Thứ Ba, 28/02/2023 09:00

Doanh nghiệp vung tiền M&A bất chấp kinh tế khó khăn

Ngay từ đầu năm, những doanh nghiệp có nguồn tiền mạnh như Hóa chất Đức Giang, Sabeco, Biwase đã và đang triển khai kế hoạch mua cổ phần công ty mục tiêu để mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn như lạm phát, lãi suất tăng cao, cầu yếu… các doanh nghiệp lớn, có nguồn vốn mạnh đang tranh thủ tìm kiếm cơ hội mua cổ phần công ty cùng lĩnh vực để bành trướng quy mô.

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) đang trong tiến trình hoàn tất thủ tục để thâu tóm Ắc quy Tia Sáng (HNX: TSB) sau khi nhà nước thoái vốn. Đầu năm, Vinachem công bố bán 3.44 triệu cổ phiếu TSB, tương đương 51% vốn. Hai nhà đầu tư cá nhân tham gia mua là bà Nguyễn Thị Thu Hà và Bùi Thị Hà Thu.

Ngày 09/03 tới đây, Ắc quy Tia Sáng sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 để thông qua việc Hóa chất Đức Giang nhận chuyển nhượng 51% vốn từ 2 cá nhân trên mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai. Đồng thời, đại hội cũng sẽ bầu lại thành viên HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ mới.

Bất chấp dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của DGC thăng hoa hai năm gần đây, đặc biệt là 2022 với lãi ròng đạt 5,567 tỷ đồng. Nhờ vậy, bên cạnh lượng tiền và tương đương tiền hơn 1,435 tỷ đồng (đầu năm chỉ có 124 tỷ đồng), Doanh nghiệp còn có nguồn tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng lên đến 7,571 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản trong khi nợ vay tài chính không đáng kể, chưa đến 500 tỷ đồng. Điều này cho phép DGC thoải mái trong các kế hoạch M&A, đầu tư mở rộng quy mô.

Với kết quả kinh doanh cùng dòng tiền tốt, “ông lớn” ngành bia Sabeco (HOSE: SAB) có kế hoạch nâng sở hữu tại 2 đơn vị liên kết là Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) và Tập đoàn Bao bì Sài Gòn thành công ty con. Sabeco đang sở hữu 22.18% vốn Sabibeco với giá gốc đầu tư 446 tỷ đồng và đầu tư 50 tỷ đồng vào Bao bì Sài Gòn.

Vào đầu năm, Biwase (HOSE: BWE) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua chủ trương mua cổ phần 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực nước và vệ sinh môi trường với tỷ lệ sở hữu 50 - 100%. Đó là CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An, CTCP Công trình Đô thị Châu Thành, CTCP Công trình Đô thị Cần Giuộc, CTCP Nước và Môi trường Bằng Tâm và CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình.

Biwase là doanh nghiệp cung cấp nước sạch lớn ở tỉnh Bình Dương, thị phần lên đến 70%. Doanh nghiệp cùng với cổ đông lớn Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDW) có tham vọng thống lĩnh thị phần cấp nước khu vực phía Nam.

Năm trước, Biwase cũng đã mở rộng hoạt động xuống Cần Thơ khi mua cổ phần hai doanh nghiệp nước là CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ (UPCoM: CTW) và CTCP Cấp nước Cần Thơ 2. Nếu thực hiện thành công thương vụ M&A 5 doanh nghiệp nước kể trên, “ông lớn” nước sạch Bình Dương sẽ vươn “cánh tay” đến Long An và Quảng Bình.

Biwase hoạt động trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người nên có nguồn thu ổn định, tăng trưởng đều hằng năm. Từ năm 2017 - 2021, Doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Riêng 2022, doanh thu tiếp tục tăng nhưng lợi nhuận đi ngang do chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Tại thời điểm cuối năm 2022, công ty có nguồn tiền nhàn rỗi 872 tỷ đồng gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn, tăng thêm hơn 270 tỷ đồng so với đầu năm. Dù vậy, Biwase cũng duy trì khoản nợ vay lớn hơn 4,000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 89%.

Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) cũng là doanh nghiệp tích cực M&A thời gian qua. Công ty thành lập năm 2017, hoạt động trong hai mảng chính là chăn nuôi heo và kinh doanh nông sản. Sau 3 năm đầu hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy đây là lĩnh vực kinh doanh rủi ro và biên lợi nhuận thấp nên định hướng tập trung cho hoạt động chăn nuôi heo. Do vậy, trong năm 2022, BAF Việt Nam đã triển khai nhiều chiến lược để mở trang trại nuôi heo và M&A các doanh nghiệp cùng ngành.

Mới đây, HĐQT thông qua quyết định mua 99.9% vốn CTCP Tây An Khánh - doanh nghiệp chăn nuôi heo ở Tây Ninh. Vào cuối năm 2022, Công ty mua đơn vị chăn nuôi ở Đồng Nai là CTCP Sản xuất Thương mại Chăn nuôi Kim Hợi. Cùng với đó, BAF Việt Nam cũng rót thêm vốn vào các công ty con như Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh, Đầu tư Trang trại Xanh 2… để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo theo mô hình trại lạnh khép kín.

Tính đến cuối 2022, BAF đã có 17 công ty con, tăng thêm 5 đơn vị so với cuối năm 2021. Đồng thời, cơ cấu nguồn thu cũng có sự thay đổi. Dù doanh thu bán nông sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng đã giảm đáng kể từ 9,671 tỷ đồng xuống 5,731 tỷ đồng, doanh thu chăn nuôi tăng mạnh từ 763 tỷ đồng lên 1,316 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp mảng nông sản chỉ 2.7% trong khi chăn nuôi đạt 25.4%. Song, việc giảm nguồn thu ở mảng nông sản trong khi mảng heo mới được đẩy mạnh đầu tư cũng khiến lợi nhuận ròng BAF giảm 9%, xuống 292 tỷ đồng.

Bất chấp nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn, hoạt động M&A vẫn rất sôi động. Những doanh nghiệp có nguồn tiền đã và đang tận dụng cơ hội để hiện thực hóa tham vọng mở rộng bằng một cái giá hợp lý.

Ngân Hà

FILI

Các tin tức khác

>   Agribank thoái toàn bộ vốn tại CMG, lãi gần 57% (23/02/2023)

>   V12 phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá 12,000 đồng/cp (23/02/2023)

>   BAF muốn mua thêm một công ty chăn nuôi heo ở Tây Ninh (15/02/2023)

>   VDP: CBTT giải tỏa đợt 1 với 50% số cổ phiếu ESOP đã phát hành cho người lao động (15/02/2023)

>   BCG điều chỉnh phương án sử dụng vốn từ phát hành cổ phiếu (14/02/2023)

>   Sau tuyên bố của bầu Đức, HAG thực sự còn nắm bao nhiêu vốn tại Bapi HAGL? (14/02/2023)

>   GIL: Thông báo công văn của UBCKNN về báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu ESOP của GIL (13/02/2023)

>   Savico phát hành thêm 33 triệu cp để tăng gấp đôi vốn (13/02/2023)

>   Biwase muốn thâu tóm 5 công ty ngành nước (13/02/2023)

>   Sabibeco, Bao bì Sài Gòn sắp chuyển thành công ty con của Sabeco (09/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật