Dự báo kinh tế khó lường, doanh nghiệp lên kế hoạch 2023 thận trọng
Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch thận trong cho năm 2023 trước bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi như lạm phát, lãi suất cao, cầu yếu...
Nền kinh tế 2023 khó khởi sắc
Theo Bộ Công Thương, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định. Nền kinh tế Việt Nam cũng được cho là sẽ chịu áp lực lạm phát không nhỏ do yếu tố cầu đẩy, điều chỉnh tăng lương, chi phí cơ bản… Bên cạnh đó, việc các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn giảm sút đơn hàng do kinh tế suy thoái cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng tăng trưởng. Năm nay, Quốc hội giao cho Chính phủ mục tiêu tăng trưởng GDP 6.5%, kiểm soát lạm phát ở mức 4.5% (năm 2022 lần lượt là hơn 8% và 3.15%).
Theo SSI Research, các số liệu kinh tế đang chỉ ra rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với rủi ro suy thoái trong năm 2023. Môi trường lãi suất ở mức cao, lạm phát cao kéo dài và thu nhập suy giảm đã và đang tác động tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiếp tục có sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia và khu vực. Cụ thể, xác suất xảy ra suy thoái kinh tế tại khu vực EU trong nửa đầu năm 2023 tương đối cao, trong khi các dữ liệu kinh tế của Mỹ vẫn cho thấy sự vững vàng nhất định từ tiêu dùng nội địa. Khu vực châu Á tiếp tục có sự vượt trội so với các khu vực khác cùng sự trở lại của Trung Quốc (nhờ việc dỡ bỏ dần chính sách Zero COVID và mở cửa nền kinh tế).
2023 sẽ là năm then chốt để thử thách nền tảng sức mạnh của kinh tế Việt Nam. Vẫn theo SSI Research, những yếu tố như lạm phát, cầu yếu, lãi suất cao sẽ khiến triển vọng ngành dệt may, thủy sản, bất động sản nhà ở, cảng biển và logistics, xây dựng, phân bón kém khả quan. Ngược lại, một số ngành khả quan nhờ có yếu tố hỗ trợ như đá xây dựng khi đầu tư công được thúc đẩy, bảo hiểm trong môi trường lãi suất cao, bất động sản khu công nghiệp với việc thu hút vốn FDI, công nghệ thông tin và viễn thông với làn sóng chuyển đổi số.
Những kế hoạch đi lùi
Phản ánh dự báo bức tranh kinh tế 2023 khó lường, nhiều doanh nghiệp lớn hé lộ kế hoạch kinh doanh 2023 không quá lạc quan. Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) công bố 2 phương án kinh doanh cho niên độ tài chính 2022 - 2023. Cụ thể, mục tiêu doanh thu khoảng 34,000 - 36,000 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 28% so với niên độ trước, lợi nhuận sau thuế 100 - 300 tỷ đồng, giảm 60% và tăng 20%.
Ban lãnh đạo HSG nhận định: xuất khẩu thép 2023 tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó lường trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng đến nhu cầu sản phẩm thép.
Tương tự, sau một năm đầy khó khăn của ngành thép, HPG thận trọng với mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay ở mức 8,000 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với năm trước; doanh thu 150,000 tỷ, tăng 6%.
Lãi cao kỷ lục trong năm vừa qua, cả hai ông lớn ngành phân bón là Đạm Phú Mỹ (HOSE: DPM) và Đạm Cà Mau (HOSE: DCM) cùng lên kế hoạch lợi nhuận giảm sâu năm nay. Cụ thể, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17,372 tỷ đồng, lãi sau thuế 2,250 tỷ đồng; lần lượt giảm 7.5% và 61% so với năm ngoái. Đạm Cà Mau kỳ vọng doanh thu giảm 16%, xuống 13,459 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 69%, xuống 1,383 tỷ đồng. Dù vậy, đây vẫn là các con số rất cao so với giai đoạn 2020 trở về trước của 2 doanh nghiệp này.
SSI Research cũng dự báo năm nay sẽ là năm kém khả quan của ngành phân bón. Nguyên nhân do giá ure có thể giảm trước việc xuất khẩu từ Nga và Trung Quốc phục hồi, chi phí đầu vào ure giảm (khi vấn đề thiếu hụt than và khí đốt tự nhiên dần được giải quyết) và nhu cầu suy yếu.
Doanh nghiệp logictics, cảng biển Viconship (HOSE: VSC) lên kế hoạch đi lùi trong năm nay với lợi nhuận trước thuế 260 tỷ đồng, giảm 45% so với năm trước. Nguyên nhân được lãnh đạo VSC đưa ra là các nền kinh tế lớn nhất thế giới gồm Trung Quốc, EU, Mỹ tăng trưởng chậm lại, dẫn đến dư thừa tàu vận chuyển và container rỗng; lạm phát, xung đột Nga - Ukraine có thể khiến chi phí tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu… Ngoài ra còn cạnh tranh lớn trong mảng khai thác cảng biển tại Hải Phòng, chi phí tài chính tăng cao do lãi suất tăng và khoản lỗ đầu tư công ty con, liên kết…
Hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, CNG Việt Nam (HOSE: CNG) dự kiến doanh thu năm nay đạt hơn 3,458 tỷ đồng, giảm 17% và lợi nhuận sau thuế đạt 85.45 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2022. Công ty cổ phần Phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam (HOSE: PGD) lên kế hoạch doanh thu giảm 15% và lợi nhuận giảm 48%, xuống 9,596 tỷ đồng và 214 tỷ đồng.
Bán lẻ kỳ vọng vào nửa cuối năm
Ở lĩnh vực bán lẻ, Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) dự kiến doanh thu thuần 2023 vào khoảng 135,000 đến 150,000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 4,200 - 4,700 tỷ đồng; tăng dưới 15% so với năm trước. Các chỉ tiêu này thấp hơn nhiều so với mức đạt được trong năm 2021 cũng như kế hoạch của 2022. Đồng thời, ban lãnh đạo công ty bán lẻ cho biết, những con số dự phóng trên dựa vào giả định hoạt động sản xuất, tiêu dùng tích cực hơn, có dấu hiệu hồi phục trở lại từ giữa quý 3 hoặc quý 4.
MWG đánh giá tình hình vĩ mô không thuận lợi, sức cầu yếu, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi nhanh chóng trong năm nay.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT MWG cho biết năm 2023 thực sự không khả quan, nhất là 2 quý đầu năm. Tình hình tồn kho ở các hãng đang khá cao vì tiêu thụ quý 4 và mùa tết không đạt mức tăng trưởng kỳ vọng, sau tết nhu cầu thị trường cũng không sáng hơn. Dù vậy, MWG vẫn đặt mục tiêu tăng 2 chữ số cho 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh nhờ lấy thêm thị phần của các đối thủ.
Tương tự, với kỳ vọng yếu tố kinh tế vĩ mô cải thiện từ nửa cuối năm, Digiworld (HOSE: DGW) đặt mục tiêu doanh thu 2023 đạt 25,109 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 787 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 15% so với thực hiện 2022. Với quý 1, doanh nghiệp bán buôn dự kiến doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm khoảng 43% và 38% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân Hà
FILI
|