan đến vấn đề cần giải quyết.

Hai là, trong số các phương án có thể xử lý, thì phương án được lựa chọn quyết định được Ban đánh giá là phù hợp nhất trong bối cảnh tại thời điểm ra quyết định, đáp ứng được tốt nhất yêu cầu của các bên có liên quan, những lợi ích mang lại được đánh giá là nhiều nhất, những thiệt hại nếu có được đánh giá là thấp nhất.

Ba là, công khai thông tin của quyết định lựa chọn cho mọi người dân được biết.

Quốc hội cần thông qua nghị quyết để xử lý ngay những vướng mắc, mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật

Về phía Quốc hội, cần thông qua một nghị quyết. Trước tiên là để xử lý ngay những vướng mắc, mâu thuẫn về các quy định pháp luật.

Tiếp đó, cho phép Chính phủ quyết định các biện pháp tức thời trong việc phát hành trái phiếu chính phủ mua lại các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp đối với các dư án quan trọng cần nắm giữ.

Đồng thời, cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu công trình có chuyển đổi thành sản phẩm.

Cho phép Chính phủ quyết định lựa chọn vận dụng các quy định của pháp luật khi có các quy định không thống nhất, chồng chéo hoặc không rõ ràng, cụ thể.

Bên cạnh đó, cần cho phép các doanh nghiệp được chuyển nhượng các dự án khi đã có giấy chứng nhận đầu tư (nhưng chưa đủ điều kiện chuyển nhượng dự án theo Luật Kinh doanh bất động sản) trên nguyên tắc: Nhà nước sẽ định giá lại giá trị đất của dự án và phần giá trị chênh lệch từ giá trị đất đai tăng lên phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, dành ngân sách hình thành quỹ đầu tư đủ lớn như đề nghị của Bộ Xây dựng để có nguồn tài trợ cho phát triển nhà ở cho người thu hập thấp, nhà ở xã hội.

Cuối cùng, về phía doanh nghiệp, phải tự tái cấu trúc các danh mục đầu tư để tập trung nguồn lực cho các hoạt động trọng tâm có khả thi để vượt qua khó khăn./.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Chủ đầu tư dự án La Vida Residences ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn (20/02/2023)

>   Núi trái phiếu khủng của doanh nghiệp bất động sản nhà ở (21/02/2023)

>   Công ty bất động sản Fuji Nutri Food chậm trả lãi cho lô trái phiếu ngàn tỷ (18/02/2023)

>   Bộ Tài chính sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp để ổn định và phát triển thị trường TPDN (17/02/2023)

>   Chủ quản The Coffee House mua lại trước hạn 200 tỷ đồng trái phiếu (17/02/2023)

>   Chủ đầu tư khu du lịch quốc tế Đồi Rồng mua lại gần 1,500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn (17/02/2023)

>   TDC không đủ khả năng trả lãi trái phiếu đến hạn dù vẫn còn dư tiền mặt  (17/02/2023)

>   Dự thảo sửa Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ có gì mới? (16/02/2023)

>   Đầu tư Bất động sản Sơn Kim mua lại trước hạn toàn bộ 500 tỷ đồng trái phiếu (16/02/2023)

>   Mavin Austfeed mua lại trước hạn trái phiếu được bảo đảm bằng nhiều tài sản liên quan TNG và tại MSB (16/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật