Chân dung Liên danh muốn làm khu đô thị hơn 5,200 tỷ tại Bình Định
UBND tỉnh Bình Định mới đây công bố kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tham gia đăng ký thực hiện dự án khu đô thị và du lịch An Quang, huyện Phù Cát.
Theo đó Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung, CTCP Đầu tư Bất động sản Đông Đô - BQP, Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Công nghệ Hoàng Thành được công nhận là nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án khu đô thị và du lịch An Quang, huyện Phù Cát.
Khu đô thị và du lịch An Quang có diện tích khoảng 89.2 ha. Quy mô đầu tư dự án được chia thành 2 tiểu khu gồm tiểu khu đô thị có diện tích 485,080 m2, gồm đất xây dựng nhà ở; đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội; đất xây dựng cơ sở giáo dục; đất cây xanh; đất giao thông - hạ tầng kỹ thuật; đáp ứng quy mô dân số khoảng 7,700 người.
Tiểu khu dịch vụ du lịch có diện tích 406,969 m2, gồm đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội; đất xây dựng công trình thương mại dịch vụ; đất xây dựng công trình dịch vụ du lịch có lưu trú; đất cây xanh; đất giao thông - hạ tầng kỹ thuật; bãi cát; đáp ứng lượng du khách lưu trú tại tiểu khu du lịch khoảng 12,600 người.
Tiêu chuẩn yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp là 20% tổng vốn đầu tư dự án, tương đương 1,046 tỷ đồng.
|
Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn dự án gần 5,229 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện 4,895 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất); chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sơ bộ 334 tỷ đồng.
Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 6 năm kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực hoặc được công nhận làm chủ đầu tư dự án. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Phối cảnh dự án khu đô thị và du lịch Quang An
|
Tiềm lực Công ty Tuấn Dung
Được biết Liên danh thực hiện dự án là 3 công ty bất động sản đều đến từ Hà Nội. Trong đó, Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung được thành lập vào năm 2004; có trụ sở tại thôn 9, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản, do ông Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1987, Chủ tịch HĐTV) và bà Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1964, Giám đốc) cùng làm đại diện pháp luật. Cả hai người này đều có cùng địa chỉ thường trú.
Vào năm 2016, Công ty có vốn điều lệ 350 tỷ đồng; trong đó bà Tâm góp 75% và bà Nguyễn Thị Thùy Dung 25%. Đến tháng 10/2016, Công ty tăng vốn lên 386 tỷ đồng. Tháng 04/2020, bà Dung rút toàn bộ vốn, cơ cấu cổ đông thay đổi, bà Tâm còn nắm 57.9% và ông Tuấn Anh 42.1%. Tháng 05/2021, Công ty tăng vốn từ 500 lên 1,000 tỷ đồng. Đến ngày 11/11/2022, Công ty tăng vốn lên 1,500 tỷ đồng và chỉ sau đó, ngày 28/11/2022 giảm còn 1,450 tỷ đồng.
Công ty Tuấn Dung được biết đến bởi đề xuất nghiên cứu đầu tư cải tạo tuyến đường sắt khu vực ga Nha Trang và xây dựng mới ga hàng hóa Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Ga Nha Trang
|
Theo đề xuất của doanh nghiệp vào năm 2019, nếu được các cấp, ngành cho phép, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu, khảo sát đầu tư thực hiện dự án tuyến đường sắt tránh TP Nha Trang và nhà ga Nha Trang theo hình thức PPP thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Theo đó, đoạn giao thông đường sắt Bắc - Nam đi đến nút giao Ngọc Hội (khu Vĩnh Điềm Trung) thay vì rẽ trái vào ga Nha Trang như hiện nay sẽ rẽ phải theo hướng lên xã Vĩnh Trung. Doanh nghiệp sẽ đầu tư hướng rẽ này và hệ thống nhà ga tại xã Vĩnh Trung, Nha Trang. Đổi lại, doanh nghiệp được hoàn vốn bằng quỹ đất ga Nha Trang hiện tại, ngoại trừ công trình nhà ga Nha Trang được giữ lại làm bảo tàng đường sắt.
Trước đề xuất này, Bộ Giao thông – Vận tải đã đồng ý để Công ty Tuấn Dung nghiên cứu tiền khả thi dự án bằng vốn doanh nghiệp.
Đến năm 2020, doanh nghiệp này đưa ra 2 phương án cải tạo. Cụ thể, phương án 1 chỉ dời hoạt động vận chuyển hàng hóa đến ga mới, dự kiến xây dựng tại xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, còn ga hành khách vẫn duy trì tại ga Nha Trang hiện nay. Phương án 2, dời toàn bộ ga Nha Trang đến ga mới sẽ xây dựng tại xã Vĩnh Trung. Cả 2 phương án đều chung mục đích sử dụng đất ga Nha Trang để xây dựng chung cư cao tầng, nhà liền kề, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ…
Ngoài tra, Tuấn Dung còn là chủ nhà máy sản xuất gỗ, ván ép, đồ dùng may mặc tại lô đất CN 05-2 Cụm công nghiệp Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Hai doanh nghiệp còn lại là ai?
Về CTCP Đầu tư Bất động sản Đông Đô – BQP là một doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, được thành lập vào năm 2010; trụ sở tại tầng 4 tòa nhà Gami, số 11 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội; do ông Nguyễn Thành Hoan làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Đông Đô là chủ đầu tư của chung cư Đông Đô tại ngõ 100 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội và dự án cụm công trình nhà ở IA20A khu đô thị Nam Thăng Long.
Công trình nhà ở IA20A khu đô thị Nam Thăng Long.
|
Còn Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Công nghệ Hoàng Thành thành lập năm 2001; trụ sở tại BT1, lô 1, khu đô thị Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ban đầu mới thành lập Công ty có vốn điều lệ 36 tỷ đồng, do ông Nguyễn Thế Đại (làm Giám đốc) góp 10% và Nguyễn Thế Giỏi (Chủ tịch HĐTV) 90%. Tuy nhiên, đến tháng 01/2021, Công ty tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng.
Ngoài vai trò tại Công ty Tuấn Dung, ông Tuấn Anh còn là đại diện pháp luật và cổ đông lớn tại hàng loạt công ty bất động sản trụ sở ở Hà Nội như CTCP Đầu tư - STT Group, CTCP Đầu tư Winland, CTCP Capella Residences Resort, CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị TTA.
Được biết, CTCP Capella Residences Resort thành lập năm 2020 với ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ làng du lịch, khách sạn, biệt thự du lịch, nhà nghỉ du lịch. Khi mới thành lập có vốn điều lệ 188 tỷ đồng; trong đó ông Nguyễn Đức Chi (sinh năm 1969, giữ chức Chủ tịch HĐQT) nắm 38%, ông Tuấn Anh (Tổng Giám đốc) 38%, ông Trần Quốc Hùng năm 15%, ông Nguyễn Hà Quang 4%, ông Nguyễn Văn Chiên 5%. Ông Chi là đại gia gốc Nghệ An, Chủ tịch HĐQT CTCP Crystal Bay (Crystal Bay Group), nổi tiếng với loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng như SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang hơn 8 ha, Ninh Chữ Sailing Bay hơn 5 ha (giai đoạn 1), Nàng Tiên Cá – Rusalk 44 ha, Champarama Resort & Spa, Mũi Dinh Ecopark 766 ha.
CTCP Đầu tư - STT Group được thành lập năm 2018, vốn điều lệ 300 tỷ đồng; trong đó ông Tuấn Anh (làm Giám đốc) góp 51%, ông Chu Đình Sơn 25%, ông Nguyễn Minh Tân 24%.
CTCP Đầu tư Winland thành lập năm 2019, trụ sở tại Hà Nội, vốn điều lệ 300 tỷ đồng; trong đó ông Tuấn Anh (làm Tổng Giám đốc) góp 85%, ông Nguyễn Hà Quang 5%, ông Nguyễn Minh Tân 5%, ông Phạm Thế Thanh 5%.
CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị TTA thành lập năm 2021, vốn điều lệ 300 tỷ đồng; ông Tuấn Anh góp 40%, bà Nguyễn Thị Thịnh 30%, ông Nguyễn Đăng Tiến 30%. Đáng chú ý, ông Tiến là Giám đốc của Công ty TNHH Phytopharco Việt Nam - doanh nghiệp có vốn điều lệ 219 tỷ đồng, trong đó ông Tiến nắm 1%, còn lại 99% do ông Nguyễn Công Chiến nắm. Phytopharco Việt Nam là công ty mẹ của CTCP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) – một nhà cung ứng thuốc quen thuộc cho nhiều bệnh viện khắp cả nước, đặc biệt là thương vụ hợp tác phân phối dược phẩm với Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam.
|
Thu Minh
FILI
|