Công ty chứng khoán đi qua đỉnh lợi nhuận
Năm 2021 là cột mốc đáng nhớ với ngành chứng khoán, thị trường tăng trưởng đã giúp các công ty chứng khoán (CTCK) báo lãi kỷ lục. Tuy nhiên, đà tăng trưởng không thể kéo dài tới năm 2022 khi lợi nhuận của khối này sụt giảm mạnh.
Theo dữ liệu của VietstockFinance, quý 4/2022, 74 công ty chứng khoán đạt tổng lợi nhuận sau thuế 1,576.6 tỷ đồng, giảm 43.5% so với quý liền trước và giảm tới gần 82% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2022, khối CTCK này thu về khoản lãi ròng 13,224 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả 25,475.5 tỷ đồng ở năm 2021.
Nguồn: VietstockFinance
|
Sau khi tạo đáy trong quý 1/2020, thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, lợi nhuận của các CTCK bắt đầu giai đoạn bùng nổ. Hai năm bứt phá 2020 - 2021 đã mang lại khối lợi nhuận khổng lồ cho các CTCK. Thậm chí có công ty tạo ra khoản lợi nhuận tới 2 - 3 ngàn tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, kết quả năm 2022 cho thấy họ đã bước qua đỉnh lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh của các CTCK nắm top thị phần cũng đồng pha với diễn biến chung của toàn ngành. Những ông lớn như Chứng khoán SSI, Chứng khoán Bản Việt (VCI), Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán MB (MBS)… hầu hết đều tạo đỉnh lợi nhuận quý trong quý 4/2021 hoặc quý 1/2022. Xét theo năm, trừ VPS, Mirae Asset vẫn tăng trưởng nhẹ trong năm 2022, các CTCK còn lại trong top thị phần đều đã tạo đỉnh lợi nhuận vào năm 2021.
Lợi nhuận của các CTCK top 10 thị phần trên sàn HOSE (quý 4/2022) trong 6 năm gần đây
Nguồn: VietstockFinance
|
Chỉ số VN-Index đã có một năm 2022 đầy khó khăn khi bất ổn kinh tế toàn cầu dẫn đến việc lãi suất tăng mạnh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, cùng với nỗ lực chống tham nhũng nhằm loại bỏ sai phạm của một số công ty lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến chỉ số VN-Index giảm điểm từ mức đỉnh 1,520 vào đầu tháng 4/2022 xuống mức thấp nhất là 911.9 điểm vào giữa tháng 11/2022.
Giá cổ phiếu của một số công ty giảm mạnh cộng tâm lý thị trường tiêu cực và thanh khoản thấp đã tạo tiền đề cho việc bán giải chấp các cổ phiếu niêm yết, chủ yếu là các doanh nghiệp phát triển bất động sản. Một số mã ghi nhận giá cổ phiếu giảm tới 65 - 67%.
Thanh khoản thị trường sau đỉnh 1,500 cũng đã dần tìm mặt bằng mới. Tới quý 4/2022, giá trị giao dịch khớp lệnh trên 3 sàn giảm hơn 60% so với bình quân quý 1/2022, xuống còn hơn 11.8 ngàn tỷ đồng.
Số tài khoản mở mới cũng tạo đỉnh đầu năm 2022, cho thấy thị trường đã kém sôi động so với giai đoạn bùng nổ trước đó. Điều kiện thị trường đã dần trở nên khó kiếm lời hơn cho nhóm CTCK, tác động không ít tới lợi nhuận.
Quy mô giao dịch thị trường giảm mạnh làm các mảng chính như môi giới, cho vay margin, tự doanh gặp khó khăn; từ đó làm sụt giảm lợi nhuận trong năm 2022.
Đơn cử như trường hợp Chứng khoán VNDirect đã báo lỗ trong quý 4/2022 do mảng tự doanh không thuận lợi, tăng dự phòng các khoản cho vay và phải thu cũng như chịu gánh nặng từ chi phí lãi vay và chi phí liên quan tới khoản vay.
Lợi nhuận của các CTCK top 10 thị phần trên sàn HOSE (quý 4/2022) trong 6 năm gần đây
Nguồn: VietstockFinance, VSD
|
Trước khi có cú bứt phá tới đỉnh 2021, lợi nhuận CTCK có giai đoạn 2018 - 2019 gần như đi ngang vì thị trường trầm lắng. Lần này, liệu kết quả kinh doanh của các CTCK sẽ trầm lắng trong bao lâu?
Chí Kiên
FILI
|