Thứ Ba, 07/02/2023 14:58

Giá điện có thể tăng thế nào sau khi áp khung giá mới

Việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới từ ngày 3/2 là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về mức tăng giá bán lẻ điện bình quân cụ thể trong năm nay.

Ngày 3/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân mới trong khoảng 1.826,22-2.444,09 đồng/kWh.

So với Quyết định 34/2017 thì mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu tăng 220 đồng/kWh (mức giá cũ là 1.606,19 đồng/kWh), tăng 13,7%; Mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa tăng 538 đồng/kWh (mức giá cũ là 1.906,42 đồng/kWh), tăng 28,2%.

Tuy vậy, việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới không đồng nghĩa với việc tăng giá bán điện ngay lập tức mà từ khung này, Bộ Công Thương sẽ quyết định mức giá bán lẻ cụ thể như mức tháng 3/2019. Sau khi có giá mới, EVN sẽ tính toán, công bố các bậc giá cụ thể cho từng đối tượng.

Hiện, giá bán lẻ điện bình quân vẫn ở mức 1.864,44 đồng/kWh, áp dụng từ 3/2019 đến nay.

Có thể vượt mốc 2.000 đồng/kWh

Thống kê trong 15 năm (giai đoạn 2007-2022) cho thấy giá bán lẻ điện đã có 11 lần tăng liên tiếp, mức điều chỉnh trung bình khoảng 92,9 đồng/kWh. Nếu năm nay, giá bản lẻ trung bình tăng bằng mức trung bình trên thì mức giá mới có thể từ 1.864,44 đồng/kWh lên 1.957,34 đồng/kWh, tương ứng 5%.

Một kịch bản khác, giá bán lẻ điện bình quân có thể vượt 1.957,34 đồng/kWh bởi các thông số đầu vào ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng rất mạnh trong năm 2022, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu.

Ngoài ra, việc tăng kịch khung không phải là không có cơ sở. Trong bối cảnh EVN ghi nhận mức lỗ lớn nhất trong lịch sử, không loại trừ khả năng cơ quan điều hành sẽ phải cân nhắc tăng giá điện lên mức kịch khung, tức tới 2.444,09 đồng/kWh mặc dù mức giá bán lẻ điện bình quân chưa bao giờ tăng tới mức kịch khung.

Vào tháng 6/2022, EVN tính toán chi phí bán lẻ điện bình quân năm 2022 đã tăng lên mức 1.915,59 đồng/kWh (không gồm khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện).

Theo đó, nếu giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng/kWh lên 2.444,09 đồng/kWh, tương ứng 31%. Đây sẽ là kịch bản tăng cao nhất trong lịch sử của giá điện.

Tuy nhiên, mức tăng cụ thể còn căn cứ vào giá thành, cơ cấu nguồn điện (than, dầu, khí) cũng như các loại phí, chênh lệch tỷ giá, đánh tác động đến kinh tế vĩ mô... mà EVN và Bộ Công Thương phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.

Trong 15 năm qua, giá điện đã tăng gấp 2,2 lần từ 842 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh. Trong đó, mức điều chỉnh giá điện cao nhất vào năm 2011 với tỷ lệ điều chỉnh khoảng 17,4% (ngày 1/3/2011 giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.058 đồng/kWh lên 1.242 đồng/kWh).

Theo ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, hiện nay, các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng dựa trên khung giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân được EVN xây dựng căn cứ theo cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định 24/2017.

"Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân được xây dựng nêu trên và mức điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá bán lẻ điện bình quân, đồng thời phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng", ông Hòa cho hay.

Giá bán lẻ điện bình quân được xây dựng dựa trên cơ sở nào?

Về phương pháp lập giá bán điện bình quân, Quyết định 24/2017 của Thủ tướng đã nêu rõ giá bán điện bình quân được lập hàng năm trên cơ sở chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện, chi phí và lợi nhuận định mức của các khâu truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí quản lý chung của Tập đoàn EVN.

Trên thực tế, giá điện bán lẻ được điều chỉnh lần gần nhất là năm 2019. Từ đó đến nay, mặc dù chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào có biến đổi tăng nhưng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên việc điều chỉnh giá bán điện vẫn chưa được thực hiện.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng khi xem xét giá bán điện cần cẩn trọng tất cả các chi phí liên quan như phát điện, truyền tải, bán buôn, bán lẻ... Làm sao phải công khai, minh bạch các chi phí cấu thành giá điện từ đó có mức tăng hợp lý.

"Bởi thực tế, ngành điện rất đa dạng gồm điện than, điện khí, điện gió, điện mặt trời... Vấn đề quan trọng là phải làm rõ cơ cấu giá điện hiện nay ra sao, tỷ trọng điện chiếm tổng sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế ra sao...", ông phân tích.

Theo chuyên gia, đề xuất điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là hợp lý nhưng điều quan trọng là phải công khai, minh bạch các chi phí đầu ra, đầu vào.

Trước đó, EVN đã đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh doanh nghiệp này ước lỗ hơn 30.000 tỷ đồng năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao.

Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng; trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng.

Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN lũy kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng. Với số lỗ dự kiến trên, EVN nhận định, nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, EVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động.

Hiện, EVN đang thực hiện báo cáo quyết toán chi phí kinh doanh điện năm 2022 và thuê các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN cũng như đơn vị thành viên.

Sau khi có báo cáo và đề xuất phương án giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp, Hội bảo vệ người tiêu dùng cùng thảo luận và lấy ý kiến.

Sau đó, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ để quyết định mức tăng cũng như thời điểm điều chỉnh tăng giá điện.

Thanh Thương

ZING

Các tin tức khác

>   Bộ Công Thương nói gì về việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân? (07/02/2023)

>   Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Hết thời 'lót ổ' bằng ưu đãi (07/02/2023)

>   Làm sao để doanh nghiệp sống được với lãi suất cao 15-16%? (07/02/2023)

>   Bắt Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An cùng 9 thuộc cấp (06/02/2023)

>   Ngoài tín dụng ngân hàng, chứng khoán, TPDN cũng cần khơi thông để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp (06/02/2023)

>   Chính phủ quyết định tăng khung giá bán lẻ điện bình quân (06/02/2023)

>   Gặp khó, Vietnam Airlines muốn bán vốn ở công ty nhiên liệu hàng không Skypec (06/02/2023)

>   Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương hoàn thành phương án giá bán lẻ điện (06/02/2023)

>   Xuất khẩu cá tra: Vì sao chế biến sâu chỉ chiếm 2%? (06/02/2023)

>   'Đại chiến' góp ý sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu (06/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật