Chuyên gia kỳ cựu tại Mỹ mách nước để doanh nghiệp Việt huy động vốn ở Mỹ
Ngày 15/02, Saigon Asset Management ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với ông Sam Van, cựu Giám đốc niêm yết quốc tế tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE).
Thông qua hợp tác này, Saigon Asset Management (SAM) và ông Sam Van hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu huy động vốn và niêm yết tại thị trường Mỹ.
Ông Louis Nguyễn (bên trái) ký kết thỏa thuận chiến lược với ông Sam Van
|
"Nhu cầu huy động vốn và niêm yết tại thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, sự hiểu biết về quy trình thực hiện, mức độ phức tạp cũng như những thuận lợi và thách thức khi niêm yết tại thị trường nước ngoài còn hạn chế”, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Saigon Asset Management, cho biết.
Trong khi đó, ông Sam Van cho rằng việc cung cấp cho các doanh nghiệp khả năng hiểu rõ con đường dẫn đến thị trường vốn lớn và có tính thanh khoản cao như Mỹ sẽ giúp họ huy động vốn phát triển công ty, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thỏa thuận trên được ký kết ngay khi các kênh huy động vốn tại Việt Nam đang bị tắc nghẽn.
“Thị trường đang trong giai đoạn không phát triển mạnh mẽ và rất nhiều công ty tìm cách huy động vốn trong bối cảnh khó vay ngân hàng. Họ có thể tìm kiếm nguồn vốn ở nước ngoài”, ông Louis Nguyễn cho biết. “Tuy nhiên, khi nói về thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cảm thấy khá xa vời”.
Làm sao để niêm yết lên sàn chứng khoán Mỹ?
Từng làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và nắm giữ các vị trí trong các cơ quan giám sát sàn chứng khoán Mỹ, ông Sam Van hiểu rõ các quy định cũng như cách thức để niêm yết lên sàn chứng khoán Mỹ.
“Khi xem xét các sàn chứng khoán Nasdaq hay NYSE, các sàn này có yêu cầu rất linh hoạt và được thiết kế cho từng loại doanh nghiệp khác nhau và tùy thuộc vào mẫu hình tăng trưởng của họ”, ông Sam cho biết.
Theo ông, nguyên tắc niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq và NYSE dựa trên 3 tiêu chí chính:
- Các thông số định lượng: Số liệu tài chính, doanh thu, lợi nhuận, hiệu suất kinh doanh, vốn chủ sở hữu, nợ…
- Định giá thị trường. Tiêu chí này sẽ tùy thuộc vào vốn hóa thị trường, vốn chủ sở hữu của công ty bạn và tùy vào từng mô hình của công ty.
- Chất lượng của công ty: Thị trường Mỹ thường yêu cầu rất cao về vấn đề quản trị doanh nghiệp. Những người đứng đầu của công ty sẽ phải chịu trách nhiệm về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty. Chẳng hạn như liệu họ có làm gì vi phạm luật hay không họ có hỗ trợ cho cổ đông và các bên liên quan hay không?
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng cần phải tìm hiểu về các quy định và các cơ quan giám sát thị trường Mỹ. Sàn chứng khoán Mỹ quản trị bởi các cơ quan Chính phủ khác nhau: Bao gồm Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), Cơ quan quản lý ngành tài chính Mỹ (FINRA – chủ yếu phụ trách về vấn đề liêm chính của công ty), Ủy ban giám sát kế toán công ty đại chúng (PCAOB – một cơ quan thuộc SEC chuyên quản lý việc kiểm toán các hoạt động kế toán của công ty đại chúng).
Chưa hết, các công ty còn phải chuẩn bị các tài liệu theo quy định để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư. Chẳng hạn như tài liệu Form F1 của SEC. Tài liệu này cung cấp thông tin về tình hình tăng trưởng, các rủi ro từ hoạt động kinh doanh, tại sao họ thua lỗ,… Dựa vào các tài liệu này, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định phù hợp.
Niêm yết ở Mỹ, doanh nghiệp không nhất thiết phải có lãi
Ông Sam Van cũng lưu ý rằng doanh nghiệp đang thua lỗ cũng có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, miễn sao họ có thể chứng minh mô hình kinh doanh của mình có tiềm năng tăng trưởng lớn.
“Mỹ có cơ sở nhà đầu tư rất lớn và có kỹ năng phân tích kinh tế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà đầu tư Mỹ cũng sẵn lòng đầu tư vào doanh nghiệp có tăng trưởng cao dù biết rằng có rủi ro đi kèm. Tôi biết có những quốc gia không sẵn lòng niêm yết các công ty đang có kết quả kinh doanh thua lỗ. Vì vậy, thị trường Mỹ có thể là điểm đến thích hợp cho các doanh nghiệp này”, ông Sam Van cho biết.
Ông chia sẻ có một số ngành cần có giai đoạn phát triển sản phẩm kéo dài và tốn rất nhiều chi phí, do đó trong thời gian đầu, doanh nghiệp này thường ghi nhận lỗ. Chẳng hạn như ngành công nghệ sinh học (Biotech). Các doanh nghiệp trong ngành này phải mất nhiều thời gian phát triển và xin phê duyệt từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
“Tính trung bình, để phát triển và hoàn hiện một loại thuốc sẽ tốn khoảng 1.6 tỷ USD và thời gian hoàn thiện, cấp phép rơi phải khoảng từ 3-4 năm. Trong giai đoạn này, họ thường lỗ vì chưa có doanh thu. Với nhà đầu tư Mỹ, họ vẫn sẵn lòng đầu tư vào các doanh nghiệp này”.
Sau khi đã niêm yết thành công, sàn chứng khoán Mỹ cũng yêu cầu các công ty niêm yết phải đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu như phải duy trì vốn chủ sở hữu tối thiểu (ở mức 15-20 triệu USD), thanh khoản hàng ngày, phải duy trì được một ngưỡng giá nào đó.
Nếu nuốn đẩy nhanh tiến trình, phải lên kế hoạch từ trước
Ông Sam Van cũng lưu ý nếu muốn đẩy nhanh tiến trình huy động vốn ở nước ngoài, các doanh nghiệp phải chuẩn bị từ trước. Theo ông, ban lãnh đạo công ty phải lên kế hoạch khi nào sẽ cần huy động vốn mới, thay vì “đợi nước tới chân mới nhảy”. Công ty phải đánh giá và dự tính được dòng tiền tương lai cần để phát triển công ty trong 12-24 tháng tới và từ đó đưa ra kế hoạch huy động vốn thích hợp.
Đồng thời, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu theo quy định, những số liệu tài chính của bạn cần phải được kiểm toán và đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về ban quản trị.
“Muốn chuẩn bị vào thị trường Mỹ sẽ không đơn giản, nhưng bạn có tinh thần chuẩn bị trước bạn sẽ thành công”, ông Louis Nguyễn nhận định.
Vũ Hạo
FILI
|